Sau 30 năm, FDI lan toả đến đâu?
FDI lan tỏa kém vì sự tự ti và thiếu tự tin của DN Việt | |
Chuyển động kinh tế qua lăng kính xuất nhập khẩu | |
9 tháng thu hút được gần 25,5 tỷ USD vốn FDI, giải ngân 12,5 tỷ USD |
Sau gần 30 năm hiện diện tại Việt Nam, vốn FDI đã góp phần thay đổi diện mạo nền kinh tế nhờ những tác động lan toả tích cực trên nhiều phương diện. Tuy nhiên cũng chính trong tác động lan toả của dòng vốn ngoại lại đang tồn tại dai dẳng nhiều điểm yếu khó khắc phục, đặt ra vấn đề cần nhìn lại về vai trò dòng vốn để có chính sách điều chỉnh phù hợp. Vấn đề này đã được các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý nhìn nhận tại cuộc toạ đàm “30 năm lan tỏa vốn FDI”do Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư BizLIVE tổ chứchôm cuối tuần qua.
FDI đã giúp nhiều địa phương chuyển dịch thành công cơ cấu nền kinh tế |
Từ nền kinh tế đến từng người dân
Đánh giá về công trạng lớn nhất của khối FDI, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, đó chính là việc đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Mại dẫn chứng, nếu như năm 2010 Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khối ASEAN về kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, thì đến năm 2014 đã vươn lên đứng đầu, chiếm 22% tổng xuất khẩu của khối sang thị trường này. Nhìn trong bức tranh rộng hơn, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện chiếm 4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thế giới, là con số rất lớn. Hiện nay nước ta đứng top đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, cà phê, dệt may, và đã trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại thông minh, máy tính bảng…
Ở góc độ địa phương, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc có lẽ cảm nhận rõ nét hơn cả về việc FDI đã giúp tỉnh này chuyển mình phát triển nhanh chóng như thế nào. Ông mở đầu một cách quả quyết: “Trước tiên tôi xin khẳng định Vĩnh Phúc có được hôm nay nhờ đầu tư nước ngoài”.
Ông Thành cho biết, thời điểm tái lập tỉnh vào năm 1997, Vĩnh Phúc chỉ xếp ở vị trí 57/63 tỉnh thành trên cả nước về năng lực cạnh tranh, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2 triệu đồng/năm. Nhờ các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh NĐT nước ngoài, sau 20 năm, Vĩnh Phúc đã đạt mức thu ngân sách 33.000 tỷ đồng, tăng 300 lần so với ban đầu, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân của toàn quốc, thu nội địa nhiều năm chỉ đứng sau Hà Nội. Để có được thành công đó phải có đóng góp của các DN FDI.
Ông Thành cho biết thêm, hiện nay tỷ trọng của các DN FDI đóng góp vào xuất khẩu đạt trên 95% sản phẩm “Made in Việt Nam” sản xuất tại Vĩnh Phúc, có mặt tại 20 nước trên thế giới. “Có một điều chúng tôi rất tự hào là sang thị trường Mỹ, khi đi mua quần áo thì lại thấy sản phẩm sản xuất tại Vĩnh Phúc. Một sản phẩm khác là ghế ô tô thì toàn bộ chi tiết ghế xe đều sản xuất ở Vĩnh Phúc và xuất khẩu sang Bắc Mỹ”, ông Thành chia sẻ.
Tới năm 2010, lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho 33.000 lao động tại Vĩnh Phúc và con số này đến nay đã tăng gấp đôi. Năm 1997, đối tượng đóng thuế thu nhập cá nhân ở tỉnh 100% là người nước ngoài. Nhưng đến nay, tỷ lệ người đóng thuế là 60% đến từ người nước ngoài, 40% của người Việt Nam. “Điều này cho thấy tác động lan toả đã đến với từng người dân trên địa bàn tỉnh chứ không chỉ nhìn chung ở nền kinh tế”, ông Thành khẳng định.
