Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt: Ngân hàng không thể “đơn thương độc mã”
Xu thế ngân hàng số là tất yếu | |
Ví điện tử sẽ tiết kiệm phát hành tiền mệnh giá nhỏ |
NAPAS, CIC giảm phí và giá sản phẩm tạo điều kiện cho các TCTD giảm phí dịch vụ |
Vai trò quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã được nêu trong các Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Trong năm 2019, Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng phải tập trung đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công cấp độ 4. Thúc đẩy TTKDTM đặt ra đòi hỏi không nhỏ từ phía các TCTD trong xây dựng chính sách phí dịch vụ hợp lý cho khách hàng, khuyến khích khách hàng trải nghiệm. Và để các TCTD có thể “hiện thực hoá” điều này, sâu xa hơn cần có sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, đơn vị liên quan.
Đồng hành cùng hệ thống TCTD
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã nhấn mạnh việc đơn vị này cần phát huy vai trò dẫn dắt thị trường, thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử, hỗ trợ hiệu quả công tác triển khai dịch vụ công cấp độ 4. Theo thông tin phía NAPAS, hiện các sản phẩm dịch vụ chính được đơn vị này cung cấp gồm: chuyển mạch thẻ nội địa; cổng thanh toán; chuyển mạch thẻ quốc tế; hỗ trợ thu hộ, chi hộ điện tử; thanh toán và bù trừ điện tử; chuyển tiền nhanh 24/7; kiểm tra tính đáp ứng tiêu chuẩn VCCS.
Triển khai Chỉ thị 01/CT-NHNN của Thống đốc, kể từ ngày 1/3/2019 NAPAS thực hiện giảm đến 100% phí dịch vụ chuyển mạch (mức thu bằng 0 đồng) tùy theo loại giao dịch đối với các tổ chức thành viên là các ngân hàng sở hữu mạng lưới chấp nhận thanh toán - sớm hơn hai năm so với lộ trình đặt ra ban đầu. Đây cũng là lần thứ hai NAPAS thực hiện điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển mạch trước thời hạn.
Trước đó ngày 1/3/2018, NAPAS điều chỉnh giảm đến 25% phí dịch vụ chuyển mạch (tùy theo loại giao dịch) cho các ngân hàng thành viên so với mức phí dịch vụ trước sáp nhập. Thực hiện Thông tư số 41/2018/TT-NHNN quy định lộ trình chuyển đổi thẻ ngân hàng sang thẻ tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa, ngày 28/5/2019 NAPAS cùng với 7 NHTM chính thức ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa của các ngân hàng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển NAPAS cho biết: trong năm 2019, sẽ có khoảng 30% số lượng thẻ ATM chuyển đổi sang thẻ chip; tới năm 2021 thì toàn bộ 75 triệu thẻ ATM sẽ được chuyển đổi.
Và để hỗ trợ cho các ngân hàng hoàn thành mục tiêu chuyển đổi, NAPAS tiếp tục giảm từ 47% - 80% phí dịch vụ chuyển mạch (tùy theo loại giao dịch) cho các ngân hàng thành viên hoàn thành các điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi thẻ từ sang theo tiêu chuẩn thẻ chip nội địa từ 1/5/2019. NAPAS cũng cho biết kể từ 1/10/2019, đơn vị này sẽ thực hiện giảm tiếp 25% phí dịch vụ chuyển mạch cho các ngân hàng thành viên triển khai kết nối với hệ thống thanh toán bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ (ACH) của NAPAS.
Cùng với NAPAS, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) ngày 17/4/2019 đã ban hành Quyết định số 105/QĐ-TTTD về việc giảm giá với các sản phẩm thông tin tín dụng (TTTD). Theo đó giảm 10% so với mức giá quy định tại hợp đồng đã ký. Đây là lần giảm giá thứ 4 của CIC được ghi nhận trong vòng gần 3 năm trở lại đây. Ngoài ra, so với mức giá sản phẩm tương ứng cung cấp cho TCTD, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô được giảm thêm 20%, Ngân hàng Chính sách xã hội giảm thêm 50%.
Không chỉ dừng lại ở việc giảm giá sản phẩm, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, minh bạch hoá thông tin liên quan đến các dịch vụ ngân hàng, việc mở rộng kho thông tin tín dụng cũng là một trong những nhiệm vụ được CIC chú trọng triển khai.
