Sức sống mới trên đất Cố đô
Song để có thể biến những tiềm năng ấy trở thành điều kiện phát triển kinh tế không dễ khi bản thân trong mỗi hộ dân còn chưa lo nổi miếng cơm, manh áo của mình, tích luỹ thấp sẽ chẳng thể vươn tới những giấc mơ xa xôi như làm dịch vụ, phát triển du lịch.
Chính vì vậy, công việc của cán bộ nhân viên NHCSXH Chi nhánh Ninh Bình không chỉ là “chạy” cho đủ chỉ tiêu, mà còn là lồng ghép việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ các nhu cầu thiết thực của người dân, làm đồng vốn ngân hàng trở thành một bệ đỡ cho phát triển kinh tế bền vững.
Nguồn vốn tín dụng hộ cận nghèo đã giúp chị Đào Thị Thắm, Thôn Văn Hà II (Gia Viễn, Ninh Bình) hiện thực hoá giấc mơ cho con đi học cao đẳng |
Tăng tốc dòng chảy tín dụng
Để có thể đến với từng mái nhà, hỗ trợ từng hộ nghèo, đối tượng chính sách, thì “cải cách thủ tục hành chính là một ưu tiên hàng đầu mà chi nhánh đã triển khai trong những năm gần đây”, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Ninh Bình, Lã Thị Hồng Yến cho biết.
Trên nền tảng các cải cách của NHCSXH Trung ương, Chi nhánh đã triển khai quy trình tiếp cận tín dụng theo hướng công khai minh bạch, đơn giản, gọn nhẹ. Hộ vay vốn được cấp giấy tờ, như sổ vay vốn, các loại giấy tờ mẫu biểu liên quan đến dịch vụ mà không mất đồng phí nào. Thủ tục đơn giản, dễ khai dễ viết nhưng vẫn đảm bảo yếu tố pháp lý.
Các dịch vụ lưu động tới 145 xã phường, thị trấn, thực hiện thu lãi, thu tiết kiệm tại nhà, ủy thác cho các tổ tiết kiệm, đã góp phần giảm chi phí cho người dân, cũng như phòng tránh những rủi ro không cần thiết trong việc đi lại. Không chỉ có các buổi giao dịch cố định, với các buổi giao dịch tăng phiên theo chỉ đạo của Trung ương, chi nhánh vẫn đảm bảo chu trình giải ngân của NHCSXH.
Quy trình làm việc khoa học cũng trở thành một trong những điểm tựa để chi nhánh nâng cao hiệu quả thực hiện tín dụng chính sách. Điều này có thể nhìn thấy rõ từ việc rút ngắn thời gian giao dịch. Với cách bố trí này, những ngày đầu tháng, chi nhánh có thời gian kiểm tra lại và chuẩn bị cho kế hoạch giải ngân tháng sau.
Còn từ ngày 20 đến cuối tháng, dành cho việc thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra, cũng như triển khai thực hiện các công việc Trung ương giao, xem lại công việc để từ đó rút kinh nghiệm có biện pháp khắc phục.
“Rút kinh nghiệm như 5-7 năm trước đến ngày 28 vẫn còn giao dịch tại xã, nên nhiều lúc chi nhánh cần tập trung nhân lực, thực hiện kiểm tra lại vẫn vướng giao dịch. Ban lãnh đạo chi nhánh cũng như phòng giao dịch không còn định hình được xem tháng đó còn nhu cầu gì, vì vậy không thể chủ động cho chuỗi giao dịch của tháng kế tiếp”, Giám đốc Yến chia sẻ.
Đặc biệt, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ tịch xã tham gia ban đại diện vốn, trong các cuộc giao ban xã hàng tháng, các chủ tịch xã đều tham dự đầy đủ, trừ trường hợp bất khả kháng. Mô hình này đã góp phần tăng chất lượng các chương trình tín dụng và lồng ghép được vào chính sách phát triển kinh tế của từng xã, huyện, tỉnh.
Đặc biệt, chi nhánh đã tuyển dụng và đào tạo một đội ngũ cán bộ, viên chức sâu sát với cơ sở, nắm được nhu cầu của địa phương cũng như người dân để từ đó triển khai đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương, tham mưu kịp thời cho hội đồng quản trị.
“So với những năm trước, cán bộ chi nhánh đã thực sự đổi mới về phong cách làm việc. Tâm huyết và tình yêu Ngành, yêu nghề đã được thể hệ bằng sự tận tụy trách nhiệm với công việc, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, kể cả cán bộ trẻ”, Giám đốc Yến chia sẻ.
Bệ đỡ xây dựng nông thôn mới
Dòng chảy tín dụng của chi nhánh đã và đang đem đến những động lực mới cho người dân, giúp họ không chỉ bước qua cái nghèo, mà đang hướng đến một cuộc sống ấm no lâu bền.
Đã hơn chục năm trôi qua, nhưng bà Nguyễn Thị Nhiên, thôn Văn Hà 1, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, Ninh Bình vẫn nguyên cái cảm giác nghèn nghẹn, khi nhớ lại cái thời đi vay nặng lãi cho con ăn học. Gia sản nhà nông, chẳng có gì đáng để cầm cố, nên con đường vay vốn chỉ có ở khu vực phi chính thức, lãi suất 30%/năm.