Như vậy, người dân đã được hưởng thành quả trong thu hút FDI và các DN nhỏ của Vĩnh Phúc cũng bắt đầu bắt nhịp được. Nếu như trước đây chỉ có một vài nhà cung cấp cho DN FDI và chỉ làm những sản phẩm phụ trợ như bao bì, chi tiết nhựa giản đơn… thì đến nay đã xuất hiện ngày càng nhiều DN tham gia với vai trò nhà cung ứng cấp 1.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI bổ sung một góc nhìn khác về chiều hướng lan toả của FDI. Đó là ở tỉnh nào có nhiều DN FDI thì ở đó chất lượng điều hành của chính quyền địa phương tốt hơn địa phương khác. “Quan chức ở đó chuyên nghiệp hơn, chất lượng dịch vụ công ở đó cũng tốt hơn. Vì vậy không chỉ DN FDI được hưởng lợi mà các DN trong nước cũng hưởng lợi”, ông Tuấn cho biết.
Liên kết kém cản đường lan toả
Mặc dù đã tạo ra nhiều tác động lan toả tích cực, song thực tế là sự liên kết giữa DN FDI và trong nước rất khiêm tốn, dù có chuyển động nhưng rất chậm chạp. Điều này khiến cho tác động lan toả của khối này chưa thực sự toàn diện như kỳ vọng đặt ra. GS. Nguyễn Mại dẫn chứng, tác động lan toả chưa được như kỳ vọng, thể hiện trong việc các DN Việt Nam vẫn hạn chế tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ có 21% DN Việt Nam thực sự tham gia chuỗi, trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ này là 30%, ở Malaysia là 46% . Như vậy, chúng ta vẫn còn kém xa các nước xung quanh.
Từ góc độ DN, ôngBang Hyun Woo, Phó TGĐ Samsung Việt Nam cũng chỉ ra rằng lo ngại chính của các DN FDI là khả năng kết nối và tham gia vào chuỗi của DN Việt Nam còn hạn chế. Khẳng định rằng Samsung đã hình thành được hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam với hàng trăm nhà cung ứng các cấp, song vị này tiếc nuối khi số lượng nhà cung ứng cấp 1 là DN Việt Nam chỉ chiếm số lượng vô cùng nhỏ. So với tốc độ mở rộng đầu tư sản xuất của Samsung tại Việt Nam thì sự tham gia của các DN Việt Nam vào chuỗi sản xuất vẫn rất chậm chạp. Đây chỉ là một “lát cắt” nhỏ cho thấy tác động lan toả của vốn FDI đối với khối DN trong nước nói riêng và cả nền kinh tế nói chung còn rất hạn chế.
Chia sẻ về hạn chế lớn nhất khiến DN khó tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung, ôngBang Hyun Woo cho biết đó là quy mô của khối các DN Việt Nam hiện còn quá nhỏ. “Có thể nói rằng Samsung là tập đoàn có quy mô vô cùng lớn, vì vậy các DN Việt Nam muốn trở thành nhà cung cấp của Samsung thì cũng phải có quy mô tương ứng. Thực tế Samsung đã đóng góp trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, sản lượng rất lớn, do đó để một DNNVV của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung là vô cùng khó khăn”, ông nói.
Vị này cũng lưu ý, những sản phẩm của Samsung được xuất khẩu đến rất nhiều nơi trên toàn cầu do đó các linh kiện vật tư đầu vào đòi hỏi chất lượng vô cùng cao. Vì vậy nếu nói các DN Việt Nam ngay bây giờ đáp ứng được chất lượng là bài toán vô cùng nan giải.
ÔngBang Hyun Woo cũng khuyến nghị, trước hết các DN nội địa chưa nên vội tham vọng tham gia vào chuỗi của Samsung với vai trò nhà cung cấp cấp 1, mà nên bắt đầu với vị trí cấp 2, cấp 3, sau đó tích luỹ kinh nghiệm và công nghệ. “Tôi nghĩ rằng DN của Việt Nam muốn trở thành nhà cung cấp của Samsung thì cần có đầu tư vô cùng lớn. Làm thế nào để rà soát và lựa chọn các DN có năng lực và tiềm năng như vậy sẽ là đề án rất hay”, ông kiến nghị với các cơ quan quản lý.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dẫn một nghiên cứu của CIEM cho thấy tác động lan toả có liên quan đến quy mô DN. Theo đó các DN nhỏ không nhận được tác động này, DN vừa và lớn mới có thể nhận được tác động. Do đó vấn đề là làm sao để DN Việt Nam lớn lên thì sẽ giảm được khoảng cách về công nghệ với các DN lớn và tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI. “Ở góc độ chính sách, tôi rất đồng ý về việc các DN phải chủ động nhưng nếu DN quá nhỏ thì cần có bàn tay của Nhà nước”, bà Tuệ Anh khuyến nghị.