Hỗ trợ DNNVV: Phải tính toán đến nguồn lực quốc gia
Đột phá tư duy để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa | |
Quốc hội thảo luận dự án Luật Hỗ trợ DNNVV | |
Có luật, cơ hội tiếp cận vốn sẽ tốt hơn |
Cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa diễn ra, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, yêu cầu hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, mốc thời gian và phải tính toán đến cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của chính sách, tránh dàn trải, chung chung.
Giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu
Chủ nhiệm UBKT Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng quy định tiêu chí trần để xác định DNNVV, bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa có số lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí về tài chính.
Cụ thể là tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Việc bổ sung lựa chọn tiêu chí doanh thu cũng phù hợp với thực tế hiện đang áp dụng trong lĩnh vực thuế, ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Song, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) cho rằng một số quy định trong dự thảo luật chưa cụ thể, rõ ràng. Dự thảo luật có đề cập đến khái niệm DN siêu nhỏ trong các DN nhỏ nhưng trong toàn bộ nội dung của luật lại không thấy đề cập đến và cũng không có chính sách riêng đối với loại hình DN.
Giải trình các ý kiến này, đại diện UBKT cho biết, dự thảo luật đã tiếp thu, hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước và quy định thu hẹp các đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, để tránh quy định mang tính phân biệt đối xử, dự thảo luật được xử lý kỹ thuật theo hướng không quy định việc loại bỏ DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và DN có vốn Nhà nước tại Điều 2 về đối tượng áp dụng mà chuyển xuống Điều 5 về nguyên tắc “Căn cứ vào điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định nội dung hỗ trợ đối với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và DN có vốn Nhà nước”.
Liên quan đến đề nghị không quy định hỗ trợ thuế hoặc thu hẹp phạm vi theo hướng chỉ hỗ trợ thuế cho các DNNVV là đối tượng hỗ trợ trọng tâm theo quy định của luật, không hỗ trợ thuế cho toàn bộ DNNVV, tránh làm giảm thu lớn ngân sách Nhà nước. Ông Thanh cho biết, quy định hỗ trợ thuế đối với DNNVV trong dự thảo luật sẽ tác động làm giảm thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng việc các DNNVV được hưởng lợi sẽ góp phần tăng tổng tài sản, tăng cơ hội đầu tư vốn để mở rộng, phát triển DN, tạo thêm việc làm mới trong dài hạn, qua đó tăng số DN có khả năng nộp thuế, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách một cách bền vững.
Đồng thời, trong thời gian qua nước ta cũng đã áp dụng một số chính sách giảm và giãn nợ cho DNNVV. Việc chủ động hỗ trợ thuế cho DNNVV sẽ mang lại tác động tích cực và tốt hơn việc chạy theo xử lý tình thế khi DN gặp khó khăn. “Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã thu hẹp đối tượng được hỗ trợ nên tác động đến thu ngân sách Nhà nước sẽ không nhiều như cách tiếp cận trong dự thảo luật đã trình Quốc hội”, ông Thanh cho biết.
Tạo cơ chế khuyến khích TCTD cho vay vốn
Về một số ý kiến đề nghị cần có cơ chế mạnh hơn để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, ông Thanh cho biết, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng có cơ chế, biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện để các TCTD tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV để phù hợp đặc điểm, tình hình của từng thời kỳ. Đồng thời bổ sung quy định khuyến khích TCTD cho vay DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm và các biện pháp phù hợp khác.
Ngoài ra, để hỗ trợ cho các DNNVV có dự án thực sự đem lại hiệu quả nhưng không có tài sản bảo đảm, đáp ứng đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn của các TCTD thông qua hình thức cho vay tín chấp, ngoài việc tăng cường, củng cố chức năng, nhiệm vụ của Quỹ bảo lãnh tín dụng, dự thảo luật còn giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN Việt Nam và các tổ chức, cơ quan hữu quan cung cấp cơ sở dữ liệu thông tin về khách hàng DNNVV để các TCTD và các cơ quan liên quan xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm DNNVV.
Dự thảo luật đã bổ sung quy định DNNVV được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ DNNVV để tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của DN.
Tuy nhiên, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) tỏ ý băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả của luật. Theo bà, cần phải khẳng định rõ là hỗ trợ DN ở đây thông qua phương thức gián tiếp chứ không phải trực tiếp. Những thông tin tư vấn các DN gần đây cho thấy các DN đang rất e ngại thủ tục hành chính phiền hà khiến chi phí quá cao, hay việc thay đổi các sắc thuế, bảo hiểm cũng khiến chi phí không chính thức lớn. Điều này khiến DN càng nhỏ thì chi phí càng lớn. Do đó, rất cần hỗ trợ về thủ tục hành chính cho hiệu quả.