Chuyển động kinh tế qua lăng kính xuất nhập khẩu
9 tháng ước nhập siêu khoảng 442 triệu USD | |
Tiếp tục xuất siêu 100 triệu USD trong nửa đầu tháng 9 | |
Áp lực cạnh tranh từ thị trường “sát vách” |
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố hôm cuối tuần qua cho thấy, xuất nhập khẩu hàng hoá 9 tháng đầu năm 2017 đã ghi dấu bằng những diễn biến đáng chú ý, thể hiện nhiều chuyển động quan trọng của cả nền kinh tế.
Trước hết, hoạt động thương mại hàng hoá tăng trưởng mạnh mẽ ở cả hai chiều xuất và nhập khẩu. Tính chung 9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 154,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá dự kiến đạt 308,51 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ 2016. Cần lưu ý rằng mới hết 9 tháng, Việt Nam đã cán mốc kim ngạch xuất nhập khẩu 300 tỷ USD, trong khi năm 2016, phải đến ngày 15/11 chúng ta mới đạt được thành tích này.
Ảnh minh họa |
Một dấu ấn khác là kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trong 1 tháng đã đạt đỉnh cao nhất từ trước tới nay vào tháng 8 với 19,76 tỷ USD. Sang tháng 9 tuy có giảm nhẹ 3,9% so với tháng trước, song kim ngạch xuất khẩu chung vẫn đạt ở mức 19 tỷ USD. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu trong 1 tháng đạt trên 19 tỷ USD, lại diễn ra trong 2 tháng liên tiếp. Đây chính là yếu tố quan trọng làm cho nền kinh tế có sự tăng trưởng ngoạn mục.
Đằng sau sự tăng tốc ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu chính là bóng dáng của khối DN FDI mà tiêu biểu là Samsung. Ông Lâm dẫn chứng, xuất khẩu điện thoại và linh kiện 9 tháng ước đạt 31 tỷ USD, tăng 21,4%; xuất khẩu đồ điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,5 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ. Đóng góp lớn nhất cho các con số này chính là Samsung. “Có mức tăng này chủ yếu là do Tập đoàn Samsung đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng điện tử có giá trị cao, với doanh thu dự kiến ngành điện tử cả năm 2017 đạt 1.188,5 ngàn tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2016”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Một diễn biến đáng chú ý khác được cơ quan thống kê nhấn mạnh là nhập siêu quay trở lại và chuyển hướng đối tác. Tính chung trong 9 tháng, cả nước nhập siêu 442 triệu USD, trong đó đáng lưu ý là nhập siêu từ Hàn Quốc lên tới 23,3 tỷ USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là năm đầu tiên Hàn Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đưa Trung Quốc lùi về vị trí thứ 2 với 19,7 tỷ USD, giảm 5,6%.
Bà Phạm Thị Quỳnh Lợi, Phó vụ trưởng Vụ thống kê thương mại và dịch vụ giải thích, năm nay Samsung đầu tư mở rộng sản xuất và ra các dòng sản phẩm mới nên đã tăng cường nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Đây là nguyên nhân khiến nhập khẩu từ Hàn Quốc trong 9 tháng đầu năm tăng rất mạnh, trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ duy trì mức ổn định qua các năm, do đó nhập siêu từ Hàn Quốc năm nay tăng rất cao. Hiện nay, trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam, tỷ trọng của Samsung đã chiếm trên dưới 20%.
Tất cả các diễn biến này cho thấy, FDI vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng với nền kinh tế. Trước bối cảnh này, các chuyên gia tiếp tục cảnh báo việc nhập khẩu lớn máy móc, linh kiện phục vụ sản xuất cho thấy phần giá trị gia tăng cho hàng hoá xuất khẩu mà Việt Nam nhận được là chưa nhiều. Vì vậy về lâu dài, đây vẫn là vấn đề cần chú ý để tránh việc quá phụ thuộc vào khu vực FDI.
Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu nhìn nhận đóng góp cho tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 9 tháng vừa qua chỉ tập trung ở khối DN FDI. Bởi thực tế cho thấy, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nước đều đã chứng kiến mức tăng trưởng mạnh. Đơn cử như dệt may tăng 8,6%; giày dép tăng 12,7%; thủy sản tăng 19,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 11%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 15,8%; rau quả tăng 45,6%; hạt điều tăng 26,6%...
Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước. Vừa qua, các chuyên gia kinh tế của WTO đã đưa ra điều chỉnh đáng kể về dự báo thương mại hàng hóa năm 2017, theo đó ước tính tăng 3,6% về lượng, cao hơn so với mức 2,4% đã đưa ra trước đó.
Tăng trưởng năm 2017 là do sự hồi phục của các dòng thương mại trong khu vực châu Á và nhu cầu nhập khẩu ở Bắc Mỹ tăng trở lại sau khi bị đình trệ trong năm 2016. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP ở hầu hết các nền kinh tế lớn trong quý II, đặc biệt là ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU. Kinh tế tăng trưởng đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu và thúc đẩy thương mại trong khu vực. Sự phục hồi kinh tế và gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn này đã tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước tiếp tục mở rộng thị trường chủ lực và tìm kiếm các thị trường mới.
Trước tình hình thực tế và những dự báo tích cực này, ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đà tăng và dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2017 có thể đạt khoảng 202 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2016, vượt chỉ tiêu đề ra.