Xử lý 12 dự án thua lỗ: Bảo toàn tài sản nhà nước ở mức cao nhất
Ngày 23/3, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì họp bàn xử lý 12 “đại” dự án yếu kém đã từng thua lỗ tại Bộ Công Thương. Phó thủ tướng cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang rất quan tâm phương án cũng như tiến độ xử lý các dự án yếu kém, nên phải cố gắng hoàn thành công việc này để báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 4.
Ảnh minh họa |
Trong số 12 dự án thua lỗ nặng nề, kém hiệu quả thì có 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 5 dự án, 2 dự án có “bóng dáng” Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel). Tính đến thời điểm hiện nay, có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất kinh doanh nhưng bị thua lỗ; 3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn; 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn.
Báo cáo về tình hình và phương án xử lý đối với 12 dự án tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thực tế cho thấy, mặc dù thuộc các nhóm ngành khác nhau và được khởi công xây dựng, đưa vào khai thác ở những thời điểm khác nhau, nhưng các dự án này đều có chung tồn tại là tổng mức đầu tư đều vượt so với mức được phê duyệt ban đầu, làm tăng giá thành sản phẩm (đối với các dự án đã kết thúc và đưa vào khai thác) hoặc làm cho dự án không còn khả thi, buộc phải dừng thi công thực hiện.
Tiến độ kéo dài, có dự án chậm tiến độ 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, khiến cho tình trạng đội vốn càng trầm trọng hơn. Trong quá trình thi công dự án, hầu hết các gói thầu EPC của dự án đều có phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Nhiều dự án, mặc dù đã kết thúc nhưng vẫn chưa thanh lý được hợp đồng, chưa quyết toán được dự án. Tất cả các dự án khi đi vào vận hành sản xuất đều gặp khó khăn về tài chính do tỷ trọng vay vốn đầu tư cho các dự án cao, toàn bộ vốn lưu động phải đi vay làm tăng chi phí vốn dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao làm dự án không hiệu quả, bị thua lỗ…
Phó thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ không cấp thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước để xử lý khó khăn, tồn tại của dự án; bảo toàn tài sản nhà nước ở mức cao nhất, giảm thiểu thiệt hại ngân sách nhà nước. Bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình xử lý, giải quyết các khó khăn của dự án.
Đặc biệt, trong xử lý lần này, sẽ đi đến cùng trách nhiệm. Chính vì vậy theo Phó thủ tướng, phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ giai đoạn đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến tổ chức thực hiện đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả.
Cho rằng việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, nhưng Phó thủ tướng khẳng định, phải tính đến các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm lợi ích, không bỏ rơi người lao động và đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế lớn của đất nước.
“Đến hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý các dự án, DN; đến hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các tồn tại, vướng mắc và yếu kém của các dự án”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cũng cho biết, hiện có 4 dự án đang tốt lên là Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2, Lào Cai. Đối với dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, ông Hiếu cho biết “xử lý khó, nhưng tinh thần là vẫn phải làm sao để bảo toàn cho khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên”.
Một thông tin đáng mừng được Phó thủ tướng Huệ bổ sung là đạm Ninh Bình đã khởi động lại, tình hình rất tốt, từ ngày mùng 2 tết cả guồng máy đã làm việc, còn không có đủ sản phẩm để bán. “Dự án nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, tôi vào thị sát thấy tình hình cũng đang chuyển biến tích cực”. Dự án nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã dừng sản xuất từ tháng 4/2015 đến nay do không có thị trường tiêu thụ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp và dẫn đến liên tục bị thua lỗ… Tập đoàn PVN và chủ đầu tư BSR-BF đã rà soát, xây dựng các phương án để khởi động lại dự án. Có 2 phương án được xem xét để xử lý đối với dự án này gồm phương án 1, định giá, bán đấu giá nhà máy; phương án 2 tái cơ cấu lại Công ty nhiên liệu sinh học miền Trung. Đại diện Tập đoàn PVN khẳng định, “sẵn sàng khởi động lại dự án này đảm bảo không bị lỗ”.
Còn đại diện Tập đoàn Vinachem cho biết về tình hình các dự án thuộc tập đoàn mình là từ mùng 3 tết đã đi vào hoạt động, tiêu thụ đến thời điểm hiện nay là hết sản phẩm, vận hành 80% công suất, ổn định...
Để làm rõ trách nhiệm dẫn đến sự bi bết của 12 đại dự án này, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đang chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khẩn trương kiểm toán, thanh tra, điều tra theo chuyên đề, theo từng nhà máy, dự án để phục vụ quá trình xử lý dự án và xác định rõ sai phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo các quy định của pháp luật.