SHB và Giải thưởng Doanh nhân châu Á
Được biết đến với tên gọi là APEA, kể từ ngày ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007, mục tiêu của giải thưởng APEA là công nhận những thành tựu xuất sắc, liên tục đổi mới và có năng lực lãnh đạo bền vững của các doanh nhân. APEA đưa ra các tiêu chí lựa chọn ứng viên nghiêm ngặt, khắt khe, thông số đánh giá cạnh tranh cao bao gồm: xác minh tài chính bởi một công ty kiểm toán trung gian; phỏng vấn đánh giá tại trụ sở của người được đề cử; đánh giá và bầu chọn bởi Hội đồng của Enterprise Asia.
Chủ tịch HĐQT SHB - Đỗ Quang Hiển vinh dự được nhận giải thưởng Doanh nhân châu Á 2017 |
Từ một giải thưởng danh giá
Ngày 19/12, thị trường tài chính ngân hàng bất ngờ đón nhận một thông tin tốt lành như món quà Giáng sinh mừng năm mới đầy ý nghĩa khi ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vinh dự được Enterprise Asia – tổ chức phi chính phủ hàng đầu châu Á trao tặng Giải thưởng “Doanh nhân châu Á” (Asia Pacific Entrepreneurship Awards – APEA) năm 2017.
Đây cũng là lần đầu tiên, một doanh nhân trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam được vinh danh cùng các doanh nhân hàng đầu châu Á trong một Giải thưởng uy tín mang tầm khu vực - nơi từng xướng tên những doanh nhân lớn như: tỷ phú Quek Leng Beng (Singapore),Chủ tịch tập đoàn Central Group Kobchai Chirativat (Thái Lan), tỷ phú Hui Wing Mau (Trung Quốc), tỷ phú sòng bài châu Á Lui Che-woo (Hong Kong) và nhiều doanh nhân tầm cỡ khác…
Bày tỏ về cảm xúc khi biết mình đoạt giải, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết: Tôi rất vinh dự và tự hào khi được nhận giải thưởng danh giá này, bởi nó không chỉ thuộc về cá nhân tôi mà nó còn đại diện cho hình ảnh của SHB nói riêng và doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung.
Từ “sân chơi” đẳng cấp này, nhiều cơ hội mới sẽ được mở ra thông qua những cuộc xúc tiến thương mại, giao thương kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm được tổ chức hàng năm giữa những người đoạt giải...
Hy vọng, từ đây, sẽ có nhiều doanh nhân Việt tiếp tục được Enterprise Asia vinh danh, để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt có thêm nhiều cơ hội giao lưu, kết nối, hợp tác với các nước khác trong khu vựcvới những hợp đồng lớn sẽ được ký kết.
Mặc dù vẫn biết, trước đó ông đã từng được trao nhiều giải thưởng cao quý như: nhiều Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... Mặc dù vẫn biết, từ lâu ông không còn xa lạ với cương vị là Chủ tịch HĐQT SHB, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thương mại và Dịch vụ (T&T), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội... mà còn là “ông bầu” của CLB Hà Nội T&T – Câu lạc bộ có nhiều thành tích tại giải V-League. Cái tên “Bầu Hiển” mà người ta thường dùng khi gọi tên ông một cách dân dã mà đầy quí mến này có lẽ cũng vì thế.
Đến thành công của SHB
Chỉ sau 14 năm kể từ khi SHB thành lập (năm 1993), từ một ngân hàng chỉ có 400 triệu đồng vốn điều lệ nhỏ bé ban đầu, đến thời điểm 30/9/2017, con số này đã tăng hơn 11.196 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 265.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.330 tỷ đồng.
