Sự “kiên nhẫn” của Fed về lãi suất sẽ kéo dài
Việc giữ lãi suất của Fed 'lu mờ' trước căng thẳng thương mại gia tăng |
Đó là một dấu hiệu nữa cho thấy các quan chức của Fed cho rằng không cần phải thay đổi lãi suất, theo cả hai hướng, trong bối cảnh hiện nay.
Không cần tăng hay giảm lãi suất
“Các thành viên (của Ủy ban Thị trường mở liên bang - FOMC) đã quan sát thấy rằng, cách tiếp cận kiên nhẫn vẫn thích hợp trong một thời gian”, có nghĩa không cần phải tăng hay giảm lãi suất từ mức hiện tại là 2,25%-2,5%, biên bản cuộc họp chính sách của Fed diễn ra trong hai ngày 30/4 và 1/5 vừa được công bố nêu rõ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ |
Cũng theo biên bản cuộc họp, việc lạm phát yếu ớt trong thời gian gần đây theo quan điểm của nhiều thành viên “có khả năng chỉ là nhất thời”, trong khi rủi ro đối với thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu dường như đã giảm bớt. Cũng là dễ hiểu khi cuộc họp chính sách tháng 4 của Fed diễn ra trước khi chính quyền Trump nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc lên 25%, đồng thời triển khai thêm nhiều biện pháp khác để tạo sức ép lên Trung Quốc.
Mặc dù vậy, trong một cuộc phỏng vấn vào thứ tư (22/5) với trên Fox Business, Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan vẫn nói rằng, để tăng lãi suất cao hơn hoặc thấp hơn, “tôi cần phải thấy điều gì đó (những căn cứ) thật thuyết phục... Về cơ bản, chính sách hiện tại của chúng tôi vẫn phù hợp”.
Thế nhưng các nhà phân tích vẫn nhận thấy có đôi chút mới mẻ trong biên bản cuộc họp này liên quan đến chính sách của Fed, mặc dù một số người lưu ý rằng các nhà hoạch định chính sách có thể đã thay đổi quan điểm trong những tuần qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gia tăng thêm áp lực lên Trung Quốc.
“Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã bất ngờ leo thang trở lại kể từ sau cuộc họp (của Fed) và điều đó có thể làm thay đổi triển vọng của Fed”, Eric Stein - đồng giám đốc của nhóm thu nhập toàn cầu của Eaton Vance Management ở Boston cho biết.
Mặc dù phần lớn các thành viên của Ủy ban đều ủng hộ cho cách tiếp cận “kiên nhẫn” đối với việc tăng lãi suất, nhưng theo biên bản cuộc họp, vẫn có “một số thành viên” đã cảnh báo về nguy cơ lạm phát cao hơn và có thể sẽ cần phải tăng lãi suất trong bối cảnh thất nghiệp giảm thấp. Tuy nhiên cũng có “một số” người khác cảnh báo rằng lạm phát có thể suy yếu. Nhưng nhìn chung, “có vẻ như Fed đang ở chính xác nơi mà họ muốn đến và không cần phải làm gì thêm”, Art Hog - chiến lược gia thị trường tại National Securities ở New York cho biết.
Nan giải bảng cân đối tài sản
Biên bản cuộc họp cho thấy các quan chức Fed đã lắng nghe các thảo luận về hai giải pháp để điều chỉnh danh mục trái phiếu Kho bạc và chứng khoán thế chấp trị giá hàng nghìn tỷ USD (mà Fed đã mua vào trong thời kỳ hậu khủng hoảng) nhằm chống lại các cuộc suy thoái kinh tế trong tương lai.
Giải pháp thứ nhất là thay thế các chứng khoán đáo hạn bằng các trái phiếu kho bạc có cùng kỳ hạn. Cách thứ hai là rút ngắn thời gian đáo hạn trung bình xuống còn 3 năm hoặc ít hơn. Việc rút ngắn thời gian đáo hạn sẽ giúp Fed có thể đảo ngược tiến trình nếu cần - hoán đổi sang trái phiếu dài hạn để kéo giảm chi phí vay mượn như Fed đã từng làm hồi năm 2011 trong Chiến dịch Twist.
Thế nhưng giải pháp này cũng có những tác dụng phụ. Các nhân viên lập luận rằng việc chuyển sang danh mục đầu tư ngắn hạn sẽ đẩy tăng lợi suất trái phiếu dài hạn và có nghĩa là lãi suất cho vay qua đêm của Fed sẽ cần phải thấp hơn để đạt được kết quả kinh tế vĩ mô tương tự. Trớ trêu thay điều đó cũng có nghĩa là Fed sẽ có ít cơ hội hơn để giảm lãi suất trong một cuộc khủng hoảng và nhiều khả năng họ sẽ phải dựa vào các công cụ bảng cân đối kế toán để thúc đẩy nền kinh tế.
Hiện Fed vẫn chưa lựa chọn phương án nào. Michael Feroli - nhà kinh tế trưởng của JPMorgan Chase & Co. ở New York nói rằng, mặc dù một số quan chức dường như “thích” một danh mục đầu tư ngắn hạn, song ông hy vọng họ sẽ quyết định lựa chọn giải pháp khôn ngoan hơn đó là tái đầu tư phù hợp với sự đáo hạn của chứng khoán.
Được biết, Fed sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 18-19/6 tới, cuộc họp mà các nhà hoạch định chính sách sẽ cập nhật các dự đoán kinh tế của họ, trong đó có thể tích hợp những rủi ro mới xuất hiện bắt nguồn từ các chính sách thương mại của chính quyền Trump gần đây.
Mặc dù các quan chức Fed vẫn coi tranh chấp thương mại là một vấn đề ngắn hạn, thế nhưng họ cũng đã bắt đầu thảo luận về những rủi ro nếu chính sách thuế quan và căng thẳng thương mại kéo dài và chúng bắt đầu định hình lại chuỗi cung ứng và giá cả toàn cầu.
Trong bài phát biểu ở Hồng Kông đêm 22/5, Chủ tịch Fed St. Louis Fed James Bullard cảnh báo, nếu tranh chấp thương mại không sớm được giải quyết trong thời gian tới, nó có thể làm thay đổi mô hình giao dịch toàn cầu. Đó là một lý do khác để Fed có “những bước đi thận trọng”.