Tăng vốn là yêu cầu cấp bách của ngân hàng
Ưu tiên số một của ngân hàng là tăng vốn | |
BacABank tăng vốn điều lệ lên 5500 tỷ đồng | |
Techcombank được chấp thuận tăng vốn điều lệ |
Tăng vốn điều lệ đang là một trong những vấn đề lớn đặt ra đối với các NH Việt Nam. Vì tăng vốn không chỉ khiến NHTM có thêm điều kiện mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn đáp ứng yêu cầu tất yếu: nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số tài chính theo chuẩn mực quốc tế như Basel II cũng như các cam kết thương mại lớn khác trong bối cảnh ngành NH hội nhập ngày càng sâu rộng. Các NH định hướng tăng vốn theo cách nào và đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu của các NH hiện nay. Phóng viên Thời báo Ngân hàng tham vấn ý kiến của người trong cuộc là các NH cũng như chuyên gia NH xung quanh vấn đề này.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank
Vấn đề vô cùng cấp bách của NHTMCP Nhà nước
Việc tăng vốn tự có cho VietinBank là vấn đề vô cùng cấp bách trong năm 2018. Nếu ngay trong quý I/2018 vốn tự có của VietinBank không được cải thiện thì hệ số an toàn vốn (CAR) sẽ không đảm bảo tỷ lệ tối thiểu theo quy định của NHNN và thông lệ quốc tế. Trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn của VietinBank đối với nền kinh tế.
Mặc dù, thời gian qua, VietinBank cũng đã áp dụng mọi biện pháp có thể để chủ động thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tài chính như bán bớt phần vốn nhà nước, cơ cấu lại vốn tự có giữa vốn cấp 1 và vốn cấp 2, phát hành trái phiếu thứ cấp để tăng vốn cấp 2, tái cấu trúc danh mục tài sản có rủi ro… nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Do vậy, vấn đề nâng cao năng lực tài chính, trong đó trọng tâm là nâng cao năng lực vốn tự có trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của NH. Để có thể tăng vốn đáp ứng yêu cầu chuẩn mực quốc tế cũng như tiếp tục cung ứng vốn tốt cho nền kinh tế, VietinBank đề xuất một số phương án tăng vốn như: cho phép VietinBank giữ lại lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu nhà nước hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hoặc bổ sung vốn điều lệ cho VietinBank theo phương án VietinBank đã báo cáo NHNN để trình Chính phủ phê duyệt và có thể Chính phủ xem xét cấp vốn từ các quỹ ví dụ từ Quỹ sắp xếp đổi mới DN để tăng vốn cho NH.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB
Giữ vững vị thế cho các trụ cột NH
Bốn năm gần đây, năm nào các NHTM Nhà nước đều đề cập đến vấn đề tăng vốn nhưng vẫn chưa thực hiện được. Và đến thời điểm này đây là vấn đề bức bách của các NHTM nhà nước và cần có giải pháp làm ngay. Điều dễ nhận thấy nhất là hệ số CAR của các NH này gần như không đáp ứng được nếu áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu không tăng tử số (vốn NH) thì mẫu số (vốn cho nền kinh tế) cũng khó có thể tăng được. Lý do cấp bách nữa mà cần phải tăng vốn cho các NHTM Nhà nước đó là NH đầu đàn giữ hình ảnh của thị trường nếu không đảm bảo hệ số CAR thì làm sao dẫn dắt những NH khác trong hệ thống được.
Yêu cầu trên còn liên quan đến mục tiêu nữa là trong hệ thống NH sẽ có một số NHTM Nhà nước có quy mô ngang tầm khu vực. Việc NHTM là trụ cột nâng cao năng lực tài chính là động lực để các NHTMCP tăng vốn, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống.
