Thách thức và cơ hội cho dệt may
Cơ hội dệt may từ CPTPP và bài toán liên kết | |
Xuất khẩu dệt may và những dấu mốc mới |
Ngày 26/4/2018 Bộ Công thương đã có Thông tư 21/2017 TT - BCT ban hành Bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về việc giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Kiểm định sản phẩm dệt may xuất khẩu |
Như vậy, cùng với quy định về dán nhãn cacbon trên sản phẩm dệt may xuất khẩu Việt Nam của Hoa Kỳ, châu Âu (EU) (yêu cầu các nhà nhập khẩu phải tính toán mức độ phát thải cacbon trên dây chuyền công nghệ sản xuất ra sản phẩm dệt may), DN dệt may Việt Nam bắt đầu đối mặt với những quy định kỹ thuật chặt chẽ cả ở thị trường xuất khẩu và nội địa.
Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội, để DN hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng trong nước.
Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Ứng phó biến đổi khí hậu và Tăng trưởng Xanh (Bộ Công thương) cho biết, đối với thị trường xuất khẩu hàng dệt may, yêu cầu về sản xuất tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường (thông qua quy định dán nhãn cacbon, trong đó yêu cầu các nhà nhập khẩu phải tính toán mức độ phát thải cacbon trên dây chuyền công nghệ sản xuất ra sản phẩm dệt may) đang được các thị trường chính của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU áp dụng.
Đa số DN dệt may hiện nay đã tiếp nhận yêu cầu dán nhãn cacbon trên sản phẩm từ nhà nhập khẩu. Đặc biệt, trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới (như CPTPP) Việt Nam đã ký kết, đều có yêu cầu về cam kết bảo vệ môi trường, phát thải cacbon thấp. Điều này cho thấy, đến lúc DN ngành dệt may Việt Nam hướng đến sản xuất hiện đại, sạch và giảm lượng phát thải, để phát triển bền vững.
Thực tế, phần lớn DN dệt may Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính thấp, nên vẫn duy trì hệ thống, công nghệ sản xuất cũ (trên 50% thiết bị ngành dệt, nhuộm, may là máy móc đã cũ từ năm 1996). Vì vậy mức độ tiêu hao năng lượng rất lớn. Trong khi ngành công nghiệp dệt may thế giới đang phát triển rất mạnh, việc sử dụng công nghệ xanh, sạch là xu hướng mới, mang lại hiệu quả cao cho DN.
Theo ông Nguyễn Thanh Hà, chuyên gia Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (US-AID) và Dự án Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (VLEEP), ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam đang là một trong những ngành có mức độ phát thải lớn khí nhà kính trên thế giới, chiếm 11% tổng nhu cầu năng lượng trong các ngành kinh tế công nghiệp của Việt Nam. Chi phí cho năng lượng của ngành dệt may là ngang bằng chi phí sản xuất. Trong khi Chính phủ Việt Nam đã cam kết cụ thể về cắt giảm phát thải khí nhà kính (giảm lượng phát thải hàng năm từ 8% - 25%).
Việc tiết kiệm năng lượng trong sản xuất dệt may được quan tâm hàng đầu. Bởi tiết kiệm năng lượng đồng nghĩa tiết kiệm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận DN, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường xuất khẩu.
Lợi thế của DN dệt may Việt Nam là US-AID đang hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện dự án VLEEP. Chương trình VLEEP có ba phần, xây dựng chiến lược năng lượng phát thải thấp, phát triển năng lượng tái tạo và áp dụng các giải pháp năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong công nghiệp và tuân thủ các quy định liên quan. Theo đó, DN dệt may có nhiều dòng sản phẩm và công đoạn sản xuất, tiêu thụ nhiều dạng năng lượng (than, khí nén) và điện năng là chủ yếu.
Chương trình VLEEP đang hỗ trợ 50 dự án DN tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến, năng lượng tái tạo hoặc các thiết bị sử dụng phế phẩm của ngành để tạo năng lượng. Dự kiến dự án VLEEP giúp tiết kiệm được 30% chi phí cho ngành dệt may. Đồng nghĩa, mỗi năm ngành dệt may Việt Nam có thể giảm 1 tỷ USD chi phí năng lượng, nhờ đó sẽ tăng đáng kể hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh trên thị trường.
Ở thị trường nội địa, từ ngày 1/1/2019 người tiêu dùng sẽ được dùng sản phẩm dệt may đạt yêu cầu chất lượng kỹ thuật và an toàn cho người sử dụng. Bởi lần đầu tiên Việt Nam có quy chuẩn quốc gia về giới hạn hàm lượng Formaldehyt và amin thơm (hai chất được xác định có khả năng gây ung thư cho người sử dụng nếu vượt quá hàm lượng cho phép) trong sản phẩm may mặc bán tại thị trường nội.
Cụ thể, Thông tư số 21/2017 TT-BCT Bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về việc giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Bộ quy chuẩn quy định, DN dệt may trước khi bán hàng ra thị trường nội địa, phải công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (CR), cho sản phẩm.
Bảng hợp quy này thể hiện mức giới hạn hàm lượng hai chất Formoldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không vượt quá giới hạn cho phép ở sản phẩm may mặc dành cho trẻ em, sản phẩm may mặc tiếp xúc trực tiếp với da... Khi bán sản phẩm, DN tự công bố hợp quy dựa trên chứng nhận của tổ chức giám định.
DN ngành dệt may đang đứng trước những yêu cầu thay đổi quan trọng cả ở thị trường xuất khẩu và nội địa. Nếu nhà nước và các tổ chức quốc tế tạo điều kiện để DN phối hợp nhà khoa học, tổ chức tín dụng tiếp cận công nghệ mới, đổi mới để sản xuất sạch hơn, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu. Còn lại thị trường nội địa, cũng đã có tiêu chuẩn chất lượng cụ thể, để DN tạo dấu ấn chất lượng với người tiêu dùng.