Tăng cường an ninh thanh toán
NHNN ký hợp tác tăng cường bảo đảm an ninh mạng | |
An ninh mạng bước vào kỷ nguyên mới | |
Đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán |
Sau nhiều lần trực tiếp hoặc gián tiếp yêu cầu các TCTD tập trung vào mảng đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, NHNN mới đây đã ban hành Chỉ thị số 03/2017 liên quan đến vấn đề này. Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan điều hành chính sách tiền tệ quốc gia đưa vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử vào văn bản ở cấp Chỉ thị và quyết liệt chỉ đạo hệ thống TCTD thực hiện ngay từ đầu năm.
Tập trung cho an toàn thanh toán
Tính đến thời điểm hiện nay, nhu cầu thanh toán điện tử NH đã khá phổ biến ở các đô thị. Đến cuối năm ngoái số lượng tài khoản toàn hệ thống NH cả nước đã đạt trên 67,4 triệu, tăng hơn bốn lần so với thời điểm 2010; lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) đã tăng gần 14% so với cuối năm 2015, đạt con số 254.000 máy POS. Chẳng hạn, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có trên 21.000 đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ thanh toán chấp nhận thẻ.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến hơn |
Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, xu hướng thanh toán bằng thẻ NH đang ngày một tăng, người dân cũng quen dần việc dùng thẻ nội địa để thanh toán hàng hóa dịch vụ thông qua các máy POS. So với năm 2015, số giao dịch thanh toán của thẻ nội địa qua POS trên địa bàn thành phố đã tăng trưởng khoảng 53%. Điều này cho thấy người dân đã thấy thẻ ATM có thể thanh toán thay vì trước đây đa số người dân chỉ nghĩ rằng thẻ ATM là để rút tiền mặt.
Chính vì nhu cầu thanh toán điện tử của người dân tăng nhanh, việc đảm bảo an toàn trong các hoạt động giao dịch thanh toán cũng trở nên cấp thiết và gần như trở thành vấn đề mà bắt buộc các TCTD phải thực hiện một cách nghiêm túc và chặt chẽ. Trong số 5 vấn đề lớn của ngành NH trong năm 2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ngay từ đầu năm đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo các TCTD phải xây dựng niềm tin cho người dùng dịch vụ NH.
Do vậy, ngay từ đầu năm 2017, ngoài các vấn đề lớn như: xử lý nợ xấu, kiểm soát rủi ro thanh khoản, chênh lệch kỳ hạn… thì vấn đề về tội phạm thẻ, tội phạm liên quan đến thanh toán điện tử cũng cần được các TCTD quán triệt và quyết tâm thực hiện. Từ đó, tạo ra tiền đề nhằm ứng dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính, NH vào các lĩnh vực như thanh toán dịch vụ công, thanh toán thương mại để hiện thực hóa Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán về mức 10%.
TP. Hồ Chí Minh đi đầu thanh toán phi tiền mặt
Bên cạnh nhu cầu đảm bảo an toàn trong thanh toán điện tử để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của người dân, Chỉ thị 03/2017 của NHNN vừa ban hành mới đây có một ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy ngành NH tham gia vào cơ chế một cửa quốc gia nhằm hiện thực hóa Quyết định 09/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo thống kê của NHNN, tính đến thời điểm cuối năm 2016, ngành NH đã đưa vào sử dụng 14 dịch vụ trong lĩnh vực quản lý chữ ký số, cấp mã, tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên NH. Hiện nay, NHNN đang tiếp tục triển khai nâng cấp 15 dịch vụ công tiếp theo, dự kiến hoàn thành vào quý II/2017.
Ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, thời gian qua, việc phối hợp giữa các NHTM với các sở, ngành nhằm phát triển thanh toán phi tiền mặt trong các dịch vụ công như giáo dục, y tế đã triển khai khá mạnh. Người dân sử dụng các dịch vụ công đã có thể điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc thanh toán lệ phí đã được thực hiện qua một số dịch vụ thu hộ được cung cấp bởi các NHTM.
Chẳng hạn, đề án Thẻ học đường (SSC) sau 2 năm triển khai tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút khoảng 40 trường học tham gia với số lượng thẻ phát hành đạt trên 23.000 thẻ. Số tiền học phí được thanh toán trực tuyến thông qua thẻ SSC đạt trên 132 tỷ đồng. Ngày 3/2 vừa qua UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản chấp thuận cho các trường học đang triển khai đề án SSC được phép chi trả chi phí thanh toán đặt máy POS tại các trường.
Theo đó, mỗi trường học sẽ được dùng chi phí từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để chi trả 0,33% trên giá trị giao dịch với thẻ nội địa và 0,6-2% trên giá trị giao dịch đối với thẻ quốc tế. Từ đó phụ huynh học sinh đóng học phí được miễn phí giao dịch còn các NHTM tham gia sâu hơn vào các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ công.
Thông qua cầu nối NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, vừa qua CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã kết nối với Tổng công ty Điện lực thành phố để thực hiện thu tiền điện qua mạng và làm việc với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Đến nay việc kê khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà của cá nhân đã và đang triển khai thí điểm trên toàn thành phố.
Từ những thực tiễn trên, TP. Hồ Chí Minh đã trở thành địa phương đi đầu mở rộng áp dụng các dịch vụ công trực tuyến cho phép người sử dụng có thể thanh toán lệ phí hoàn toàn trực tuyến thông qua các dịch vụ thanh toán của các NHTM.
Phát triển dịch vụ phải đảm bảo an ninh thanh toán Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chỉ thị của Thống đốc NHNN về an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, ngày 7/2, NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã ký văn bản yêu cầu các TCTD trên địa bàn tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, trong đó nhấn mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng. Việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong tăng trưởng và phát triển. Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng suất lao động, giảm chi phí và tăng tiện ích dịch vụ để thu hút khách hàng. Để không cạnh tranh bằng lãi suất, bằng phí hoặc các hình thức khuyến mại không lành mạnh… thường tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng đến thị trường, đến trật tự thị trường, ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách tiền tệ và hoạt động của chính các TCTD. Đặc biệt, phải tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ. Phát triển dịch vụ trên cơ sở ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại là xu hướng tất yếu trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời con đường lựa chọn duy nhất đối với các TCTD trong đổi mới, cạnh tranh và phát triển trong giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Song quá trình này cũng đòi hỏi các TCTD phải triệt để quan tâm đến các giải pháp an toàn, bảo mật trong hoạt động dịch vụ ngân hàng, nhất là dịch vụ ngân hàng điện tử: Interbanking; thẻ, thanh toán tiện tử… Đây không chỉ là an toàn, bảo mật của mỗi TCTD mà còn là an ninh, an toàn hệ thống và an ninh tiền tệ quốc gia và toàn bộ nền kinh tế. Trong đó chú ý đến triển khai và thực hiện nghiêm túc các quy định của NHTW về hoạt động thanh toán. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, các quy định nội bộ về an ninh, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin nhằm hạn chế các rủi ro. Đồng thời phát hiện sớm các vi phạm để chấn chỉnh đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN và pháp luật có liên quan về an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Đình Hải (ghi) |