Lãi suất cao là thế, song hai vợ chồng cắn răng vay 4 năm ròng nuôi con đầu rồi con thứ 2 đi học đại học. Thế nên việc tiếp cận được vốn cho vay HSSV của NHCSXH Ninh Bình năm 2007 khi cô con gái thứ bước vào năm học thứ 3 đã làm ông bà mừng rơi lệ. Không chỉ thế, bà còn được vay vốn giảm nghèo phát triển kinh tế. Liền năm sau đó, cậu út lại được tiếp bước vào đại học cũng nhờ vốn vay từ NHCSXH.
Con gái lớn đi làm đỡ gánh nặng kinh tế, cùng sự tần tảo chăm chỉ, gia đình bà đã bước qua hộ nghèo vào năm 2013. Đây cũng chính là thời điểm NHCSXH triển khai tín dụng cho vay hộ cận nghèo. Năm 2015, gia đình lại được tiếp ứng ngay nguồn vốn cho hộ mới thoát nghèo với 50 triệu đồng.
Dòng vốn ngân hàng nâng đỡ kinh tế gia đình trong suốt gần 10 năm qua, tuy chưa đủ để gia đình trở nên khá giả, nhưng cũng đã có một gia tài nho nhỏ với 2 còn bò, 2 con lợn, mỗi năm cho 4 lứa lợn con. Hơn 40 triệu đồng tiền vay HSSV cũng đã trả được gần hết, chỉ còn hai triệu. Các con bà đã có việc làm ổn định, phụ giúp cha mẹ cũng như góp phần xây dựng mảnh đất quê hương.
Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Ninh Bình Lã Thị Hồng Yến cho biết, tính đến cuối năm 2016, tổng dư nợ của chi nhánh đạt 1.919 tỷ đồng. Đặc biệt, sau nhiều năm thực thi hiệu quả chính sách tín dụng giảm nghèo, Ninh Bình đang dồn lực cho hộ thoát nghèo, hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững.
“Bởi dù đã bước qua đói nghèo, nhưng những hộ đó vẫn có nhu cầu sản xuất kinh doanh ổn định cuộc sống. Hơn thế, nền tảng kinh tế các hộ này vẫn còn mong manh, chỉ một thiên tai, hay bệnh tật là có thể tái nghèo. Nên ngoài vốn cho các chương trình cho vay hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, thì nguồn vốn dư thu từ các chương trình cho vay HSSV cũng được chi nhánh ưu tiên cho đối tượng này”, Giám đốc Yến cho biết.
Hiệu quả có thể nhìn thấy rõ bằng định lượng khi số hộ vay vốn những năm trước từ hơn 100.000, đến năm 2016 còn 98.000 hộ, và nay là 96.000 hộ. Dư nợ tăng lên trong khi số hộ vay giảm biểu hiện hộ thoát nghèo và những hộ nghèo mới vay được nâng mức cho vay. Bình quân dư nợ/hộ (trừ chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn và hộ nghèo nhà ở) đã tăng từ 20 lên 29 triệu đồng/hộ và tiến dần lên 50 triệu/hộ.
Hiệu ứng lan toả từ các chương trình tín dụng chính sách đang góp công đưa Ninh Bình tiến nhanh hơn trên con đường xây dựng nông thôn mới. Trong phân nửa các xã trong tỉnh đã đạt tiêu chí nông thôn mới, ở đâu cũng có dấu ấn của NHCSXH, và mới đây nhất Hoa Lư đã trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt danh hiệu nông thôn mới.
Ở Hoa Lư, với gần 230 tỷ đồng, NHCSXH huyện đã cho hơn 7.000 hộ gia đình vay phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 12,7% (năm 2011) xuống còn dưới 3% (năm 2015), giảm 8,7%.
Đặc biệt, trên một địa bàn huyện đang trong thời kỳ phát triển mạnh công nghiệp, du lịch, dịch vụ, lại có nhiều làng nghề gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, NHCSXH đã tập trung cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Năm 2014, NHCSXH đã dồn lực cho người dân vay theo chương trình này tại khu vực kênh Sào Khê, khắc phục tình trạng nước đọng tù do quá trình khai thác du lịch bị ô nhiễm.
Tính đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay của huyện đạt gần 150,1 tỷ đồng, trong đó cho vay nước sạch vệ sinh môi trường đạt hơn 41,2 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo đạt 39,37 tỷ đồng. Những nỗ lực này cũng đã góp phần tạo nên một bức tranh nông thôn mới của huyện với 98% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 80% cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường.
Nhìn về kế hoạch năm 2017 cũng như những năm tiếp theo của chi nhánh, Giám đốc Yến đặt nhiều kỳ vọng từ việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Quyết định 401/QĐ-TTg về việc tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách.
Bởi nếu theo Thông tư số 129/UBND-VP5 của UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW, mỗi năm, ngân sách tỉnh sẽ dành 5 tỷ đồng và ngân sách mỗi huyện là 500 triệu đồng cho công tác giảm nghèo, tạo việc làm. Cùng với dòng vốn chính sách mỗi năm một tăng, tương lai của các hộ nghèo, đối tượng chính sách thêm rộng mở không chỉ cải thiện chất lượng sống từ kinh tế đến tri thức.