Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính
Ngành dịch vụ tài chính: Thiếu kỹ năng đang là mối đe dọa | |
Tập hợp dữ liệu và cơ chế chia sẻ: Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính |
Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động, sản phẩm dịch vụ tài chính mới |
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ việc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, chủ động tăng năng lực tiếp cận khai thác hiệu quả CMCN 4.0 vào lĩnh vực, công việc của mình. Đẩy mạnh tiến độ chính quyền điện tử, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện, nhất là xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng kinh tế số, kinh tế chia sẻ...
Thời gian gần đây, các ngân hàng châu Á đang có xu hướng hợp tác với các công ty Fintech. Tuy nhiên theo một nghiên cứu, mức độ đầu tư của ngân hàng vào lĩnh vực Fintech còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2% nguồn vốn. Từ lối tư duy “cạnh tranh”, thì giữa ngân hàng và Fintech nay đang chuyển dần sang “hợp tác”, mục tiêu tạo nên những đột phá trong cung cấp dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Đã có ngân hàng tại Việt Nam nghiên cứu thành lập Fintech Lab (VietinBank) để có những sáng tạo, thử nghiệm... trước khi đưa ra sản phẩm hoàn chỉnh vào thực tiễn.
Các công ty Fintech có những lợi thế về công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo, cách thức tiếp cận khách hàng nhanh chóng và rộng khắp với đối tượng khách hàng là những người trẻ thích trải nghiệm, nhanh nhạy trong tiếp cận với các công nghệ mới. Chuyên gia chia sẻ, việc ngày càng nhiều ngân hàng sẵn sàng hợp tác thúc đẩy sự phát triển của các công ty Fintech do việc này sẽ giúp nhà băng phần nào giảm chi phí đầu tư, nghiên cứu về công nghệ mà vẫn tiếp thu, ứng dụng được các xu hướng công nghệ mới nhất.
ThS. Phạm Anh Tuấn - Uỷ viên HĐQT Vietcombank nhận thấy, các ngân hàng càng cần chủ động tiếp cận với những thành quả của CMCN 4.0 để luôn làm mới chính mình, chủ động hợp tác với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cũng như những công ty Fintech phù hợp với yêu cầu thực tế của ngân hàng để tạo ra một mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính mới, hiện đại gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của khách hàng.
Mới đây, CTCP Be Group - đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be và VPBank đã bắt tay để thiết lập dịch vụ tài chính beFinancial. beFinancial sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính của VPBank trên nền tảng công nghệ và hệ sinh thái tài chính công nghệ của Be gồm thanh toán, chương trình đổi điểm thưởng và khách hàng thân thiết, dịch vụ tài chính khác…
Đại diện VPBank cũng cho biết, trong năm nay, Be cùng VPBank tiếp tục ra mắt các dịch vụ thanh toán, tài chính cho khách hàng cá nhân, tài xế và khách hàng doanh nghiệp. Đặc biệt, hai bên sẽ ra mắt thẻ tín dụng/ghi nợ đồng thương hiệu, đem đến giải pháp thanh toán tiện lợi cho khách hàng cá nhân, tài xế.
Trước đó, Nam A Bank đã có ký kết hợp tác chiến lược với Tima - sàn kết nối tài chính và nền tảng cho vay ngang hàng. LienVietPostBank hợp tác với 2 công ty Nhật Bản là Công ty TNHH Mitsui Knowledge Industry (MKI) và Công ty TNHH Doreming, thuộc top 100 Fintech thế giới nhằm triển khai giải pháp quản trị nhân lực và thanh toán tiền lương cho người lao động tại Việt Nam thông qua sản phẩm Thẻ phi vật lý Ví Việt của LienVietPostBank.
Hay như trường hợp VIB, nhờ hợp tác với các công ty Fintech, ứng dụng ngân hàng di động MyVIB sở hữu nhiều tính năng tương đối khác biệt như chuyển tiền trong khi trò chuyện trên mạng xã hội, mua vé máy bay nội địa và quốc tế nhanh chóng...
Việc phát triển giải pháp phân tích dữ liệu lớn trên nền tảng IoT cũng được nhiều ngân hàng quan tâm nhằm phát triển mô hình đánh giá tín dụng nhanh chóng, chính xác. Trên thế giới đã có nhiều công ty Fintech cung cấp giải pháp này và hợp tác thành công với các ngân hàng lớn hoặc công ty tài chính, điển hình như SesameCredit, Lenddo, CredoLab... hay Trusting Social tại Việt Nam.
Thông tin từ Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết: Tới hết năm 2018, NHNN đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 27 tổ chức không phải là ngân hàng. Trong số tổ chức đang hoạt động thì chiếm chủ yếu là dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ/chi hộ, ví điện tử là 23 tổ chức; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử là 8 tổ chức. Ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc Công ty MoMo cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, ví điện tử MoMo đã hợp tác với 20 ngân hàng trong nước.
Nghiên cứu của nhà phân tích công nghệ tài chính uy tín là Juniper Research dự báo: Đến năm 2021, gần 3 tỷ người dùng sẽ truy cập các dịch vụ ngân hàng bán lẻ thông qua điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân và đồng hồ thông minh. Một chuyên gia nhận định, tính sáng tạo của Fintech đặt ra những yêu cầu mới về quản lý. Thực tế, ở các nước khu vực châu Á như Hongkong, Thailand, Indonesia, Malaysia, NHTW của các nước này đều có xu hướng có các chính sách, hành động hỗ trợ ngày một nhiều hơn cho sự đổi mới và phát triển Fintech.
Do vậy, vị chuyên gia này cho rằng, cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo môi trường sinh thái tốt cho các TCTD và công ty Fintech phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số để gia tăng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động, dịch vụ và sản phẩm mới được hình thành trong bối cảnh CMCN 4.0.
Tại Việt Nam, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho hoạt động của các công ty công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng...