Sàn vàng chui: Đừng huyễn hoặc với lợi nhuận
Luật sư Trương Thanh Đức |
Điển hình là việc ngày 25/9 vừa qua, thêm sàn vàng ảo của CTCP Đầu tư truyền thông và Tiếp thị Sài Gòn (IMMS Holdings) bị đánh sập và nhiều NĐT có thể mất trắng các khoản tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng đã bỏ vào đây.
Xung quanh vấn đề này, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật TNHH Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư (BASICO).
Những rủi ro khi tham gia vào giao dịch sàn vàng ảo là gì thưa Luật sư?
Rất nhiều rủi ro nhưng có lẽ rủi ro lớn nhất là theo quy định hiện hành, đây là các sàn hoạt động bất hợp pháp. Do đó, khi có xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, pháp luật sẽ không bảo vệ và như vậy sẽ gây bất lợi, thiệt hại sẽ thuộc về phía NĐT. Hơn nữa, do không có hành lang pháp lý công khai, rõ ràng cho nên nếu có gian lận, sai lệch thì NĐT cũng đành cam chịu.
Bên cạnh đó, tính chất của hoạt động kinh doanh này là thất thường, khó kiểm soát được, khó tính toán được khả năng thắng thua, trong khi giá trị giao dịch thường rất lớn, thời gian diễn ra nhanh nên nguy cơ mất nhà cửa, sạt nghiệp là rất cao. Nếu lại đi vay mượn bên ngoài, thậm chí vay nặng lãi để bỏ tiền vào “canh bạc” thì khi tình huống xấu xảy ra sẽ còn kinh khủng hơn nữa.
Nhưng vì sao các NĐT vẫn lao vào các sàn vàng ảo như vậy?
Tôi không thể nói thay các NĐT nhưng về cơ bản hình dung thế này:
Thứ nhất, đây là một hoạt động giống với đánh bạc chứ không phải đầu tư kinh doanh. Nói cách khác, đó là loại đầu tư rủi ro quá cao, mà tính bình quân thì số mất luôn nhiều hơn số được. Nhưng nó lại không xa lạ với tâm lý máu mê cờ bạc, ăn thua của nhiều người dân Việt Nam xưa nay.
Minh chứng là chưa cần nói đến các hoạt động cờ bạc bất hợp pháp như lô đề, cá độ mà chỉ nhìn ở những hình thức vui chơi có thưởng hợp pháp như xổ số, trò chơi điện tử… thì cũng đã thấy nhà nhà, người người lao vào nhiều đến mức nào.
Thứ hai, có thể đã có nhiều NĐT kiếm được lợi nhuận từ hoạt động này là có thật, chứ không phải chỉ là bánh vẽ. Người đã kiếm được tiền thì đương nhiên là ham, người thân, bạn bè và người khác thấy thế thì càng sốt ruột lao vào theo.
Thứ ba, cũng bởi vì hệ thống pháp luật và quản lý còn thiếu rõ ràng và bất cập nên vẫn còn những kẽ hở để nhiều người lợi dụng và tạo ra tình trạng khó phân biệt được thế nào là đúng sai, hay đâu là bất hợp pháp.
Ông nhìn nhận thế nào về hoạt động huy động, cam kết trả lãi cao của các sàn vàng này?
Nguy cơ mất tiền đối với những người bỏ vốn vào hoạt động này có thể thấy trước. Sự nguy hiểm tăng theo lãi suất. Kinh doanh gì ra lãi lớn mà huy động nhiều tiền và trả lãi cao như vậy?
Thường khi họ huy động như vậy là vì sàn vàng đó đã thua lỗ nhiều, muốn gỡ gạc lại nên phải huy động vốn, vay mượn các nơi để lấy tiền của người sau trả cho người trước, và một phần để đầu tư tiếp vào sàn vàng hay các hoạt động rủi ro cao khác nhằm gỡ lại theo kiểu con bạc khát nước, đâm lao nên phải theo lao.
Nên sàn vàng nào khi bị động đến cũng đã làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng là vì thế. Ngay hoạt động bài bản như ngân hàng, nhưng nếu cứ đẩy tiền ra cho vay mà không biết khách hàng lấy gì để trả nợ hay cứ để họ muốn làm gì thì làm (cho dù là dùng tiền vào mục đích hợp pháp), thì nợ xấu và mất vốn là đương nhiên.
Theo ông, liệu có còn nhiều sàn vàng như vậy đang hoạt động không và liệu tới đây có thể tái diễn cảnh sàn vàng bị đổ tiếp?
Tôi nghĩ còn và chắc con số lên tới vài chục. Và sẽ còn những sàn vàng ảo nữa bị đánh sập hay tự sập, vì đến một mức độ nào đó, khi họ không thể chống đỡ được nợ nần, thua lỗ nữa thì sẽ phải sụp đổ.
Và cảnh báo của Luật sư với các NĐT?
Cần phải nói thẳng ra, đây là một hình thức đầu tư kiểu đánh bạc, đa số là bất hợp pháp, chứ không phải đầu tư kinh doanh bình thường. Nên NĐT phải quyết định cho mình ở hai khía cạnh: Khía cạnh pháp lý (tính hợp pháp của hoạt động đó) và khía cạnh tiền bạc, rủi ro được - mất trong cuộc chơi này.
Cũng cần nói thêm câu này: Nếu vẫn chấp nhận tham gia cuộc chơi đỏ đen, khi có rủi ro, thua thiệt xảy ra, thì đừng nên bức xúc đổ lỗi cho Nhà nước không giải quyết. Bởi khi đã biết rõ sự thể rồi mà vẫn dám làm thì hãy dám chịu.
Xin cảm ơn Luật sư!