Tất cả vì tổ viên nghèo
Xã Luận Khê thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) có 12 thôn, với 1.451 hộ dân, trong đó có đến 939 hộ nghèo vào thời điểm năm 2000, riêng thôn Nhàng nằm sâu cuối xã còn tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo chiếm trên 70%, nhiều gia đình người dân tộc Thái, Mường chỉ dựng tạm căn nhà trú ngụ khi mưa bão, thiếu thốn đủ bề quanh năm.
Mấy năm trở lại đây, được các chương trình, kế hoạch cụ thể, nhất là nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đầu tư, việc sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm của thôn được phát triển, cuộc sống của bà con đỡ nghèo khó nhiều.
Vốn ưu đãi đã giúp các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nhàng phát triển chăn nuôi hiệu quả |
Để làm nên sự đổi thay ở vùng quê rẻo cao miền tây xứ Thanh này có công sức đóng góp của những người làm tín dụng chính sách, đến việc thực hiện uỷ thác của các hội, đoàn thể xã Luận Khê và trực tiếp là việc bình xét, hướng dẫn việc vay vốn, sử dụng vốn vay của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nhàng.
Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nhàng được thành lập cùng thời gian NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đến vùng sâu, vùng xa, dưới sự quản lý của Hội Phụ nữa xã. Hiện tại, tổ có 41 thành viên tham gia sinh hoạt, số tiền vay là 1,1 tỷ đồng từ 9 chương trình tín dụng ưu đãi.
Thực tế cho thấy, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nhàng thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, tập hợp vận động hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hiểu rõ mọi chủ trương, chính sách, quy định, quy trình thủ tục liên quan đến việc vay vốn ưu đãi, thông qua đó giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả và hoàn trả nợ vay cho ngân hàng đúng hạn.
Trong các buổi họp định kỳ hàng tháng, tổ quan tâm hàng đầu đến khâu bình xét dân chủ, công khai, đúng đối tượng cho các hộ vay vốn. Hiện tượng nể nang, tình cảm cá nhân, vay ké, vay hộ dẫn đến sự thiếu công bằng, mất đoàn kết ở thôn Nhàng chưa bao giờ xảy ra.
Trong các buổi họp tổ đã mời cán bộ ngân hàng, kỹ sư nông nghiệp tới dự và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sử dụng vốn vay và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh.
Công tác tuyên truyền, phổ biến ở đây không chỉ đơn thuần đọc tài liệu hay giảng giải chung chung mà còn có những dẫn chứng, câu chuyện về gương điển hình, tranh ảnh minh họa giúp mọi người dễ hiểu, dễ tiếp thu nội dung hơn.
Cùng với đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nhàng cũng chú trọng vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm. Từ một vài hộ gửi số tiền nhỏ ban đầu, nay hầu hết các gia đình trong xóm đều hăng hái tham gia phong trào với mức gửi tối thiểu 50 nghìn đồng/tháng/hộ, nâng số dư tiền gửi tiết kiệm dành cho người nghèo là hơn 37 triệu đồng.
Nhờ chất lượng hoạt động ngày càng tốt lên, cùng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nên 100% người nghèo và đối tượng chính sách thôn Nhàng đều sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mua phân bón chăm sóc ruộng lúa, đồng ngô và sửa chữa, mở rộng xây dựng chuồng trại, mua thức ăn tổng hợp phát triển đàn gia súc, gia cầm.
Từ nguồn vốn vay mà nay trong Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nhàng đã có 11 hộ thoát cảnh nghèo khó đeo bám bấy lâu nay, không những vậy, một số thành viên trong tổ còn có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi lợn thịt, trâu bò sinh sản, thâm canh vườn đồi, vườn rừng.