Ưu tiên số một của ngân hàng là tăng vốn
BacABank tăng vốn điều lệ lên 5500 tỷ đồng | |
Techcombank được chấp thuận tăng vốn điều lệ | |
OCB tăng vốn điều lệ thêm hơn 800 tỷ đồng |
Cơ sở của kỳ vọng
Dù kết quả kinh doanh cả năm của các NH phải đợi vài tháng nữa mới được công bố chi tiết, nhưng một số lãnh đạo NH đã phấn khởi chia sẻ về kỳ vọng lợi nhuận NH sẽ đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tham vấn các chuyên gia, đa số họ cũng cùng quan điểm và cho rằng, đây là năm có lợi nhuận tốt nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Nhìn chung ưu tiên số một của nhiều NH vẫn là tăng vốn |
Đơn cử, tính đến thời điểm 30/11/2017, LienVietPostBank có vốn điều lệ đạt 6.460 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 154.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn đạt trên 141.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 98.000 tỷ đồng… OCB cũng là một trong những NH gây ấn tượng trong hoạt động năm 2017. Không chỉ là NH đầu tiên công bố hoàn thành Basel II, NH này cũng đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm là 780 tỷ đồng sau 9 tháng. HĐQT NH này đã quyết định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận đến cuối năm 2017 là 1.000 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng trong ngày đầu năm 2018, Tổng giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, kết thúc năm 2017, lợi nhuận NH này đạt 1.013 tỷ đồng - vượt cả kế hoạch điều chỉnh. Một NH có lợi nhuận tăng trưởng đột biến khác là HDBank khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đạt 1.912 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2016 và vượt 47% kế hoạch lợi nhuận cả năm, trong đó lợi nhuận của riêng HDBank là 1.713 tỷ đồng…
Còn theo Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank ông Phạm Doãn Sơn, chốt đến ngày 15/12/2017, lợi nhuận NH này đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, vượt 13% so với kế hoạch đầu năm là 1.500 tỷ đồng. Các chỉ tiêu tài chính khác như huy động vốn, cho vay của NH này cũng đều vượt kế hoạch đề ra.
Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lợi nhuận của toàn hệ thống 9 tháng đầu năm đã tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Chia sẻ lý do kết quả lợi nhuận bứt phá ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, trong hai năm trở lại đây, quy mô hoạt động NH được mở rộng, tăng trưởng tín dụng của NH rất tốt. Dư nợ mới tăng lên nói chung đều “sạch”, không phát sinh rủi ro. Chất lượng tín dụng tốt hơn giúp NH giảm chi phí hoạt động khá nhiều. Nhờ chất lượng dịch vụ cải thiện nên thu phí dịch vụ tăng gấp 3 lần so với năm trước.
Ngoài nhân tố trên, một trong những lý do nữa theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa là hệ thống NH vừa trải qua thời kỳ tái cấu trúc mạnh mẽ. Nhiều NHTM đã đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại gắn liền với việc kiểm soát chất lượng tín dụng và đảm bảo chuẩn mực an toàn hoạt động. Nhờ vậy, nhiều NHTM đã có kết quả ấn tượng.
“Hầu hết các NHTM đều tập trung phát triển dịch vụ mới, sản phẩm mới và mở rộng tín dụng trên cơ sở quản lý rủi ro tốt hơn. Nhờ đó mà nền tảng tài chính của hầu hết các NHTM đều đã được cải thiện đáng kể. Hệ số khả năng sinh lời ROA, ROE đã tăng gần gấp đôi so với những năm trước. Cũng nhờ nâng cao khả năng sinh lời cho nên nhiều NHTM đã tăng được khá nhanh mức trích lập dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ cũ. Đây là một kết quả ấn tượng so với vài ba năm trước đây”, TS. Nghĩa thông tin thêm.
Nhiều lựa chọn cho kế hoạch “chi tiêu”
Với kết quả kinh doanh khả quan, ông Phạm Doãn Sơn cho biết, NH phân phối lợi nhuận theo quy định của NHNN cũng như NH. Đầu năm 2017, với kế hoạch lợi nhuận 1.500 tỷ đồng, LienVietPostBank dự kiến tỷ lệ chia cổ tức 12%. Nhưng đến cuối năm lợi nhuận vượt kế hoạch, HĐQT NH đã nhất trí điều chỉnh tỷ lệ chia cổ tức lên 15% theo cơ cấu 12% bằng tiền mặt và 3% là cổ phiếu. LienVietPostBank đã xin ý kiến NHNN về sự thay đổi này. Ngoài ra, lãnh đạo NH tiết lộ năm nay mức thưởng NH cũng sẽ cao hơn so với năm trước để động viên người lao động.
Nhìn chung ưu tiên số một của nhiều NH vẫn là tăng vốn vì nhu cầu tăng vốn mấy năm tới rất cao. Do vậy, các NH sẽ thận trọng phân phối lợi nhuận, chỉ dành một phần nhất định chia bằng tiền mặt. Còn với các NH đang trong diện tái cơ cấu, một lãnh đạo NH cho hay, lợi nhuận vẫn đạt kế hoạch đặt ra nhưng NH không chia cổ tức mà giữ lợi nhuận để nâng cao năng lực tài chính, trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu.
Dự định trên của các NH cũng là định hướng của NHNN. Lãnh đạo NHNN khẳng định, NHNN vẫn giám sát chặt việc chi thưởng, cổ tức trong năm nay. Các NHTM phải ưu tiên mục tiêu xử lý nợ xấu, đẩy mạnh tái cơ cấu. Chủ trương trên nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn. Bởi nền kinh tế có khởi sắc nhưng tăng trưởng vẫn chưa thực sự bền vững. Hệ thống NH vẫn phát triển chưa đồng đều, nên việc sử dụng phần nhiều lợi nhuận để tăng vốn nâng cao năng lực tài chính là cần thiết.
Một lãnh đạo NH nhấn mạnh, dù lợi nhuận khá tốt, nhưng NH tiếp tục tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Vì sẽ có độ vênh nhất định giữa tỷ lệ nợ xấu do TCTD tự xác định với kết quả công bố của thanh tra, giám sát NHNN. Lúc đó, có nguồn dự phòng tốt, NH cũng dễ xoay xở.
Ở chiều cạnh khác, Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, năm nay các NH sẽ dễ chi tiêu quỹ lợi nhuận hơn, có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc bằng tiền mặt. Điểm khác biệt của năm nay, áp lực chia bằng tiền mặt có thể giảm mạnh, ngược lại, nhiều NĐT lại muốn được chia bằng cổ phiếu vì giá cổ phiếu của nhiều NH đang tăng nhanh, lợi nhuận thu về cho NĐT nhiều hơn. Mà đây lại là cơ hội để các NH tranh thủ tăng vốn.