Kết nối NH - DN: Cần sự nhập cuộc mạnh mẽ hơn
Hiệu ứng chính sách đã lan tỏa
Một trong những mô hình đang được NHNN tập trung chỉ đạo, đồng thời được các địa phương tích cực triển khai nhân rộng là Chương trình kết nối NH – DN. Thời gian qua, chương trình kết nối NH - DN đã được chính quyền các cấp và chi nhánh NHNN ở các địa phương chủ động tham gia và bước đầu phát huy hiệu quả rất tích cực, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh.
Để hỗ trợ NH, DN, chính quyền địa phương cần đẩy nhanh hơn thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động NH như xử lý tài sản thế chấp, công chứng…
Là một trong những NH tham gia tích cực ngay từ những ngày đầu, lãnh đạo Sacombank nhận thấy đây là giai đoạn rất cần những hành động thiết thực cụ thể để hỗ trợ DN vượt khó, ổn định và phát triển sản xuất. Ông Trương Văn Do – Giám đốc DNTN TMDV Hồng Mộc chia sẻ, trong lúc DN khó khăn rất may được tiếp cận vốn vay ưu đãi thông qua Chương trình kết nối NH – DN trên địa bàn.
“Đây là chương trình thiết thực nhằm giúp không những DN chúng tôi nói riêng mà các DN trong cả nước tiếp tục duy trì ổn định phát triển”, ông Do cho biết.
Tổng Giám đốc một CTCP Giấy trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng bày tỏ sự may mắn khi được tiếp cận gói tín dụng của chương trình. Khoảng 110 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm tại Sacombank đã phần nào giúp DN vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế. Vị tổng giám đốc bày tỏ mong muốn quy mô chương trình này lớn hơn và triển khai nhiều hơn trong thời gian tới.
Chương trình kết nối NH – DN bắt đầu khởi động từ tháng 2/2012 tại quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) cho 11 DN với số tiền còn rất khiêm tốn là 92,6 tỷ đồng, lãi suất 12-13%/năm. Nhưng sau 1 năm triển khai, đến hết năm 2013 đã có 28 đợt kết nối với 654 khách hàng được ký kết vay vốn, trong đó có 583 DN tham gia ký kết và 68 hộ gia đình cũng như 3 hợp tác xã với tổng số tiền ký kết cho vay lên tới 13.704 tỷ đồng, lãi suất từ 6-11%/năm. Từ đầu năm đến 12/6/2014, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đã tổ chức 15 đợt ký kết tại 15 quận; huyện cho 471 DN và 27 hộ gia đình, 5 hợp tác xã với số tiền kết nối 10.850 tỷ đồng.
Còn tại Hà Nội, dù nhập cuộc muộn hơn, nhưng trong lần đầu “ra quân” đã có 11 NH trên địa bàn được tham gia chương trình với số vốn cam kết là 11.297,6 tỷ đồng. Tại đây, 3 DN được vay trên 300 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7 – 7,5%/năm.
“Phải nói rằng sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương cùng với các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố đã giúp NH sàng lọc ra những DN khó khăn thật sự. Qua đó, NH hỗ trợ kịp thời với điều kiện tốt nhất giúp các DN này vượt qua khó khăn tạm thời để phục hồi và phát triển sản xuất”, lãnh đạo một NH nhấn mạnh.
Xóa đi những khoảng cách
Phó giám đốc CTCP Cà phê Petec - ông Lê Phước Hậu đánh giá: mô hình kết nối đã xóa đi khoảng cách giữa DN với NH. Qua chương trình này, cách tiếp cận vốn của DN, đặc biệt DNNVV có những thay đổi lớn. Tuy nhiên, ông Hậu bày tỏ mong muốn lãi suất cho vay của chương trình nên thấp hơn nữa. Một số DN khác cũng đề nghị các NH giải quyết cho vay vốn với thời hạn dài hơn, ví dụ trên 15 năm, để DN có thể mở rộng đầu tư nhà máy thay đổi công nghệ, hiện đại hóa máy móc thiết bị.
Cho rằng đây là đề xuất rất hợp lý vì DN đang khát vốn dài hạn, nhưng theo Chủ tịch HĐQT DongABank Cao Sỹ Kiêm, thời điểm này rất khó thực hiện bởi cơ cấu nguồn vốn của NH vẫn chủ yếu là vốn ngắn hạn. Muốn cho vay dài hạn nhiều hơn thì tỷ lệ huy động vốn có kỳ hạn dài phải cao hơn, vì nếu NH sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn cho vay dài hạn sẽ gặp rủi ro thanh khoản và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Theo TS. Kiêm, để người dân yên tâm gửi tiết kiệm dài hạn thì yếu tố quan trọng là kinh tế vĩ mô ổn định; tỷ giá, vàng không có cơ hội đầu cơ và lãi suất dài hạn đủ hấp dẫn để khuyến khích người dân gửi tiền...
Cũng có ý kiến đề xuất cần nâng cao vai trò của chính quyền địa phương như có thể bảo lãnh cho DN vay vốn. Song, theo lãnh đạo một số NH, chính quyền địa phương chỉ nên đứng ở vai trò kết nối hỗ trợ để NH – DN gặp nhau nhiều hơn. Nếu DN có vấn đề không trả được nợ thì ai đứng ra trả nợ thay? Vì chính quyền địa phương không thể trích ngân sách ra trả nợ thay được. “Đó là chưa kể có những trường hợp NH từ chối cho vay vì DN sức khỏe tài chính không tốt. Nhưng họ viện cớ UBND bảo lãnh cho vay gây khó cho NH”, lãnh đạo một NHTMCP chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nhà nước chỉ đóng vai trò kết nối chứ không thể làm thay NH cũng như DN. Trách nhiệm của NH là phải tìm kiếm xác định đúng đối tượng để cung ứng dòng vốn. Ngược lại, DN cũng phải tự xem xét không đầu tư dàn trải và phải cơ cấu lại các dự án của mình để trên cơ sở sử dụng vốn DN hiệu quả. Quan trọng nhất trong triển khai mô hình này làm sao các giải pháp của NH phải thiết thực, đi sâu đi sát tới khách hàng chứ không chỉ ở hình thức.
Lãnh đạo Sacombank chia sẻ kinh nghiệm: NH phải chủ động đưa nội dung chương trình này vào kế hoạch hành động hàng năm của mình. Mặt khác, NH chủ động liên hệ kết nối với chính quyền địa phương, đồng thời có sự phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố để triển khai nhanh, đánh giá nhu cầu vốn để cung ứng kịp thời. Để hỗ trợ NH, DN, chính quyền địa phương cần đẩy nhanh hơn thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động NH như xử lý tài sản thế chấp, công chứng…
Lãnh đạo NHNN chi nhánh một số tỉnh thành đề xuất: để đáp ứng đủ nguồn vốn ưu đãi cho DN cần phải có các giải pháp kèm theo như giải pháp hỗ trợ thị trường, bảo lãnh tín dụng và bản thân DN phải nỗ lực vươn lên cải thiện năng lực tài chính của mình. Chính những giải pháp trên sẽ tạo niềm tin trong quan hệ tín dụng giữa NH và khách hàng, tăng hiệu quả mô hình kết nối NH – DN.
Nguyễn Vũ