Lãnh đạo CIC cho biết, hiện CIC đã thu thập được thông tin từ 122 đầu mối TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trên 1.100 quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô chính thức và trên 47 tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động TTTD. Tổng số khách hàng trong kho dữ liệu của CIC hiện có trên 41 triệu khách hàng.
Phó tổng giám đốc CIC Cao Văn Bình cho biết, CIC đã và đang tích cực phối hợp với các tổ chức ngoài ngành để trao đổi thông tin, mở rộng kho dữ liệu. Đồng thời triển khai phương án chia sẻ thông tin với các đơn vị tiện ích như: Bảo hiểm xã hội, các công ty viễn thông/điện/nước, các công ty Fintech, các tổ chức tài chính vi mô… đảm bảo tính pháp lý và bảo mật an toàn thông tin.
Ngân hàng thêm cơ sở giảm chi phí
Trao đổi với các chuyên gia và lãnh đạo một số NHTM, tất cả đều nhận thấy, động thái giảm phí từ phía NAPAS và giảm giá sản phẩm của CIC đã góp phần hỗ trợ cho các TCTD tiết kiệm chi phí, từ đó tạo điều kiện giảm phí dịch vụ, giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của Chính phủ và NHNN, gia tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khách hàng.
Theo ghi nhận trên thị trường, rất nhiều nhà băng đang đồng loạt có chương trình giảm phí dịch vụ. Đơn cử như VIB vừa ra mắt dòng thẻ tín dụng VIB Zero Interest Rate miễn lãi trọn đời cho mọi giao dịch chi tiêu thẻ. Nhà băng này cũng triển khai chương trình miễn toàn bộ phí rút tiền ATM và phí chuyển tiền cho khách hàng. Hay Techcombank với chương trình Zerofee miễn toàn bộ phí đối với các giao dịch eBanking trên ngân hàng điện tử.
MSB có gói tài khoản M1: khách hàng được miễn các khoản phí như phí thường niên, phí phát hành thẻ tín dụng, phí rút tiền cùng thành phố... Eximbank cũng miễn phí hoàn toàn khi đăng ký gói truy vấn dịch vụ Internet Banking, miễn phí chuyển khoản ngân hàng điện tử cùng hệ thống. SHB dành nhiều ưu đãi cho tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân có số dư bình quân tháng từ 50 triệu đồng như miễn phí dịch vụ chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 thông qua Internet Banking, Mobile Banking và dịch vụ rút tiền từ ATM ngân hàng khác qua thẻ ghi nợ nội địa của SHB…
Tích cực hơn, từ 1/8/2019, nhiều NHTM chính thức điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với nhiều đối tượng doanh nghiệp. Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đều có động thái giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Với khối NHTMCP, VPBank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với DNNVV với khoản vay tín chấp và 0,5%/năm với các khoản vay có tài sản bảo đảm. Đại diện VPBank cho biết, việc giảm lãi suất lần này ngân hàng kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và khơi thông nguồn vốn trong giai đoạn hiện nay.
ACB cũng đã công bố gói vay 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm kể từ ngày 1/8/2019, gồm chương trình ưu đãi SME 2019 và chương trình tín dụng kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dành cho khách hàng doanh nghiệp. MB triển khai hai gói cho vay ngắn hạn VND: Gói 3.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 6,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; Gói 4.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 7-7,5%/năm cho DNNVV. Techcombank ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn VND cho DNNVV với mức lãi suất giảm khoảng 0,5% so với mức hiện tại, đưa mức lãi suất cho vay mới trung bình về khoảng 7,5%/năm, áp dụng đến 31/12/2019.
Chuyên gia cũng chia sẻ thêm rằng, bên cạnh nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, việc các nhà băng đang tích cực đẩy mạnh triển khai dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ mới trong cung cấp sản phẩm dịch vụ cũng giúp ngân hàng giảm chi phí, gia tăng tiện ích, từ đó nâng cao lợi nhuận. Khách hàng khi được hưởng lợi từ các sản phẩm, dịch vụ số mà ngân hàng mang tới với chi phí phải chăng hơn sẽ có nhu cầu sử dụng TTKDTM nhiều hơn.