Thăm nơi một thời giữ yên giấc ngủ của Bác
Không chỉ là căn cứ địa của Trung ương, Khu di tích K9 - Đá Chông (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội), còn là nơi một thời giữ yên giấc ngủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lưu lại nhiều kỷ niệm gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Bác trong những năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Cũng bởi thế, cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), người dân và du khách lại tìm đến đây để tri ân công ơn trời biển của Người.
Bác Hồ cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tây đi khảo sát xây dựng các công trình bí mật |
Khu Di tích K9 nằm trong quần thể dãy núi Ba Vì, có độ cao trung bình từ 40 - 50m, riêng đỉnh núi U Rồng cao hơn 130m, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 70km về phía Tây. Trong thời kỳ Pháp thuộc (từ năm 1938 - 1942), nơi đây là đồn điền Satupô do một kỹ sư canh nông người Pháp cai quản để trồng thông và khai thác quặng. Ngày nay, khu vực này còn giữ được nhiều đồi thông có độ tuổi gần 100 năm, xen kẽ với những cây gỗ cao, tán rộng tạo thành những vạt rừng rậm rạp.
Những năm 1946 - 1954, nơi đây là khu căn cứ kháng chiến “Ba Vì” của tỉnh Sơn Tây (cũ). Năm 1957, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật "Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị", Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương.
Một năm sau, Bác Hồ quyết định chọn nơi đây để xây dựng làm căn cứ của Trung ương. Ban đầu công trình chỉ là nhà cấp 4, sau đổi tên thành Công trường 5, xây dựng tiếp 3 khu vực: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí Trung ương nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ. Quá trình thi công, Bác Hồ đã lên thăm, động viên công nhân và kiểm tra nhiều lần. Sau khi xây dựng xong, toàn bộ khu vực được giao cho Văn phòng Chủ tịch phủ quản lý và được đổi tên là K9.
Bác Hồ nghỉ trưa tại Đá Chông tháng 5/1957 |
Khu Di tích K9 còn là nơi Bác Hồ tiếp các vị khách quốc tế đặc biệt, cử chỉ rất thân tình của Bác đối với nhân dân Liên Xô và nhân dân Trung Quốc anh em. Ngày 13/3/1961, Bác Hồ đón tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu - Phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai dẫn đầu và đồng chí Hà Vỹ. Tại đây, bà Đặng Dĩnh Siêu đã trồng 2 cây ngọc lan, 1 cây quýt và chụp ảnh lưu niệm. Buổi trưa hôm đó, Bác Hồ mời đoàn dùng cơm và nghỉ tại phòng khách ngôi nhà 2 tầng.
Ngày 24/1/1962, Bác cùng Đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô, do Anh hùng phi công vũ trụ G.M Ti-tốp dẫn đầu đi bằng máy bay trực thăng lên thăm khu vực Đá Chông. Bác và Anh hùng G.M Ti-tốp trồng 2 cây vàng anh. Buổi trưa, Bác Hồ mời đoàn dùng cơm và nghỉ tại nhà khách ở Đá Chông. Hiện nay 2 cây vàng anh do Bác và Anh hùng G.M Ti-tốp trồng vẫn bốn mùa xanh lá, trổ hoa thơm ngát, tượng trưng cho tình bạn, tình đồng chí thủy chung của nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ngày 2/9/1969, Hồ Chủ tịch qua đời, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định xây dựng Lăng của Người để các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế được đến viếng Người. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xây dựng Công trình 75A tại Quân y viện 108, Thủ đô Hà Nội để bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác trước khi xây dựng Công trình Lăng.
Song từ cuối năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định, Đá Chông được là nơi bảo vệ giấc ngủ của Bác. Bởi, nơi đây nằm trong dải rừng nối liền với núi Ba Vì. Từ trên cao nhìn xuống, các công trình ở đây nằm trong một vệt rừng và cũng không có những đặc điểm địa hình khác biệt, dễ bị chú ý, nên có nhiều thuận lợi trong việc giữ bí mật.
Sau hơn 3 tháng thi công, ngày 15/12/1969, công trình phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác gồm có phòng giữ gìn thi hài, hầm ngầm đã hoàn thành, mang mật danh K84. Trong 6 năm chiến tranh ác liệt và đề phòng thiên tai lũ lụt đe dọa (1969 - 1975), đoàn 69, đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện trọn vẹn 6 lần di chuyển thi hài Bác vào các năm 1969, 1970, 1971, 1972, 1973 và lần cuối vào ngày 18/7/1975, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác rời K84 về Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội.
Hai phiến đá này được gọi là đá chông. Theo thuật phong thủy đây là 2 phiến đá chặn sự hung dữ của sông Đà |
Sau khi đón Bác về Lăng, K9 trở thành căn cứ dự phòng phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo Khu Di tích K9 được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng giao cho Đội 285 (tiền thân của Đoàn 285 hiện nay).
Đầu năm 1995, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII), sau khi báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức đón tiếp các cơ quan, đơn vị, đoàn thể địa phương vào tham quan Khu Di tích K9, góp phần tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những công việc thầm lặng của Bộ đội Bảo vệ Lăng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt.
Ẩn sau cảnh vật là bóng hình người cha già của dân tộc đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng. Trong hơn 20 năm qua, Khu Di tích K9 đã đón tiếp hàng nghìn lượt khách đến thăm. Nơi đây trở thành di tích có giá trị rất lớn về lịch sử - văn hóa, nơi giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của các thế hệ người dân Việt Nam.