Vật tư nông nghiệp kém chất lượng: Vấn nạn nan giải
Vẫn nan giải nạn phân bón kém chất lượng | |
Thuế không phải là nguyên nhân phát sinh hàng kém chất lượng, hàng giả |
Địa bàn Tây Nguyên là một trong những “mảnh đất” màu mỡ để các đối tượng làm ăn phi pháp hoạt động. Đây là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng diễn biến khó lường |
Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đăk Lăk, hàng năm, cơ quan này xử lý và tịch thu hàng chục tấn, thậm chí có năm lên đến cả trăm tấn phân bón kém chất lượng và nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm pháp luật. Trong đó, phổ biến là tình trạng phân bón quá hạn sử dụng; cơ sở không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá tại địa điểm niêm yết giá, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, để phân bón tiếp xúc với nền đất...
Điều này cho thấy, nếu số lượng phân bón này được bán trót lọt ra thị trường sẽ dẫn đến thiệt hại lớn cho người nông dân, vừa mất tiền, vừa gây ảnh hưởng tiêu cực đến các loại cây trồng. Để ngăn chặn, giảm thiểu vấn nạn trên, cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra để kịp thời phát hiện xử lý. Song sau các đợt ra quân truy quét, thì thị trường “đâu lại vào đấy”, khó kiểm soát xử lý triệt để.
Điển hình, qua kiểm tra đột xuất kho hàng của đại lý phân bón do ông Trần Văn Thiện, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) làm chủ, Chi cục QLTT Đăk Lăk phát hiện trên 7.000 bao phân NPK 8-2-8 + TE, với khối lượng gần 200 tấn được sản xuất tại Nhà máy phân bón Thiên Nông đã hết hạn sử dụng hơn 2 năm.
Mặc dù, khối lượng lớn phân bón này hết thời hạn sử dụng từ lâu nhưng chủ đại lý vẫn còn lưu giữ trong kho, đang chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt, sau khi lấy mẫu kiểm định chất lượng thì phát hiện 100% số phân bón nói trên không có đủ hàm lượng dinh dưỡng như đã ghi trên bao bì.
Hay như qua quá trình sử dụng, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum phát hiện DN tư nhân sản xuất và thương mại Lợi Nông Kon Tum (Kon Tum) bán ra thị trường loại phân bón không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trước tình trạng này, nông dân địa phương làm đơn tố giác với cơ quan chức năng. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum phát hiện và bắt quả tang DN này sản xuất, kinh doanh phân bón nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất theo quy định.
Trước những việc làm sai trái này, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định 509/QĐ-XPVPHC xử phạt 275 triệu đồng đối với DN vì những vi phạm hành chính trong sản xuất và kinh doanh phân bón. Trong đó, phạt 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính về sản xuất, gia công phân bón khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất, gia công phân bón; phạt 200 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính về sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đã ra quyết định tịch thu và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm là 28,87 tấn phân hữu cơ, trị giá 69,7 triệu đồng; tịch thu phương tiện, công cụ sử dụng để sản xuất hàng giả như băng chuyền bằng kim loại phục vụ sản xuất phân bón. Đồng thời, đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất phân bón của DN trong 18 tháng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm 17 triệu đồng.
Hai vụ việc nói trên, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng được cơ quan quản lý nhà nước phát hiện tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Tây Nguyên là một trong những vùng có hoạt động sản xuất nông nghiệp lớn, hầu hết người dân đều sống nhờ vào nghề nông. Đồng thời, địa bàn này rộng, lực lượng chức năng mỏng, do đó, các cơ sở làm ăn phi pháp thường lợi dụng điều kiện này để hoạt động.
Một yếu tố khác cũng khiến khó kiểm soát hoạt động mua bán, kinh doanh phân bón vật tư nông nghiệp là cơ chế quản lý và nhiều văn bản quản lý nhà nước còn chồng chéo nhau. Theo Chi cục QLTT Đăk Lăk, nạn phân bón giả, kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường khiến nông dân chịu thiệt hại. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm ở lĩnh vực này hiện vẫn còn nhiều lúng túng.
Dù cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các cơ sở vi phạm, song nạn buôn bán, vận chuyển phân bón giả, kém chất lượng vẫn xảy ra thường xuyên và có diễn biến phức tạp. Nguyên nhân được xác định là do các quy định về kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực này còn chồng chéo, dẫn đến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn; các chế tài chưa đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm.
Vậy nên, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng thông qua việc lấy mẫu để giám định, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự… Đi cùng với đó là cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, để thống nhất trong công tác xử lý, tránh chồng chéo cho các lực lượng thực thi pháp luật tại cơ sở.