Sản xuất gỗ: Thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại
Ngành gỗ ra tuyên bố chung “nói không với gỗ bất hợp pháp” | |
Để đồ gỗ được vào EU |
Ông Abdul Sobur, Phó Chủ tịch Tổ chức và Quan hệ các đại lý của Hiệp hội Công nghiệp Thủ công Mỹ nghệ và Nội thất Indonesia cho biết, do khả năng cạnh tranh yếu và chi phí sản xuất đắt đỏ tại Indonesia, nên các DN đồ gỗ tại nước này đang rất ưa thích thị trường Việt Nam. Bởi ngoài mức lương rẻ hơn so với Indonesia, thì Chính phủ Việt Nam có chính sách ưu đãi đầu tư tốt hơn, hỗ trợ nhiều cho DN nước ngoài.
Ngành sản xuất, chế biến gỗ hấp dẫn DN ngoại |
Còn tại Indonesia, DN không nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, trong khi sản xuất đồ gỗ cần hỗ trợ xuất khẩu, quảng bá sản phẩm và thu mua nguyên liệu thô. Vì vậy, DN Indonesia đã dần chuyển hướng, đưa nhà máy sản xuất sang Việt Nam. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD/2016, nhiều gấp 4 lần xuất khẩu đồ gỗ của Indonesia (1,6 tỷ USD/2016) cũng là một cái đích mà DN nước này hướng đến trong tương lai.
Indonesia chỉ là một trong số các nước chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy sản xuất chế biến gỗ. Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng từ năm 2017 này. Vì vậy, DN các nước, từ nhà sản xuất đến cung cấp gỗ sau khi thấy thị trường Trung Quốc không còn nhiều tiềm năng đã chuyển hướng vào Việt Nam.
Cụ thể, DN cung cấp gỗ nguyên liệu phần lớn đến từ châu Âu đã chuyển sang Việt Nam bằng cách hợp tác liên doanh với các DN trong nước. DN các nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… đã và đang chuyển dây chuyền sản xuất đến Việt Nam, nhằm tận dụng ưu đãi thuế suất xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ chỉ từ 0% - 4%, vì sản phẩm đồ gỗ Việt Nam vốn được đánh giá cao.
Hiện nay, trong tổng số trên 500 DN đầu tư nước ngoài hoạt động chế biến gỗ ở Việt Nam, có khoảng 35% là DN đến từ Trung Quốc, Đài Loan. Địa phương mà DN ngoại chọn đến nhiều nhất là tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Trong đó, Bình Dương vốn có thế mạnh về sản xuất chế biến gỗ, nên thu hút sự đầu tư mạnh mẽ của các DN Trung Quốc và dự báo là vẫn còn tăng thêm.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp B, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), hình thức đầu tư mà DN Trung Quốc chọn khi vào Việt Nam, là thông qua việc mua lại các DN Việt thua lỗ hoặc đã phá sản, thậm chí, nhiều DN đầu tư dưới tên của DN Việt Nam. Về sản xuất, một số chọn hình thức đặt hàng DN Việt Nam làm gia công, một số khác chọn mang hàng hóa có sẵn từ Trung Quốc sang, chỉ thêm vài công đoạn như lắp ráp, phủ sơn...
Các DN đến từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan… thì mang máy móc, trang thiết bị, đầu tư nhà xưởng và thuê nhân công Việt Nam sản xuất. Bên cạnh đó, cũng có một số lượng lớn DN ngoại thuê hẳn các cơ sở, hộ sản xuất gia đình hay DN nhỏ của Việt Nam làm gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất để làm hàng xuất khẩu.
Việc làn sóng DN ngoại vào Việt Nam như hiện nay vừa có mặt tích cực, vừa có điểm bất lợi. Mặt tích cực là giải quyết việc làm ổn định cho người lao động tại địa phương; góp phần hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ; tạo áp lực cạnh tranh với DN trong nước, thúc đẩy ngành hàng tăng đầu tư vào khâu thiết kế mẫu mã, để sản phẩm ngày càng đa dạng, đạt chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên, việc DN ngoại sản xuất tại Việt Nam sẽ dẫn đến nguy cơ DN nội địa (với quy mô nhỏ lẻ chiếm đa số) bị mất đơn hàng. Trong đó, DN Trung Quốc lại chiếm số lượng lớn, sẽ dễ dẫn đến ngành gỗ trong nước có thể bị áp thuế chống bán phá giá, do lượng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tăng đột biến.
Cũng theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, một điều đáng lo nữa, là khi tăng số lượng DN sản xuất gỗ ở Việt Nam, việc mua nguyên liệu chế biến đồ gỗ xuất khẩu sẽ rất khó khăn đối với DN trong nước vốn đã gặp khó từ năm 2016. Bình quân mỗi năm Việt Nam sử dụng 24 triệu - 25 triệu m3 gỗ nguyên liệu các loại, trong đó, nhập khẩu 6 triệu m3.
Nhưng gần đây, nhiều quốc gia trong khu vực (có cả Việt Nam) ban hành chính sách đóng cửa rừng tự nhiên và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, dẫn đến DN chế biến không dám nhận đơn hàng vì thiếu nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, có đủ giấy tờ hợp lệ theo yêu cầu.