Tăng vốn hiệu quả
Tăng vốn là yêu cầu cấp bách của ngân hàng | |
Ưu tiên số một của ngân hàng là tăng vốn | |
Tăng vốn, muôn nẻo đường tới đích |
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra nhận định tình hình kinh tế vĩ mô quý IV/2017 có khái quát: “Năm 2017 có thể nói là một năm thành công của kinh tế Việt Nam”. Như tăng trưởng cao và lạm phát thấp, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 3,4% GDP đã giúp NHNN bổ sung lượng dự trữ ngoại hối, có thêm không gian để có thể nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Một số NHTM lên sàn chứng khoán rất thành công trong thời gian qua |
Tuy nhiên, nhóm tác giả VEPR cũng lưu ý, các nhà tài trợ nước ngoài sẽ lần lượt rút dần và chỉ cho vay với các mức lãi suất kém ưu đãi hơn giai đoạn trước (Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình - PV), Việt Nam sẽ cần sử dụng nhiều hơn nguồn nội lực của mình làm động lực tăng trưởng. Với một nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh càng cần một nguồn vốn đầu tư dồi dào trong khi trọng trách này vẫn chủ yếu dồn lên vai ngành Ngân hàng.
Cũng cần phải nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô tốt hơn, cùng sự giám sát chặt chẽ của NHNN, sức khỏe cũng như hình ảnh của hệ thống TCTD dần được cải thiện rõ rệt trong mắt nhà đầu tư trong thời gian qua. Kết thúc năm 2017, nhiều NHTM có kết quả kinh doanh tốt, nhưng chỉ có một vài ngân hàng thông báo trả cổ tức cao cho cổ đông, nguyên do nhiều NHTM muốn giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.
Vì nếu không tăng được vốn, các TCTD sẽ không mở rộng được tín dụng vì không đáp ứng được quy định về đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu 9%. Với thực tế này, thông thường các ngân hàng sẽ phải dịch chuyển cơ cấu nguồn thu, chủ yếu nghiêng về mảng dịch vụ bán lẻ.
Cùng với đó, Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 được ngành Ngân hàng triển khai sớm cũng buộc các NHTM phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại, gắn chặt với việc kiểm soát chất lượng tín dụng cũng như là đảm bảo chuẩn mực an toàn hoạt động. Ở tầm vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng không chỉ để hệ thống ngân hàng hoạt động, phát triển lành mạnh mà còn tạo điều kiện cho các NHTM ổn định thanh khoản phát triển dịch vụ mới, sản phẩm mới, mở rộng tín dụng hợp lý và quản trị rủi ro hiệu quả.
Tuy nhiên nhóm NHTM có vốn nhà nước chi phối, như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV vẫn đang chờ cơ chế hỗ trợ để tăng vốn điều lệ, cải thiện các chỉ số tài chính. Trong lúc chờ đợi, có ngân hàng đã phải phát hành trái phiếu dài hạn để tính vào vốn cấp 2, cải thiện CAR dù biết sử dùng biện pháp này có chi phí lãi suất cao.
Trong khi đó, với mô hình và cơ chế linh hoạt, năng động hơn, trong năm 2017 nhiều NHTMCP đã tận dụng cơ hội thị trường chứng khoán khởi sắc đã lên sàn hoặc tiến hành thoái vốn nhằm thực hiện mục tiêu giảm sở hữu chéo trong ngành Ngân hàng theo yêu cầu của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, đơn cử như Eximbank bán bớt cổ phần tại Sacombank…
Hay một số NHTM có động thái mua, bán cổ phiếu quỹ, điển hình là Sacombank (STB) cách đây hơn một tuần thông báo sẽ bán ra toàn bộ gần 81,5 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 4,33% vốn điều lệ. Trước đó, TPBank cũng đã bán thành công 3 triệu cổ phiếu quỹ thu về 31,6 tỷ đồng. Cùng thời điểm VIB đã chi ra hơn 760 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ mua lại 6% cổ phiếu quỹ ở mức giá 22.500 đồng/cổ phiếu.
Điểm chung mà các NHTM chọn phương án mua lại cổ phiếu quỹ đều làm tăng giá trị cổ phiếu của mình. Đơn cử, động thái mua lại cổ phiếu quỹ VIB khiến giá cổ phiếu này đạt tới 24.900 đồng/cổ phiếu (ngày 22/11), tăng hơn 11% so với đầu tháng 11/2017. Thanh khoản VIB tiếp tục tăng mạnh, quy mô giao dịch đạt kỷ lục 685.000 đơn vị vào ngày 8/1/2018.
Chốt phiên ngày 16/1, giá VIB đạt 29.100 đồng/cổ phiếu, tăng gần 27% so với đầu năm… Theo ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm tạm thời số dư vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn nhưng ngân hàng sẽ sở hữu một tài sản được cho là "có giá trị tiềm năng, đấy là cổ phiếu của chính ngân hàng mình".
Điều gì đã khiến các ngân hàng có thể dễ dàng tìm vốn nhanh đến vậy? Câu trả lời tính đến thời điểm này có thể nói là hàng loạt ngân hàng lên sàn, đăng ký lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).
Thừa nhận điều này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, cùng với kế hoạch tái cơ cấu, thay đổi chiến lược kinh doanh, việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu đang làm cho lợi nhuận của từng ngân hàng tốt hơn và hệ thống lành mạnh hơn. Đó chính là lý do khiến cho các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài, hướng sự quan tâm nhiều hơn tới các ngân hàng.