Cơ hội dệt may từ CPTPP và bài toán liên kết
Ngành dệt may: Thúc đẩy các FTA để phát huy lợi thế | |
Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm đến dệt may | |
Áp lực lao động dệt may trong CMCN 4.0 |
Công ty CP Dệt May Liên Phương (LPTEX) và Tập đoàn TAKISADA - NAGOYA - Nhật Bản (TAKISADA) đã ký kết hợp đồng độc quyền phân phối sản phẩm vải len chải kỹ dùng để may Veston vào thị trường Nhật Bản. Cùng với dự kiến sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD để đầu tư giai đoạn 2 gồm nhà máy sợi và nhà máy nhuộm nhằm khép kín dây chuyền sản xuất trong năm 2018, Tổng Giám đốc LPTEX ông Lê Thanh Liêm cho biết, đơn vị đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà sản xuất vải len chải kỹ cao cấp hàng đầu tại Việt Nam và khu vực, cùng với tôn chỉ chất lượng Ý và tiêu chuẩn Nhật Bản.
Nếu mục tiêu này thành công sẽ không chỉ đem lại lợi thế cạnh tranh cho LPTEX mà còn cho cả TAKISADA khi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Nhật Bản có hiệu lực, và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được ký kết.
Ảnh minh họa |
Theo phân tích của CTCK FPT trong lĩnh vực dệt may, CPTPP là khu vực thị trường lớn thứ 2, chỉ sau Mỹ (47%). Các quốc gia trong khối như Canada, Nhật Bản, Mexico, Australia, New Zealand, Singapore hiện phụ thuộc lớn vào hàng dệt may nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Chính vì vậy, khi CPTPP có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam khi hiện nay chưa có hiệp định thương mại song phương nào được ký kết.
Cánh cửa vào Nhật Bản vẫn được xem là rộng nhất khi đây là đối tác nhập khẩu và xuất khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam trong khối CPTPP. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng dệt may tới thị trường này đạt khoảng 3 tỷ USD và 1 tỷ USD (chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam và nhập khẩu từ các nước CPTPP).
Đáng nói là đối thủ lớn nhất là Trung Quốc với cơ cấu nhập khẩu 65% hàng may mặc tại thị trường này đang có sự giảm mạnh về lượng từ 25 tỷ USD năm 2012 xuống khoảng 17 tỷ USD năm 2016, tốc độ suy giảm 9,5%/năm), trong khi đó hàng nhập khẩu từ Việt Nam đang tăng dần (từ 2 tỷ USD năm 2012 lên 3,2 tỷ USD năm 2017, tốc độ tăng trưởng 10%/năm) hiện đạt 12% thị phần.
Việc toàn bộ hàng may sẽ được miễn thuế kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực, ngoại trừ một số mặt hàng sẽ được miễn thuế sau 11 năm sẽ là cơ hội tốt cho hàng dệt may Việt Nam mở rộng thị phần với kỳ vọng tăng trưởng từ thị trường này tối thiểu đạt 10%/năm.
Theo công ty chứng khoán FPT, May Thành Công và Tổng công ty Phong Phú là các đơn vị có chuỗi sản xuất khép kín sợi-dệt-nhuộm-may, đáp ứng được yêu cầu “từ sợi trở đi” để được hưởng ưu đãi về thuế từ các nước thành viên CPTPP.
Với Canada, Việt Nam được xếp trong nhóm nước xuất khẩu mặt hàng may mặc nhiều nhất trong năm 2017. Dù xuất khẩu Việt Nam hiện vẫn đứng sau Bangladesh (12%), Campuchia (9%) và Việt Nam (8%). Song, FPTS phân tích mảng hàng giá thấp đến trung bình chiếm thị phần đáng kể trong nhập khẩu cùng nhu cầu về hàng may mặc làm từ sợi tự nhiên, ở mức giá cạnh tranh là thị trường tiềm năng đối với mặt hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam. Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa kí kết hiệp định thương mại song phương nào với Canada. Vì vậy, trong 69,4 triệu USD nhập khẩu tăng của nước này trong năm 2018, các chuyên gia cho rằng chủ yếu từ Việt Nam.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 110 triệu USD năm 2018. Tại thị trường Úc, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 3 về hàng dệt may (chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh), tuy nhiên do các dòng thuế trong ngành dệt may về mức 0% trừ các mã không được hưởng ưu đãi theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia/New Zealand, nên CPTPP không đem lại các cơ hội đột phá. Nhưng, tác động cộng gộp từ 2 hiệp định này sẽ khiến nâng cao lợi thế cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam so với Trung Quốc và Bangladesh.
Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh thấp và thực trạng nguyên liệu nhập khẩu tới 80% nguyên liệu chủ yếu từ những nước không tham gia CPTPP, trong đó nhập khẩu vải từ Trung Quốc chiếm 50% đang là thách thức đối với Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan do yêu cầu xuất xứ “từ sợi trở đi” với công đoạn sản xuất từ sợi – dệt - nhuộm – may cần được thực hiện tại các nước thành viên CPTPP. Trong khi đó, nội khối các nước CPTPP có nhiều nước mạnh và đi trước Việt Nam về xuất khẩu dệt may và tự chủ được nguyên liệu như Mexico, Peru, Malaysia… Họ vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam.
Trước bài toán này câu chuyện liên kết nội địa và nội khối đang được các chuyên gia khuyến nghị đối với các DN dệt may Việt Nam. Cùng với những nỗ lực tự thân, DN cần chủ động liên kết với các DN FDI, tham gia chuỗi khi tỷ trọng của khối này chiếm 40% số lượng nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 62% trong ngành. Và để hỗ trợ tiến trình này, Nhà nước cần tạo lập chính sách, xây dựng sân chơi bình đẳng, giảm thiểu thủ tục hành chính và thủ tục xuất nhập khẩu, lao động để tránh được sự lép vế của DN Việt trên chính sân nhà.