Tăng vốn, muôn nẻo đường tới đích
VPBank tăng vốn điều lệ thêm hơn 1600 tỷ đồng | |
Tăng vốn mở rộng tầm ảnh hưởng? | |
Tăng vốn để đạt đa mục tiêu |
Trong môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn và phức tạp, một số NH chọn thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ để trở lên mạnh hơn. Bởi quy mô vốn chủ sở hữu quyết định tổng dư nợ của một NH đảm bảo tuân thủ quy định tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có, cũng như quy định tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng vốn huy động không vượt quá quy định 80%. Chưa kể, đối với những lĩnh vực yêu cầu hệ số rủi ro cao như BĐS hay chứng khoán trên 200%, NH đó phải có mức vốn điều lệ đủ để tăng trưởng tín dụng mới không vi phạm yêu cầu về an toàn vốn.
Về lý thuyết, NH nào đang nhanh chóng thực hiện kế hoạch tăng vốn là một bước đi thông minh trong ngành tài chính. Chưa nói đến chuyện đảm bảo an toàn vốn theo quy định, chỉ thấy rằng nếu không tăng vốn lúc này, đặc biệt các NH đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thì khó đủ vốn thực hiện các kế hoạch kinh doanh cũng như đảm bảo được giá trị của cổ phiếu trong mắt nhà đầu tư.
Ảnh minh họa |
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của chiến lược tăng vốn điều lệ ở ngành NH, ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt (đơn vị tư vấn niêm yết và phát hành riêng lẻ cho VPBank) cho biết, lợi thế của VPBank trong ngành tài chính là có thể nhanh chóng tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu. Đơn cử, số tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua cổ phiếu của VPBank trong những đợt “roadshow” tại nước ngoài lên tới 1,2 tỷ USD. Còn theo tiết lộ của ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho một số nhà đầu tư đã giúp VPBank có thêm 6.000 tỷ đồng, để thực hiện các kế hoạch và chiến lược mới, khỏi lo phải đi huy động thêm. Việc tăng vốn điều lệ giúp VPBank khẳng định được vị thế và uy tín của NH trong mắt nhà đầu tư cũng như khách hàng.
Không chọn cho mình cách phát hành cổ phiếu nhưng VIB cũng nhanh chóng thực hiện việc tăng vốn điều lệ thông qua việc mua cổ phiếu quỹ. Cụ thể, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo VIB sẽ thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, nhằm hủy phương án tăng vốn điều lệ và phê duyệt phương án mua cổ phiếu quỹ năm 2017 mà trước đó, đại hội đồng cổ đông đã thông qua. Trước VIB, Techcombank cũng hủy kế hoạch tăng vốn điều lệ vì lý do mua lại cổ phiếu quỹ.
Thực tế, một NH quyết định gia tăng sở hữu cổ phiếu của chính mình và tin rằng, cổ phiếu của mình đang bị thị trường định giá thấp hơn giá tính toán. Hoặc việc mua lại cũng có thể là để tái cấu trúc nguồn vốn của NH. Dù lý giải thế nào, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm tiền mặt và giảm nguồn vốn chủ sở hữu nói chung, một chuyên gia lý giải. Ví dụ trường hợp của VIB, tổng vốn chủ sở hữu của VIB sẽ giảm 1.198 tỷ đồng (khoảng 13,7%), từ 8.745,7 tỷ đồng cuối quý II xuống còn 6.647,7 tỷ đồng sau giao dịch mua lại cổ phiếu quỹ. Hệ số CAR tại thời điểm cuối tháng 6/2017 ước khoảng 12% do tốc độ tăng trưởng tín dụng cao gần 16%, còn sau khi mua cổ phiếu quỹ sẽ không còn là 12% nữa.
Tuy nhiên, VIB vẫn tự tin chọn phương án mua lại cổ phiếu quỹ để tăng vốn điều lệ có thể do có nguồn tiền tài trợ từ IFC. Theo đó, thị trường đồn đoán rằng, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) sẽ đầu tư 200 triệu USD vào VIB dưới hình thức khoản cho vay cao cấp. Động thái này được coi như một khoản tài trợ dài hạn, gồm các gói tín dụng dành cho khối DNNVV, các DN vi mô và dự án nhà ở giá rẻ. Ở chiều hướng khác còn giúp VIB không phải huy động vốn bằng mọi giá, vừa không gây xáo trộn trên thị trường vừa không làm ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Vậy, dù bằng cách này hay cách khác, việc tăng vốn điều lệ của các NHTMCP niêm yết lúc này là khá quan trọng và là bước đi cần thiết. Bởi nó không chỉ thúc đẩy tín dụng và củng cố sự tăng trưởng tổng thể của cả nền kinh tế, mà nó còn mang lại lợi ích cho cả khách hàng, cả nhà cung cấp và cả DN mới.