Tạo điều kiện ổn định sản xuất kinh doanh
Điều kiện xóa nợ vay cho hộ nghèo | |
Khoanh nợ đến 5 năm đối với các khoản vay bị thiệt hại đến 100% | |
TCTD khoanh nợ đối với người nuôi tôm, cá tra được tái cấp vốn với lãi suất 0% |
Qua Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cử tri tỉnh Phú Yên đã chuyển đến NHNN Việt Nam kiến nghị, phản ánh trong thời gian qua, người dân vay vốn để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản nhưng thua lỗ do thiên tai, bất khả kháng, nên không có khả năng trả nợ lãi suất. Đề nghị NHNN quan tâm hạ lãi suất cho vay và chỉ đạo các NHTM có phương án khoanh nợ, giãn nợ.
Về vấn đề này, NHNN đã vừa có văn bản trả lời cho biết, vào tháng 11/2016, trên địa bàn tỉnh Phú Yên xảy ra mưa lớn, gây ngập lụt kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, gây thiệt hại về tài sản cho người dân đặc biệt là những hộ dân nuôi trồng thuỷ hải sản trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với các địa phương tập trung khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, ngập lụt, giúp nhân dân ổn định lại đời sống.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tại các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Phú Yên, khắc phục thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt, tạo điều kiện duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, về chính sách giảm lãi suất, NHNN đã ban hành văn bản số 9669/NHNN-TD ngày 19/12/2016 chỉ đạo các TCTD chủ động rà soát thiệt hại của khách hàng vay vốn và kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, cho vay mới để khách hàng tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất.
Theo NHNN, ngoài xem xét miễn giảm lãi vay, ngành Ngân hàng còn vận dụng các văn bản liên quan đến khoanh nợ. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tại Nghị định 55/2015/NĐ - CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có quy định cơ chế tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại không trả được nợ ngân hàng do nguyên nhân khách quan, thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, TCTD chỉ có thể xem xét khoanh nợ nếu có công bố thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng của UBND tỉnh.
Đối với vốn vay thương mại từ TCTD trên địa bàn, NHNN chi nhánh tỉnh Phú Yên đã tiếp nhận 93 hồ sơ, số tiền 4.358 triệu đồng đề nghị khoanh nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đối với các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại do mưa lũ tại thị xã Sông Cầu.
Theo quy định tại điều 5 Thông tư số 10/2015/TT-NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Sở Tài chính tỉnh tiến hành kiểm tra, xác nhận số liệu. Kết quả kiểm tra 93 bộ hồ sơ đề nghị khoanh nợ đều là những hộ dân nằm trong vùng bị thiệt hại mưa lũ tại thời điểm công bố thiên tai theo Quyết định số 2678A/QĐ-UBND ngày 6/11/2016 của UBND tỉnh Phú Yên về việc công bố thiên tai do lũ lụt gây ra từ 1/11-6/11/2016 trên toàn tỉnh Phú Yên.
Do đó, NHNN chi nhánh Phú Yên và Sở Tài chính tỉnh đã có công văn số 147/PHY2 ngày 23/3/2017 xác nhận số liệu khoanh nợ do thiên tai (theo Thông tư 10/2015/TT-NHNN) gửi UBND tỉnh Phú Yên, đề nghị UBND tỉnh xác nhận số liệu khoanh nợ, để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn số 1652/UBND - KT ngày 5/4/2017 gửi NHNN đề nghị xem xét kiến nghị khoanh nợ do thiên tai lũ lụt trên phạm vi rộng cho các khách hàng bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Phú Yên; và công văn số 3322/UBND-KT ngày 20/6/2017 gửi NHNN về thời gian đề nghị khoanh nợ do thiên tai trên phạm vi diện rộng. Hiện, NHNN đang gửi xin ý kiến của Bộ Tài chính trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ngoài vốn vay thương mại, đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), khách hàng còn có thể chủ động làm việc trực tiếp với NHCSXH để được xem xét gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Với các quy định như vậy, NHNN chi nhánh tỉnh Phú Yên đã có văn bản chỉ đạo các TCTD và NHCSXH trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Về cơ cấu thời hạn trả nợ, NHCSXH đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 68 khách hàng số tiền 1,19 tỷ đồng. Đồng thời, đề nghị NHCSXH trung ương phân bổ thêm 31 tỷ đồng để kịp thời bổ sung nguồn vốn trong 2016, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn, giúp hộ dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
“Bên cạnh chính sách hỗ trợ trên, ngành Ngân hàng đã thực hiện vận động, hỗ trợ qua công tác an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp tại vùng lũ lụt để động viên người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất. Các TCTD trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ vùng bị thiên tai trên địa bàn. Cuối năm 2016, riêng hệ thống ngân hàng đã tài trợ đến vùng lũ khắc phục khó khăn là 2.938 triệu đồng, trong đó nguồn huy động tại địa phương là 178 triệu đồng và nguồn hỗ trợ từ trung ương là 2.760 triệu đồng” – NHNN cho biết.