Thay đổi cách thức để không tạo đặc quyền
Hỗ trợ DNNVV: Phải tính toán đến nguồn lực quốc gia | |
Đột phá tư duy để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa | |
Quốc hội thảo luận dự án Luật Hỗ trợ DNNVV |
Mặc dù đã liên tục được chỉnh lý, sửa đổi, song tới thời điểm hiện tại, bản dự thảo mới nhất của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn chưa làm thoả lòng cộng đồng DN, đối tượng thụ hưởng chính của luật. Tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Hỗ trợ DNNVV do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 13/4, các đại diện DN đều tỏ ra nghi ngại vì nội dung của luật quá dàn trải và thiếu tính khả thi.
Lo luật quá “ôm đồm”
“Luật dài và hoành tráng nhưng tính khả dụng chưa cao”, ông Phan Đăng Tuất, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Công Thương nhận xét thẳng thừng. Dẫn trường hợp Hàn Quốc, ông Tuất cho biết luật hỗ trợ DNNVV của quốc gia này được đúc kết rất ngắn gọn bằng 9 chữ “không cho DN lớn làm chi tiết nhỏ”, kèm theo đó là danh mục 350 sản phẩm, chi tiết DN lớn không được làm. Chỉ 3 năm sau, đất nước này có hàng nghìn DN nhỏ theo chân các tập đoàn lớn.
Đối chiếu với dự thảo luật của Việt Nam, ông Tuất cho rằng có tới 7 nhóm vấn đề, 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ, và chủ thể tham gia rất rộng từ VCCI, tới các hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề, uỷ ban nhân dân các tỉnh… Nội dung quá rộng, đầu mối thực hiện quá dàn trải nên khi áp dụng vào đời sống sẽ thiếu khả thi.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, ông Tuất cho biết rất lo ngại về chữ “hỗ trợ”. Tất cả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia tối kị chữ “hỗ trợ”, và đã muốn tiếp sức cho DN một cách khôn khéo thì phải ẩn chữ này đi để không vi phạm các điều ước quốc tế. “Tôi không hiểu tại sao chúng ta vẫn cứ thích dùng chữ “hỗ trợ” trong cuộc hội nhập sâu rộng này”, ông Tuất bày tỏ lo ngại.
Đại diện cho các DN dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay điều ông băn khoăn nhất là tiêu chí xác định DNNVV. Theo dự thảo luật, DNNVV được xác định là có số lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người và đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí: tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng; hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên ngành dệt may có nhiều DN vốn điều lệ chỉ 5 tỷ đồng nhưng có tới 1.000 lao động, hoặc vốn dưới 10 tỷ đồng nhưng có khoảng 2.000-4.000 lao động.
Ông Giang phân tích, DN vốn nhỏ mà xài vài ngàn lao động không phải tốt. Đó là do công nghệ lạc hậu, máy móc quá cũ khiến DN phải dùng sức người để thay thế. Vì vậy chính những DN có số lao động lớn như vậy mới là DN nhỏ, không có điều kiện để nâng cao năng suất. Với lập luận này, ông đề nghị cần thay đổi quan điểm về tiêu chí phân loại DN để xác định đúng đối tượng, hoặc phân chia tiêu chí xác định quy mô DN theo các ngành hàng khác nhau để phù hợp với đặc thù từng ngành.
Cần nhất là tạo sân chơi công bằng
Cùng chung lo ngại luật quá “ôm đồm” ngay từ khâu xác định quy mô DN để hỗ trợ, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, phần lớn DN hiện nay không phải là nhỏ hay vừa, mà là siêu nhỏ. “DN siêu nhỏ gần như không có người đỡ đầu, không tham gia VCCI và các hiệp hội DN, vì vậy vị thế trên thực tế giống như vừa là “trẻ em” vừa là “mồ côi”, ông Đức ví von. Nhưng Dự thảo Luật lại không tách riêng DN siêu nhỏ, mà nhập chung vào loại DN nhỏ, nên đối tượng này không được quan tâm thoả đáng.
Bên cạnh đó, về bản chất pháp lý cũng như kinh tế, hộ kinh doanh cũng chính là dạng DN siêu nhỏ, nhưng đang rất lửng lơ và cần được hỗ trợ nhiều nhất. Vì vậy, cần xem xét bỏ việc hỗ trợ đối với DN vừa, chỉ hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có các hộ kinh doanh.
Bên cạnh xác định đối tượng hỗ trợ, các nội dung hỗ trợ cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Đơn cử như việc giảm thuế thu nhập DN, cần thống nhất nguyên tắc hỗ trợ gián tiếp, không hỗ trợ trực tiếp. Do đó không nên giảm thuế suất thuế thu nhập DN. Thay vào đó, các ý kiến cho rằng phải xác định rõ luật chơi công bằng, DN nhỏ có lãi nhiều để nộp thuế nhiều, lãi ít nộp ít, không lãi không nộp. Mục tiêu của luật phải là hỗ trợ DN nhỏ lãi nhiều để nộp nhiều, chứ không nên tạo ra sự mất công bằng, dẫn đến việc cứ thích nhỏ vì có lợi hơn.
Nhìn chung, luật sư Trương Thanh Đức đánh giá, toàn bộ gần 40 điều của Dự thảo luật hầu như mới chỉ là quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa có gì cụ thể, chưa thực hiện được, mà hoàn toàn phụ thuộc vào quy định sau này của Chính phủ, hướng dẫn, đề xuất của các bộ, ngành và rất khó thực hiện. Trong khi đó, riêng quy định về trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV tại khoản 2, Điều 29 lại quá cụ thể, chi tiết, không cần thiết, ít tính pháp lý và chưa từng có. Đây cũng là lo ngại của nhiều hiệp hội DN và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. Ông Lộc lo ngại, nếu không cẩn trọng thì các quy định này sẽ làm phình ra bộ máy riêng để hỗ trợ DNNVV.
Tiếp thu các ý kiến, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đây là dự án luật mà quá trình xây dựng đặc biệt khó khăn vì có thể tác động tới các luật liên quan tới ngân sách, thuế, đất đai... Vì vậy cơ quan soạn thảo chỉ có thể cụ thể hoá một số đối tượng nhất định để có chính sách thực hiện.
Như vậy, sẽ có nhiều điều khoản của luật mang tính nguyên tắc chung, và trên cơ sở đó, qua từng thời kỳ sẽ có quy định cụ thể hơn. Ông Bảo cũng cho biết, việc sử dụng từ “hỗ trợ” trong tên gọi của luật đúng là hết sức nhạy cảm, vì vậy cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục xem xét và đưa ra các sửa đổi phù hợp.