FDI “mở hàng” thuận lợi
Thu hút FDI: Không còn ham số lượng | |
Nâng cao hiệu quả vốn FDI: Muốn có vũ điệu Tango, đừng quên “nhạc” | |
Hà Nội: Phát hiện đầu tư FDI chui, chuyển giá |
Vốn mới tăng, giải ngân tốt
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có khởi đầu khá thuận lợi ngay trong tháng đầu tiên của năm 2019. Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của NĐT nước ngoài đạt 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018. Không chỉ vậy, ước tính các dự án FDI giải ngân tăng 9,2% so với cùng kỳ, đạt 1,55 tỷ USD.
Cụ thể, tính đến ngày 20/1/2019, cả nước có 226 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 805 triệu USD, tăng 81,9% so với cùng kỳ năm 2018; có 72 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 340,2 triệu USD, bằng 74,5%. Cũng trong tháng 1/2019, cả nước có 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 761,8 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2018.
Tốc độ tăng vốn FDI giải ngân chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cao |
Trong tháng 1, dù chưa xuất hiện dự án có quy mô tỷ USD, nhưng cũng ghi nhận một số dự án quy mô khá lớn được cấp phép. Có thể kể đến dự án Công ty TNHH Kyoshin (Việt Nam) của NĐT Nhật Bản đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh tăng vốn thêm 134,7 triệu USD. Đây là dự án hoạt động từ năm 1995 với mục tiêu sản xuất, gia công và xuất khẩu các linh kiện đồ điện, khuôn mẫu. Hay dự án Katolec Global Logistics Việt Nam, vốn đầu tư 65 triệu USD do Katolec Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại Hà Nam; dự án Nhà máy Sews-Components Việt Nam II vốn đầu tư đăng ký 64,89 triệu USD do NĐT Nhật Bản thực hiện tại Hưng Yên với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện cho ô tô và mô tô.
Thực tế cho thấy dự án quy mô tỷ USD đầu tư mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đã vắng bóng ngay từ năm 2018. Dự báo trong năm tới, xu hướng này nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên theo các chuyên gia đây là xu hướng bình thường. Thay vào đó, các dự án quy mô nhỏ tìm đến Việt Nam đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất sẽ tạo cơ hội để hoàn thiện chuỗi cung ứng trong nước.
Ông Lê Dương Quang - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay hầu hết DN FDI vào Việt Nam đều mong muốn có được nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, năng lượng ổn định tại chỗ, có mạng lưới DN công nghiệp hỗ trợ rộng rãi tại chỗ, vì điều đó giúp giảm chi phí sản xuất, giảm thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, tăng sức cạnh tranh, tối đa hoá lợi nhuận. Ngược lại, ông Quang cũng kỳ vọng trong tương lai sẽ có ngày càng nhiều DN Việt Nam có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng của khu vực FDI. Vì vậy thời gian tới cần chú trọng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo mối liên kết giữa khu vực FDI và DN trong nước.
Nhiều yếu tố hậu thuẫn tích cực
Cho tới thời điểm hiện tại, hầu hết các dự báo đều khá tích cực về triển vọng của dòng vốn FDI trong năm 2019. Theo Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn đang được đẩy nhanh sẽ tạo điều kiện để vốn FDI thu hút được trong năm 2019 tăng mạnh.
Cụ thể, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc) có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 là bước tiến quan trọng để ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng mở rộng thâm nhập vào thị trường Hồng Kông, đối tác có kim ngạch thương mại song phương với ASEAN lên đến 107 tỷ năm 2016; Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng phê chuẩn vào năm 2019 sẽ đảm bảo điều kiện tốt nhất cho phát triển quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. Quan trọng nhất là Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019 sẽ đem đến cho Việt Nam cơ hội thu hút FDI nếu biết tận dụng tốt hiệp định này.
Ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới (NCIF) cho biết, tác động của CPTPP tới thu hút FDI vào Việt Nam xuất phát từ 3 yếu tố, gồm mở cửa đầu tư và giảm rủi ro đầu tư thông qua các cam kết về bảo hộ đầu tư; tự do hóa dịch vụ; và tận dụng quy định về nguồn gốc xuất xứ trong thương mại. Thống kê của NCIF cho thấy, hiện Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ trong thu hút vốn FDI từ các nước phát triển trong CPTPP. Cụ thể, trong 10 nước đối tác thuộc CPTPP, các NĐT lớn vào Việt Nam là Singapore, Nhật Bản, Malaysia. Ngoài ra, một số nước khác có đầu tư vào Việt Nam như Canada, Australia, Brunei, song đều chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Bên cạnh đó, ngay cả với các đối tác hiện đang là NĐT lớn của Việt Nam, thì tỷ trọng đầu tư FDI của các nước này tại Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN cũng không quá lớn. Chẳng hạn như Nhật Bản, hiện đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6,8% trong tổng đầu tư của nước này tại ASEAN. Nhật Bản đầu tư nhiều hơn tại Indonesia, Singapore và Thái Lan. Như vậy, việc Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ trong đầu tư FDI từ các nước phát triển trong CPTPP cho thấy tiềm năng thu hút FDI từ các nước này còn khá lớn, nếu Việt Nam tạo ra được nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực thời gian tới.
TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài dự báo đà tăng trưởng của FDI tại Việt Nam vẫn tăng trong 2019, với số vốn thực hiện vượt khoảng 15-20% so với năm 2018, khả năng lần đầu tiên cán mốc 20 tỷ USD vào năm 2019, tiếp tục có các đóng góp thiết thực cho tăng trưởng kinh tế.
GS. TS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài chỉ ra một số xu hướng tích cực cần đẩy mạnh để đón dòng FDI vào Việt Nam, trong đó cần đặc biệt chú ý đến xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A). “Đây là tiền tươi thóc thật. Xu hướng này nói lên 3 điều: Môi trường đầu tư của chúng ta hấp dẫn NĐT nước ngoài; chúng ta có hàng để NĐT nước ngoài mua; DN nội đủ mạnh để DN ngoại làm M&A”, GS. Nguyễn Mại nhận định. Cho rằng M&A có lợi không chỉ ở khía cạnh thu hút vốn thực, mà còn ở nhiều mặt khác, và đây là xu hướng chắc chắn phát triển trong thời gian tới. GS. Mại cũng khẳng định, không chỉ năm 2019 - 2020, mà nhiều năm nữa, tốc độ tăng vốn FDI giải ngân chắc chắn sẽ đạt ít nhất là 10% mỗi năm.