Hiện tại có nhiều cách để tăng vốn cho NHTM Nhà nước như cho phép NH giữ lợi nhuận, bán vốn cho nước ngoài phát hành bổ sung… Hoặc trong thời điểm này ngân sách yếu có thể vẫn lấy cổ tức và góp vốn bằng TPCP đặc biệt như thời điểm năm 2001 Chính phủ thực hiện tăng vốn cho các NHTM Nhà nước. Thời điểm đó Chính phủ đã phát hành TPCP đặc biệt có kỳ hạn 20 năm với lãi suất 3,3%/năm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia NH
Nhiều lựa chọn tăng vốn cho NH
Lợi nhuận NH cao là cơ hội để NH giữ lại phần lợi nhuận của mình cho mục đích tăng vốn chủ sở hữu. Việc giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức ít đi tất yếu sẽ không làm hài lòng các cổ đông. Tuy vậy, họ cũng phải hiểu rằng, NH tăng vốn lên cũng chính là sức khỏe của họ được tăng lên, cổ đông được hưởng giá trị gia tăng mà cổ phiếu của họ mang lại. Nên mặc dù các cổ đông có thể sẽ nhận ít tiền mặt hơn, nhưng tài sản của họ sẽ tăng lên do việc các NH có thể tăng vốn chủ sở hữu thông qua việc giữ lại lợi nhuận. Vấn đề tăng vốn thực sự trọng yếu. Và bản thân mỗi NH đều phải nhìn nhận tăng vốn là chuyện sống còn của NH.
Có nhiều cách giúp tăng vốn: có thể qua tích lũy lợi nhuận, kêu gọi cổ đông hiện hữu đóng góp cổ phần mà không pha loãng tỷ lệ cổ phần. Tuy nhiên, không phải NH nào cũng dễ thực hiện được cách thức này. Những NH lớn có lợi nhuận cao, cổ đông hiện hữu sẵn sàng. Còn với NH tiềm lực tài chính hạn chế, thì cổ đông hiện hữu không mặn mà lắm trong mua cổ phiếu, và không ít NH buộc phải tìm đến cổ đông tiềm năng ngoài thị trường.
Về phương án sáp nhập, nhà băng phần lớn không ưng thuận, thậm chí coi đó là phương án cuối cùng. Song đối với cơ quan quản lý thì lại dễ chấp nhận hơn vì điều này có thể giúp NH yếu trở nên khỏe và những NH khỏe thì khỏe hơn nữa. Dù không muốn nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đôi khi phương thức cuối cùng lại có thể trở thành phương án cần thiết nhất cho một vài NH.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB
Không có chuyện tăng vốn ảo
Nhu cầu tăng vốn cao không chỉ tại các NHTM quốc doanh mà các NHTMCP cũng đều muốn thực hiện trong mấy năm trở lại đây nhưng do thị trường khó khăn nên không tăng được. Nhưng thời điểm này, dù không khẳng định được tính bền vững của TTCK ở mức nào nhưng đã tạo khí thế cho cả người mua và người bán giao dịch nhiều hơn. Vì vậy, với sự tăng trưởng hiện tại của TTCK, nhiều NH tận dụng cơ hội để tăng vốn trong năm 2018.
Bởi, trong mấy năm qua, có một thực tế là giá cổ phiếu NH bị đánh giá thấp hơn giá trị thực. Như Vietcombank giá cổ phiếu NH này so với nhiều DN ngành khác còn thấp dù Vietcombank là một trong những NH đứng đầu hệ thống với tương lai phát triển bền vững, chưa nói các NH còn lại. Khi cung – cầu gặp nhau thì thị trường ắt sẽ nhộn nhịp hơn và ai cũng tìm thấy cơ hội của mình trong đó.
Ngoài các cổ đông hiện hữu, muốn tăng được vốn nhanh hơn, NH có thể kêu gọi các cổ đông lớn mới tham gia vào. Với quy định chặt chẽ của NHNN, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Các TCTD 2017 không có chuyện tăng vốn ảo mà đảm bảo vốn thực. Bức tranh hoạt động NH trong thời gian tới tích cực hơn từ hoạt động tăng vốn của các NH.