Từ một ngân hàng chỉ có 8 nhân viên nghiệp vụ, đến nay, SHB đã có đội ngũ hùng hậu lên tới gần 7000 CBNV tại gần 500 điểm giao dịch trong nước, Lào và Campuchia. Từ một ngân hàng nhỏ ít người biết đến, giờ đây SHB đã vươn lên trở thành 1 trong 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam, là đối tác tin cậy của gần 4 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Ngoài 2 ngân hàng con 100% vốn tại Lào và Campuchia, SHB đang chuẩn bị kế hoạch để khai trương 1 văn phòng đại diện tại Myanmar, ghi dấu sự hiện diện của SHB không chỉ tại bán đảo Đông Dương mà còn vươn ra khu vực Đông Nam Á.
Không phải ngẫu nhiên mà SHB luôn được Ngân hàng Nhà nước – cơ quan quản lý trực tiếp và các Bộ, Ban, ngành khác đánh giá cao, tin tưởng giao tham gia nhiều chương trình, dự án quan trọng của quốc gia như tham gia tái cấu trúc các tổ chức tín dụng (TCTD), các dự án ODA...
Thương vụ nhận sáp nhập Ngân hàng HabuBank có thể xem là một ví dụ điển hình minh chứng cho hiệu quả của SHB trong việc tiên phong thực hiện chủ trương tái cấu trúc các tổ chức tín dụng. Sau 3 năm quyết liệt triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu Habubank, đặc biệt kể từ khi Nghị quyết 42 được áp dụng, đến nay, SHB đã giải quyết được cơ bản nợ xấu, từ con số trên 20% tại thời điểm nhận sáp nhập HabuBank, đưa xuống 8% và hiện giờ là dưới 2%.
“Đầu xuôi đuôi lọt”, với Habubank tuy là cuộc nhận sáp nhập đầu tiên, kinh nghiệm hầu như không có gì nhưng lại mang về kết quả rất thành công, được NHNN và Chính phủ đánh giá cao.
Với chiến lược kinh doanh tạo ra sự khác biệt trên cơ sở am hiểu thị trường, hiểu đối thủ, hiểu bạn hàng, đối tác, hiểu cộng sự…SHB đã xây dựng được các giải pháp phù hợp, tối ưu nhất để cùng đồng hành với khách hàng, cổ đông, nhà đầu tư. Giống như nhiều ngân hàng xác định mình là một ngân hàng bán lẻ, nhưng SHB không đơn thuần là bán lẻ thông thường mà hướng tới hai mục tiêu: bán lẻ tiêu dùng và bán lẻ trong bán buôn cùng với những sản phẩm phái sinh hiện đại và khả năng tư vấn tài chính cá nhân cao cấp theo tiêu chuẩn nước ngoài. Muốn như vậy phải có công nghệ.
Nhưng, theo Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: công nghệ chỉ là cái lõi, là công cụ để đáp ứng cho nghiệp vụ, còn mục tiêu, chiến lược phải là của mình, do mình lựa chọn.
Vì vậy, để tạo ra sự khác biệt, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, hướng đi của SHB là trở thành một ngân hàng đa năng, cung cấp sản phẩm hiện đại, tư vấn về các giải pháp tài chính cho khách hàng chứ không đơn thuần là những sản phẩm như: huy động, cho vay, lãi suất, tiêu dùng...
Muốn vậy, điều cốt lõi mang tính tiên quyết là yếu tố con người. Nói về chiến lược phát triển, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển chia sẻ: nói đến đổi mới, công nghệ, hiện đại mà không có chiến lược con người đi theo thì cũng không thể giải quyết được vấn đề. Chính vì vậy, một qui hoạch về chiến lược nhân sự đã được SHB xây dựng.
Theo đó, SHB đã và đang xây các dựng chương trình đưa người trẻ có tài sang nước ngoài đào tạo. Đồng thời, ông luôn quan tâm đến những chính sách, chế độ nhằm tuyển dụng, đào tạo và giữ chân nhân sự chất lượng cao.
