Tận dụng kết nối và chia sẻ dữ liệu số
Vì một môi trường mạng an toàn cho phát triển | |
Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính | |
Không thể nhập cuộc CMCN 4.0 nếu không có kinh tế số |
PGS – TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chia sẻ, ứng dụng các công nghệ sẽ giúp thu nhập bình quân của Việt Nam tăng thêm từ 315 đến 640 USD, GDP Việt Nam tăng từ 28,5 tỷ USD lên 62,1 tỷ USD vào năm 2030. Bên cạnh đó, công nghiệp 4.0 sẽ định vị lại vai trò của các quốc gia tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nhờ có tăng trưởng nhanh và thay đổi cơ cấu trong những thập kỷ qua đã giúp Việt Nam chuyển mình thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu cứ tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng truyền thống khi vẫn dựa vào nông nghiệp, sản xuất hàng hóa và lao động giá rẻ sẽ rất khó có thể đưa Việt Nam tiến xa trên các chuỗi giá trị toàn cầu và tăng thu nhập quốc gia.
Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghệ của khu vực và trên thế giới, đồng thời là điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ, đối tác phát triển. Bởi lợi thế lớn là người Việt rất thông minh, cần cù, sáng tạo, cộng với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cởi mở đang mở ra cơ hội lớn nắm bắt các công nghệ mới: trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, Internet vạn vật, dịch vụ điện toán đám mây - những công nghệ hoạt động trên nguyên tắc phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, có khả năng giải quyết những vấn đề của các ngành, tạo đà cho nền kinh tế số tăng trưởng vượt bậc.
Đơn cử, nhiều doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain vào quản lý quá trình sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông sản xuất khẩu như xoài, thanh long của Việt Nam đã đem lại giá trị cao, tạo thương hiệu đặc trưng cho nông sản Việt.
Tuy nhiên, muốn thực sự tận dụng được tiềm năng của các công nghệ mới này, tạo đà cho nền kinh tế số tăng trưởng, Việt Nam cần rất nhiều dữ liệu, năng lực kết nối, sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu, sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp...
Mặc dù nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, song giá trị xuất khẩu chưa thực sự cao. Lý do là thiếu thông tin về thị trường, chất lượng không đồng đều, bởi công nghệ chế biến, quản lý chất lượng, cũng như bảo quản nông sản sau thu hoạch chưa đạt hiệu quả tối ưu.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để thực sự tận dụng được tiềm năng của các công nghệ mới này, Việt Nam cần dữ liệu và kết nối dữ liệu, bởi dữ liệu chẳng những đóng vai trò quyết định trong việc ứng dụng AI thành công hay thất bại mà dữ liệu còn được ví như nguồn “dầu mỏ” quý giá với những người làm AI tại Việt Nam, là tài nguyên cần thúc đẩy khai thác, chia sẻ.
Thu thập và phân tích dữ liệu ngày nay là hoàn toàn có thể với sự hỗ trợ của các thuật toán học máy. Khi dữ liệu trở thành tiền tệ trong kỷ nguyên số này, vấn đề đặt ra là cần phải được tạo ra, lưu trữ, xử lý song quan trọng hơn là phải được chia sẻ một cách phù hợp. Mới đây, dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, lấy ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp. Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu sẽ là hành lang pháp lý quan trọng cho mở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu, kỳ vọng sẽ phá tan tình trạng cát cứ thông tin dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo hệ sinh hoàn chỉnh cho kinh tế số phát triển.
Quản lý và khai thác tốt dữ liệu chẳng những giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh tốt hơn, với Việt Nam, đây còn là một trong những nút thắt rất lớn cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới hình thành Chính phủ số.