Tháo gỡ khó khăn cho tín dụng nông nghiệp nông thôn
Ảnh minh họa |
Ngoài ngân hàng thương mại, đối tượng áp dụng của thông tư này còn có hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Đây được xem là đòn bẩy tháo gỡ khó khăn cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn.
Nghị định 55 quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân nông thôn.
Nghị định có nhiều điểm mới như mở rộng đối tượng được hưởng chính sách đối với các cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng mức xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo trong nông nghiệp (mức vốn có thể được vay từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng), cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới…
Các quy định này nhằm khuyến khích các TCTD đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất.
QTDND hoạt động với mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên nhằm thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống của các thành viên. Các QTDND hoạt động trên địa bàn phường, xã; đối tượng cấp tín dụng chủ yếu là cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, do đó các món cho vay thành viên thường nhỏ, tài sản đảm bảo chủ yếu là đất đai hoặc cây trồng vật nuôi.
Tuy nhiên, đất đai tại các vùng nông thôn thường không đầy đủ về mặt pháp lý vì vậy không đủ điều kiện cho vay theo quy định của tổ chức tín dụng, hoặc nếu đủ điều kiện được vay thì giá trị khoản vay thường nhỏ không đáp ứng được nhu cầu của hoạt động tổ chức kinh doanh. Trường hợp tài sản đảm bảo khoản vay là tài sản hình thành từ vốn vay, thường là cây trồng vật nuôi, nhưng những tài sản này có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào do thiên tai, dịch bệnh. Thông tư 10/2015/TT-NHNN và Nghị định 55/2015/NĐ-CP ra đời đã giải quyết được vấn đề này.
Cụ thể, Thông tư 10/2015/TT-NHNN quy định rõ về chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho vay; việc cơ cấu lại thời hạn nợ; cho vay mới; hồ sơ, trình tự thủ tục khoanh nợ, xóa nợ; tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với tài sản đảm bảo của khoản vay nông nghiệp, nông thôn. Khách hàng vay vốn không có tài sản đảm bảo vẫn được tiếp cận nguồn vốn này. Trường hợp thành viên vay vốn chưa trả được khoản vay cũ như gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan bất khả kháng có thể được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và có thể tiến hành cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với những khách hàng có dự án, phương án khả thi.
Trong những năm qua, với hơn 1.100 QTDND hoạt động trên 56 tỉnh, thành phố trong cả nước đã góp phần phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới, góp phần tương trợ thành viên trên địa bàn hoạt động. Hệ thống QTDND thời gian qua đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong quá trình tạo lập nguồn vốn và luân chuyển vốn cho phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt phù hợp với đặc điểm nông nghiệp nông thôn Việt Nam và dần khẳng định vị thế của mình trong việc hỗ trợ thành viên phục vụ phát triển kinh tế.
Với các quy định mới, tài sản đảm bảo trong việc vay vốn được nới lỏng, giúp QTDND tháo gỡ khó khăn về giao dịch tài sản đảm bảo, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay dễ dàng, từ đó đưa chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn của Nhà nước đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.