Tài chính tiêu dùng cũng không bỏ lỡ FinTech
Ảnh minh họa
Sự đổ bộ của FinTech vào thị trường tài chính Việt Nam
FinTech là viết tắt của từ financial technology (công nghệ trong tài chính), một thuật ngữ dùng để miêu tả các công ty ứng dụng công nghệ tân tiến vào ngành Dịch vụ Tài chính, gồm tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư. Cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, thiết bị di động các công ty hoạt động trong lĩnh vực FinTech đã và đang tận dụng cơ hội để phát triển. Từ năm 2015 với MoMo, Payoo, Bankplus hay 1Pay là những ứng dụng thanh toán trên điện thoại được sử dụng phổ biến bởi các công ty tài chính tiêu dùng và sự xuất hiện của các tên tuổi mới như LoanVi…
Hiện nay, trừ lĩnh vực cho vay (Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô được phép thực hiện nghiệp vụ cho vay), với sức mạnh công nghệ của mình như ví điện tử, hệ thống rút tiền riêng…, các FinTech đã đáp ứng hầu hết dịch vụ tài chính mà trước đây ngân hàng “độc quyền” như: gửi tiết kiệm, rút tiền, chuyển tiền, thanh toán… Khách hàng có thể tiếp cận hầu hết dịch vụ tài chính với chi phí rẻ hơn, dễ dàng hơn, mà không cần đến ngân hàng.
Sau giai đoạn cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, hàng loạt hình thức sáp nhập, hợp nhất đã cho ra đời nhiều công ty tài chính với tiềm lực mạnh hơn sẵn sàng gia nhập thị trường cả về năng lực cho vay lẫn các sản phẩm dịch vụ, trong đó họ cũng không bỏ lỡ cơ hội tham gia vào lĩnh vực FinTech.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, các ngân hàng, công ty tài chính có ưu điểm là đáng tin cậy, tính pháp lý vững chắc, nhưng hạn chế về tính linh hoạt, quy trình thủ tục. Trong khi đó, FinTech hướng tới sự trải nghiệm, linh hoạt, tiện ích, có lợi thế lớn về mạng lưới dày đặc và cơ sở dữ liệu khách hàng rộng lớn song lại chưa chiếm được lòng tin cần thiết với khách hàng, yếu về tính pháp lý, nguồn vốn hạn chế. Do đó, việc hợp tác giữa hai bên là rất cần thiết để phát huy thế mạnh của nhau. “Nếu biết hợp tác đúng cách, FinTech sẽ là cánh tay nối dài, giúp mở rộng tầm phủ sóng của ngân hàng, công ty tài chính xuống sâu hơn”, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT NextTech Group nhận xét.
Tích hợp FinTech trong hoạt động cho vay tiêu dùng
Với những lợi thế trong lĩnh vực tài chính, thay vì bị đề phòng và bị coi như một “kẻ phá bĩnh”, FinTech đang ngày càng nhận được nhiều cái nhìn thiện cảm hơn từ phía các công ty tài chính. Một số công ty tài chính tại Việt Nam đã bắt đầu hợp tác với các công ty FinTech để đưa công nghệ số vào sản phẩm dịch vụ của mình, điều này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hình thức thanh toán và mở ra kỷ nguyên ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay tại Việt Nam.
Đơn cử như Home Credit với dịch vụ ký hợp đồng vay trực tuyến, cho phép khách hàng ký hợp đồng vay tiền mặt với Home Credit thông qua website của công ty hoặc trên ứng dụng điện thoại. Từ lúc khoản vay được chấp thuận, khách hàng có quyền quyết định ký hợp đồng ngay lập tức hoặc tối đa 15 ngày để suy nghĩ và đọc hiểu hợp đồng.
Ông Ivo Slanina, Giám đốc điều hành Home Credit Việt Nam, cho biết đa số khách hàng của công ty ưa thích hình thức ký hợp đồng trực tuyến này. “Có đến 78% khách hàng được mời vay tiền mặt mong muốn ký hợp đồng trực tuyến. Tính năng này không chỉ giúp tạo thuận lợi cho khách hàng mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ”.
Hay như FE Credit, thương hiệu lớn nhất nhì thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện nay, cũng là công ty tài chính đầu tiên triển khai thành công kênh Chăm sóc Khách hàng trực tuyến trên Zalo, giúp khách hàng có thể đăng ký, tra cứu thông tin khoản vay, thẻ tín dụng và trò chuyện trực tuyến với nhân viên Chăm sóc Khách hàng.
“Việt Nam với điều kiện lý tưởng như dân số trẻ, hứa hẹn sẽ là thị trường tiềm năng cho sự bùng bổ của Fintech. Số lượng người dùng internet tại Việt Nam đã chạm ngưỡng 53% dân số, trong đó, gần 82% người sử dụng các thiết bị di động để kết nối với internet. Công nghệ số cũng đang góp phần định dạng lại ngành công nghiệp tài chính, giúp ngân hàng và các công ty tài chính mở rộng phạm vi và nâng cao mức độ tiếp cận với khách hàng”, bà Hồ Thị Như Hà - Giám đốc Khối Vận hành kiêm Giám đốc Khối CNTT của FE Credit Việt Nam phân tích.
Hiện nay, FE Credit đã và đang triển khai các dự án ứng dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ như: Ứng dụng ví điện tử Momo và Payoo giúp khách hàng có thể thanh toán tiền trả góp hoặc nhận tiền giải ngân bất cứ lúc nào mà không cần phải đến các địa điểm giao dịch. Ứng dụng công cụ tìm kiếm và so sánh miễn phí các sản phẩm tài chính Gobear: giúp khách hàng lựa chọn được sản phẩm tín dụng phù hợp nhất, miễn phí, cá nhân hoá, đa dạng, tiết kiệm.
Bà Hồ Thị Như Hà cũng chia sẻ: “Để duy trì vị thế dẫn đầu thị trường ngành tài chính tiêu dùng, chúng tôi hiểu rằng ứng dụng công nghệ số vào các sản phẩm dịch vụ để tiếp cận khách hàng một cách toàn diện, mang lại cho họ nhiều tiện ích hơn là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của mình. Bên cạnh lợi ích cho khách hàng, công nghệ số cũng đã mang lại những ưu điểm vượt trội cho FE Credit như giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất làm việc, quản lý chất lượng hiệu quả hơn…”. Định hướng của FE Credit trong thời gian tới là ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ số trên thiết bị di động để bắt kịp xu hướng; đồng thời giảm thiểu mức độ tương tác của con người, giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm dịch vụ nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Không chỉ FE Credit, kênh thiết bị di động cũng đang được các công ty tài chính và Ngân hàng Việt Nam nhắm đến và được đánh giá là “bước đột phá” tiếp theo. Điện thoại di động đang vô cùng phổ biến ở Việt Nam khi có tới 128 triệu tài khoản thuê bao di động, trong đó chiếm gần một nửa là các thiết bị di động thông minh. Thông qua kết nối với nền tảng công nghệ của các công ty FinTech, các công ty tài chính sẽ có cơ hội tiếp cận và khai thác nhóm khách hàng là dân số trẻ chưa có tài khoản ngân hàng và chưa từng tham gia vay tiêu dùng.