Thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương: Bài 1: Những tín hiệu lạc quan
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt: Ngân hàng đồng hành cùng trường học, bệnh viện | |
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt: Ngân hàng không thể “đơn thương độc mã” |
Giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đang tăng khá nhanh |
Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động tăng mạnh
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động tăng trưởng mạnh, tính đến 31/3/2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018; giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 97,75% số lượng giao dịch và 232,3% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Đến nay có 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với cơ quan Thuế, Hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai Đề án phối hợp với các ngân hàng để thu hộ tiền khám chữa bệnh.
Đây là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực của các cấp chính quyền trong thời gian qua đã, đang và sẽ đạt được những kết quả như kỳ vọng. Hơn nữa, những con số “biết nói” nêu trên đã phần nào phản ánh chân thực những thay đổi trong thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Cũng giống nhiều hộ gia đình đang sống tại cù lao An Bình (xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), nhà chị Võ Thị Út cách điểm giao dịch ngân hàng vài km nên để thực hiện các giao dịch ngân hàng, chị thấy khá vất vả mỗi khi thanh toán tiền hàng với khách ở xa. Tuy nhiên, từ khi sử dụng ứng dụng ngân hàng qua di động (Internet banking) và ví điện tử, việc chuyển tiền, nạp hay rút tiền của chị đều dễ dàng. Tất cả thao tác với khách hàng chỉ cần qua chiếc điện thoại có kết nối Internet là hoàn tất.
Câu chuyện của chị Út cho thấy, các phương thức thanh toán hiện đại đang dần đi sâu vào cuộc sống, lan tỏa tới tận vùng sâu, vùng xa, góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân.
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre, đến cuối tháng 11 năm 2019, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn phải chấp nhận thanh toán học phí không dùng tiền mặt, Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre vừa tổ chức hội nghị Hướng dẫn thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2019-2020.
Thầy Nguyễn Văn Chỉnh, Hiệu trưởng trường THPT Phan Liêm chia sẻ: Áp dụng thu học phí không dùng tiền mặt thông qua hệ thống ngân hàng là phù hợp với xu thế hiện nay. Việc này giúp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu và quản lý tài chính của nhà trường. Thời gian qua, giáo viên chủ nhiệm là người thực hiện công tác thu học phí, sau chuyển đổi hình thức thanh toán này sẽ giảm lượng công việc để cho giáo viên đảm bảo được chất lượng giảng dạy thông suốt. Ngoài ra, bộ phận kế toán, thủ quỹ của nhà trường cũng sẽ giảm tải được lượng lớn công việc.
Nhiều địa phương tích cực triển khai
Nói vậy không có nghĩa là việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công, thanh toán học phí, tiền điện, tiền nước… mới chỉ được áp dụng gần đây mà tại nhiều địa phương đã bắt kịp xu hướng áp dụng hình thức thanh toán này từ rất sớm.
Điển hình như ngành điện lực Ninh Bình, từ năm 2015 đến nay, Công ty Điện lực Ninh Bình đã áp dụng các biện pháp tích cực nhằm vận động khách hàng chuyển đổi hình thức thanh toán tiền điện bằng tiền mặt truyền thống sang thanh toán bằng các hình thức không dùng tiền mặt.
Tính đến hết quý I/2019, Công ty Điện lực Ninh Bình đã có 25.142 khách hàng thanh toán tiền điện bằng các hình thức không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 7,83% số khách hàng. Trong đó, hình thức trích nợ tự động qua ngân hàng có 14.822 khách hàng; hình thức UNC/UNT có 4.308 khách hàng; thanh toán qua Bankplus có 6.009 khách hàng và thanh toán qua VNPay: có 3 khách hàng.
Gần hơn một chút, tại Vĩnh Phúc, một địa phương nằm cách Thủ đô Hà Nội chỉ hơn 50km, mạng lưới ATM, POS cũng đang được chú trọng phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng dịch vụ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 204 máy ATM, 632 POS tại các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng bán lẻ... tạo điều kiện cho người dân, khách du lịch thanh toán, sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Anh Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên Siêu thị Co.opmart (TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Trên thực tế, nhiều khách hàng đã có những thay đổi trong tâm lý khi lựa chọn hình thức thanh toán hóa đơn, sử dụng POS, VNPay, mã QR... ngày càng nhiều. Việc sử dụng các hình thức này không chỉ tiện lợi và nhanh chóng cho khách hàng mà còn cho cả nhân viên siêu thị. Hơn nữa, không giống như thanh toán bằng tiền mặt, ngay cả khi khách hàng mua những món hàng nhỏ như nước suối, cà phê... cũng sẽ được áp dụng mã giảm giá.
Như vậy có thể thấy, thanh toán không dùng tiền mặt không còn là câu chuyện quá xa vời, chỉ tồn tại ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà nó đang thực sự hiện hữu hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống của người dân khắp mọi miền của đất nước.