Xuất khẩu dệt may và những dấu mốc mới
Ngành dệt may: Thúc đẩy các FTA để phát huy lợi thế | |
Ngành dệt may trước thách thức hội nhập |
Năm 2017 vừa đi qua với nhiều thách thức với ngành dệt may Việt Nam. Tình hình kinh tế thế giới dù cải thiện với tăng trưởng cao hơn năm 2016, thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực.
Tuy nhiên, nếu nền kinh tế lớn chuyển trạng thái sang thắt chặt tiền tệ (hoặc giảm các gói nới lỏng định lượng), làm tăng giá trị nội tệ và khiến USD mất giá so với các đồng tiền chủ chốt khác (USD Index giảm khoảng 9% trong năm 2017). Trong bối cảnh đó, thị trường dệt may thế giới chịu tác động rất mạnh.
Năm vừa qua, tổng nhu cầu của thế giới đối với hàng dệt may giảm 0,85% so với năm 2016. Trong đó, đáng chú ý là một số thị trường lớn có dấu hiệu giảm cầu rõ rệt như: nhập khẩu dệt may của Mỹ giảm 0,2%, của EU giảm 0,3%... Riêng với Việt Nam, thách thức không chỉ vậy mà một số cơ hội tưởng chừng đang mở ra đã đóng ngay lại, ví dụ trường hợp Hiệp định TPP, khiến hoạt động xuất khẩu dệt may trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn.
Tác động đến Việt Nam, đơn giá gia công ngày càng giảm, nhất là đối với các đơn hàng tiêu chuẩn như áo sơ mi, quần âu. Thống kê cho thấy giá các mặt hàng này giảm trung bình từ 10-15% trong năm 2017 và được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trong khi đó, chi phí sản xuất tại Việt Nam tăng mạnh, bao gồm giá điện mới được điều chỉnh, tiền lương tăng theo quy định, chi phí vận chuyển tăng lên...
Tuy nhiên, kết quả đến cuối năm vẫn khá ấn tượng. Kết thúc năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu hàng dệt may đạt kim ngạch trên 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Đóng góp vào kết quả chung đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, tăng trưởng trên 10%, vượt 2,7% so với kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu do Thủ tướng Chính phủ giao.
Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường, điểm qua bức tranh xuất khẩu dệt may 2017 với niềm tự hào: các thị trường quan trọng đối với xuất khẩu dệt may của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đạt mức tăng trưởng tốt; một số thị trường mới được mở ra với nhiều cơ hội như Trung Quốc, Campuchia… Tính đến nay, ngành dệt may Việt đã có 6 thị trường xuất khẩu tỷ USD, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Với nhiều cải cách hiệu quả về quản lý sản xuất, trang bị máy móc theo hướng hiện đại và tự động hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh, kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, cam kết và thực thi giao hàng đúng hạn đã giúp nâng vị thế của ngành dệt may Việt Nam. Hiện tại, nhiều khách hàng lớn đều ưu tiên cao và coi Việt Nam là trung tâm cung cấp mỗi khi đặt hàng.
Bước sang năm 2018, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với dệt may Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, các xung đột chính trị vẫn còn, chính sách thắt chặt tiền tệ tiếp tục được duy trì tại một số ngân hàng trung ương, giá hàng hóa dự báo ít biến động…
Những diễn biến trên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành dệt may. Theo một số chuyên gia, nhu cầu hàng dệt may toàn cầu trong năm nay có thể không tăng so với năm 2017. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho ngành dệt may Việt Nam lại hết sức nặng nề: phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 34 tỷ USD, tăng trưởng 10%.
Để đạt được mục tiêu kể trên, các giải pháp về nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường đang được ngành này tính đến. Theo ông Trường, với một số thị trường tiềm năng hiện có thể khai thác, mở rộng thêm là Nga và Úc. Hiện tại với thị trường Nga, ngành dệt may đang vướng bài toán về ngân hàng. Các DN tại Nga khi mua hàng không thể thanh toán trực tiếp mà phải qua ngân hàng của một nước thứ ba.
Trong khi đó, thị trường Úc cũng đang có nhiều cơ hội cho dệt may Việt Nam, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được tiếp tục đàm phán để thông qua. Với hai cơ hội này, nếu tận dụng được thì DN dệt may sẽ mở ra thêm thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vấn đề công nghệ, nhân lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt DN dệt may Việt Nam trước nhiều thách thức lớn, nếu không thay đổi có thể “hụt hơi” trước các đối thủ. “Nếu các DN Việt Nam không chuyển mình thì sẽ tự đánh mất cơ hội và không còn khả năng cạnh tranh từ khoảng năm 2020”, ông Trường đánh giá.