Tầm nhìn và hành động
Năm 2017 có thể nói là một năm thành công của SHB trên hầu hết các phương diện.Làm nên thành công ấy, tất nhiên là có sự đóng góp của mọi thành viên từ Ban Lãnh đạo tới cán bộ nhân viên toàn hệ thống. Nhưng không thể phủ nhận vai trò đầu tàu, dẫn dắt mang tính quyết định của người thuyền trưởng.Không phải ngẫu nhiên mà Giải thưởng Doanh nhân châu Á lần này, APEA đã đánh giá cao doanh nhân Đỗ Quang Hiển ở khả năng quản trị doanh nghiệp xuất sắc.
Người ta nói, có tầm nhìn mà không có hành động thì mãi chỉ là một giấc mơ. Nhưng hành động mà không có tầm nhìn thì chỉ là sự lãng phí thời gian. Với Chủ tịch Hiển, cùng lúc, ông đã làm được cả hai điều đó: Tầm nhìn + Hành động = Thành công.
Với định hướng chiến lược: hiệu quả, an toàn, cạnh tranh, khác biệt, dưới sự quản trị, dẫn dắt của Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển, SHB đã nhanh chóng vượt lên các đối thủ, cạnh tranh và phát triển vượt bậc.vì thế Nếu nói SHB đã làm nên tên tuổi của Chủ tịch Hiển hay Chủ tịch Hiển đã làm nên thương hiệu của SHB, thì cả hai đều đúng.
Nhắc đến việc thực thi Luật sửa đổi các TCTD theo qui định: kể từ 15/1/2018, những người nắm giữ chức danh Chủ tịch HĐQT, TGĐhay tương đương của một ngân hàng sẽ không đượcquản trị, điều hành ở một DN khác nữa, thì Chủ tịch Đỗ Quang Hiển vẫn rất bình thản.
Với ông, qui định này không ảnh hưởng gì nhiều đến công việc hay hoạt động của các doanh nghiệp bởi ông đã thiết lập được toàn bộ hệ thống quản trị điều hành 1 cách chuyên nghiệp, và tới đây ông tiếp tục giữ cương vị là Chủ tịch HĐQT SHB. Thực tế nhiều năm qua, dù giữ chức danh là Chủ tịch của các DN, nhưng thực chất hơn 90% trí tuệ, tâm huyết và thời gian ông dành cho SHB.
Có lẽ vì thế mà nhắc đếnChủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển người ta có thể kể ra rất nhiều câu chuyện hay những tuyên ngôn đầy ấn tượng. Chỉ riêng câu chuyện về cuộc đời ông với cơ duyên từ ước mơ là một nhà nghiên cứu, một giảng viên đại học trở thành một doanh nhân nổi tiếng, thành đạt như ngày hôm nay đã là cả một pho truyện dài với những tình tiết li kỳ, hấp dẫn, với những thăng trầm, biến cố không dễ vượt qua.
“Thành công của một DN không phải do người đứng đầu mà là do chính cán bộ nhân viên của DN ấy. Chủ tịch hay TGĐ chỉ là người tạo ra cơ chế, xây dựng một hệ thống quản trị, hệ thống cơ chế để CBNV đóng góp, phát triển. Vì vậy, thu nhập của các bạn là do các bạn trả cho chính mình chứ không phải do Chủ tịch hay Tổng giám đốc”... “Đã là một doanh nghiệp thì chắc chắn điều đầu tiên chúng ta phải nghĩ đến là lợi nhuận vì lợi ích của cổ đông và lợi ích của CNCNV, vì mục tiêu cao cả là sự thịnh vượng của khách hàng. Song SHB luôn luôn kinh doanh, thu lợi nhuận trên cơ sở nền tảng văn hóa, tính nhân văn chứ không đạt lợi nhuận bằng mọi giá”... Đó là những chia sẻ của chủ tịch Đỗ Quang Hiển trong kinh doanh, trong quản trị điều hành.
Chẳng hiểu sao, mỗi lần nghĩ đến SHB, nghĩ đến chủ tịch Đỗ Quang Hiển, tôi lại nhớ đến những tuyên ngôn ấy của ông. Có thể gọi đó là những triết lý trong kinh doanh đáng suy ngẫm...