Tăng vốn điều lệ: Có rơi vào nghịch cảnh?
Saigonbank tăng vốn điều lệ lên 4.080 tỷ đồng | |
Maritime Bank tăng vốn điều lệ lên 11.750 tỷ đồng | |
MB điều chỉnh kế hoạch tăng vốn điều lệ |
Ông Nguyễn Trí Hiếu |
Tăng vốn điều lệ tiếp tục là một trong những nội dung mà rất nhiều NH đưa ra xin ý kiến tại kỳ Đại hội cổ đông năm nay. Vậy kế hoạch tăng vốn của các NH có dễ dàng hơn hay không? Chuyên gia ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng việc tăng vốn trong năm 2016 của các NH vô cùng gian nan.
Cơ sở nào ông đưa ra nhận định trên?
Phải khẳng định rằng tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết để tăng sức bền về khả năng tài chính của NH. Các quy định chặt chẽ từ Basel I, II, III đều xoay quanh vấn đề vốn NH. Mặt khác, một NH vốn yếu không thể nào mở rộng hoạt động kinh doanh, lại giảm uy tín trên cả thị trường… Nên vốn là vấn đề sống còn đối với NH. Nhất là sắp tới đây, NH cần phải tăng vốn nhiều hơn nữa để đáp ứng thông lệ quốc tế và giải quyết những vấn đề nội tại: nợ xấu, tái cơ cấu…
Đó là chưa kể có những NH giá trị thực vốn chủ sở hữu vẫn chưa được đánh giá một cách khách quan, trung thực. Vì thế, tỷ lệ an toàn vốn của những NH này đang là một dấu hỏi lớn đối với NĐT.
Nhưng tiếc rằng thời điểm này NH muốn tăng vốn cũng vô cùng gian nan vì những lý do: Thứ nhất, các cổ đông, NĐT không còn mặn mà với NH như ngày xưa vì hiện giá CP thấp, rất nhiều CP xuống dưới mệnh giá.
Thứ hai, mấy năm vừa rồi lợi nhuận NH thấp, nhiều NH không chia cổ tức hoặc nếu chia thì tỷ lệ rất thấp nên thay vì mua CP đầu tư, nhiều NĐT gửi tiền NH để ít nhất cũng được nhận lãi suất, dù thấp.
Thứ ba, “gọng kiềm” pháp luật ngày càng chặt chẽ nên các cổ đông từ bỏ giấc mơ NH là sân sau. Chính những điều này đã khiến CP NH ngày càng kém hấp dẫn trong mắt các NĐT.
Theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?
Vốn đầu tư hấp thụ kém do những nguyên nhân như tôi nói ở trên. Giữa vốn đầu tư và huy động có sự khác biệt rất lớn. Vốn huy động là cho NH vay. Dù bất kể kết quả kinh doanh ra sao thì NH vẫn phải trả lãi suất cho khách hàng theo mức đã ghi trên sổ tiết kiệm. Còn đầu tư vào cổ phiếu NH thì NĐT phải chấp nhận lời ăn, lỗ chịu.
Mặt khác, nếu gửi tiết kiệm khách hàng hoàn toàn chủ động về thời gian rút vốn. Trong khi đó nếu mua CP NH thì lại phụ thuộc độ thanh khoản của CP cũng như tình hình thị trường nhiều hơn; và thời gian đầu tư cũng dài hơn, hoặc có thể vô thời hạn.
Tôi cho rằng, NH đang rất cần vốn đầu tư nhưng không thể huy động được nguồn dài hạn. Mà điều này vô cùng cần thiết nếu NH muốn tăng khả năng tài chính, đối phó với những biến động của thị trường…
Để giải quyết nghịch cảnh trên, theo ông các NH cần có giải pháp nào?
Trước hết, NH phải trở thành một đối tượng hấp dẫn của dân chúng, NĐT. Người dân vẫn tin gửi tiền vào NH vì lãi suất tốt, nhưng tôi lưu ý tiền này là tiền cho NH vay, chứ không phải đầu tư. NĐT vẫn chưa thực sự yên tâm nếu vẫn còn NH yếu kém, lợi nhuận, cổ tức lình xình… Nên đối với dân chúng, đầu tiên phải tạo niềm tin đối với hệ thống NH. Có nghĩa là hệ thống NH phải làm gọn, sạch lại.
Vấn đề “sạch” vô cùng quan trọng. Nợ xấu phải được giải quyết tốt; quản trị phải đúng tiêu chuẩn thế giới; các hoạt động tín dụng phải hết sức minh bạch, công khai. Và muốn để NĐT biết được độ “sạch” của NH thì các NH phải lên sàn và được kiểm toán độc lập bởi các công ty kiểm toán uy tín. Bấy giờ ngành NH mới hấp thụ nhiều vốn đầu tư từ nền kinh tế.
Tôi cho rằng, các NH nên chuẩn bị kịch bản có thể tăng vốn trong cả năm nay và năm sau hoặc đặt ra lộ trình tăng vốn 3 năm tới. Còn nếu dựa vào tình hình hiện tại trong vòng 8 tháng tới để tăng vốn điều lệ như kế hoạch đề ra trong năm nay là không khả thi.
Xin cảm ơn ông!