Thêm lý do để Fed trì hoãn lần tăng lãi suất thứ 3
Tiêu dùng, lạm phát yếu cản bước Fed tăng tiếp lãi suất | |
Các nhà ngân hàng trung ương đau đầu với lạm phát yếu | |
Nhiều quan chức Fed lo lắng về lạm phát, kêu gọi ngừng tăng lãi suất |
Bộ Lao động Mỹ vừa cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm được 156.000 việc làm mới trong tháng trước, sau khi tạo thêm được 399.000 việc làm trong tháng 6 và tháng 7. Con số này cũng thấp hơn nhiều dự báo của các chuyên gia kinh tế là biên chế tăng 180.000 việc làm.
Tăng trưởng việc làm tháng 8 thậm chí còn rơi xuống thấp hơn mức trung bình năm là 176.000 việc làm mới/tháng phản ánh yếu tố mùa vụ. Trong vài năm trở lại đây, số liệu việc làm ban đầu của tháng 8 thường có xu hướng khá yếu, song những số liệu sửa đổi sau đó thường mạnh hơn.
“Bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 thường có xu hướng giảm, phản ánh những khó khăn mang tính mùa vụ trong việc đo lường thời gian quay trở lại trường học, cũng như tỷ lệ phản hồi ban đầu thấp trong mùa hè”, Robert Rosener, một nhà kinh tế học tại Morgan Stanley ở New York cho biết.
Mặc dù tăng trưởng việc làm đã chậm lại trong tháng 8, thậm chí chậm hơn so với dự báo của các nhà kinh tế, tuy nhiên con số này vẫn cao hơn nhiều mức 75.000 đến 100.000 việc làm mỗi tháng mà các nhà kinh tế và cả Fed cho là đủ để hấp thụ lực lượng lao động mới gia nhập thị trường.
Điều đó có thể khiến Fed lên kế hoạch phác thảo kế hoạch bắt đầu thu hẹp danh mục đầu tư trái phiếu kho bạc và chứng khoán cầm cố trị giá 4,2 nghìn tỷ USD trong cuộc họp chính sách ngày 19-20/9.
“Chúng tôi không thấy có điều gì ngăn cản Fed đưa ra kế hoạch giảm bớt bảng tài sản tại cuộc họp tháng 9”, John Ryding - chuyên gia kinh tế của RDQ Economics ở New York nói.
Tuy nhiên, tăng trưởng tiền lương vẫn chậm chạp khi thu nhập bình quân theo giờ chỉ tăng 3 cent, tương đương tăng 0,1% trong tháng 8 sau khi tăng 0,3% trong tháng 7, qua đó giữ tốc độ tăng lương hàng năm ở mức 2,5% tháng thứ 5 liên tiếp. Mặc dù vậy, số giờ làm việc trung bình đã giảm xuống 34,4 giờ so với 34,5 giờ trong tháng 7.
Tăng trưởng tiền lương yếu ớt khiến giới chuyên gia không khỏi quan ngại về tính bền vững của sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng gần đây, một trong những động lực thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 2 năm trong quý thứ hai.
Một báo cáo được công bố trước đó cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) không bao gồm thực phẩm và năng lượng, một thước đo lạm phát ưa thích của Fed chỉ tăng 1,4% trong 12 tháng tính tới tháng 7 – mức tăng thấp nhất trong 1,5 năm.
Tiền lương tăng trưởng chậm chạp cộng với lạm phát tiếp tục giảm tốc có thể khiến Fed thận trọng hơn với lộ trình tăng thêm lãi suất trong năm nay, nhất là khi nền kinh tế vừa hứng chịu sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão nhiệt đới Harvey.
Hiện các thị trường tài chính Mỹ đang định giá khoảng 42% xác suất tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 của Fed theo chương trình FedWatch của CME Group.