Thiết chế và trợ lực đưa QTDND về đúng quỹ đạo
Vì sự phát triển bền vững của hệ thống QTDND | |
Đồng hành cùng sự phát triển hệ thống QTDND |
Phó Thống đốc cho biết NHNN đang xem xét và tìm hướng giải quyết những vấn đề mà QTDND kiến nghị trong hội nghị chuyên đề đầu năm |
Thay vì tham gia các sự kiện quan trọng khác, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã dành thời gian đến tham dự trực tiếp chỉ đạo cũng như lắng nghe ý kiến phát biểu, báo cáo tại Đại hội đại biểu thường niên Ngân hàng Hợp tác (NHHT) năm 2017.
Bởi với cá nhân ông là lãnh đạo phụ trách hệ thống QTDND và với Ban lãnh đạo NHNN đây là một đại hội hết sức quan trọng để nhìn lại một nhiệm kỳ (2013-2018) cũng là 5 năm đầu tiên thực hiện Luật Hợp tác xã, song hành với nó là Luật Các TCTD.
Từ đó có những chính sách nắn chỉnh và định hướng những bước đi kế tiếp cho hệ thống theo đúng tôn chỉ mục đích của một mô hình hợp tác xã tín dụng vì thành viên không chạy theo lợi nhuận góp phần phát triển kinh tế đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa, kinh tế còn khó khăn.
Điểm tựa lưng cho hệ thống phát triển
Nhìn lại một chặng đường 5 năm phát triển, đến nay hệ thống QTDND đã có 1.182 QTDND có quy mô tổng nguồn vốn hệ thống đạt trên 100.798 tỷ đồng, trong đó, vốn điều lệ là 4.359 tỷ đồng, vốn huy động 86.300 tỷ đồng. Mạng lưới trải rộng trên các địa bàn đặc biệt khu vực nông thôn đã tương hỗ vốn và dịch vụ ngân hàng cho 1,6 triệu thành viên với tổng dư nợ cho vay đạt 79.367 tỷ đồng. Không chỉ mở rộng về quy mô cũng như độ bao phủ tín dụng, trong năm 2017, hệ thống QTDND tiếp tục ổn định và phát triển, nợ xấu thấp chỉ 0,91%.
Những kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của NHHT với vai trò là ngân hàng của hệ thống QTDND. Ông Trương Ngọc Anh – thành viên HĐQT chuyên trách NHHT cho biết, bám sát định hướng chỉ đạo của Thống đốc NHNN, NHHT đã xây dựng kế hoạch triển khai và có những đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, đặc biệt là thực hiện tốt vai trò đầu mối liên kết hệ thống góp phần hỗ trợ các QTDND phát triển an toàn bền vững theo đúng tôn chỉ mục tiêu hoạt động của hệ thống, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu hệ thống các QTDND giai đoạn 2012-2017, theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 và mới đây là Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 10/1/2017.
Cùng với việc hỗ trợ QTDND giải bài toán điều hòa vốn dư thừa cho các QTDND tại NHHT (riêng năm 2017 là 12.803 tỷ đồng), đối với những QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để hoạt động, NHHT kịp thời điều chỉnh mức cho vay mở rộng tín dụng cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho thành viên sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, với các QTDND gặp khó khăn trong việc chi trả tiền gửi cho khách hàng, tiền gửi tại quỹ đã được NHHT cho vay, hỗ trợ nguồn vốn kịp thời, giúp các QTDND khôi phục trở lại hoạt động bình thường.
Tính đến 31/12/2017, tổng dư nợ cho vay của NHHT đối với QTDND là 5.821 tỷ đồng, tăng 955 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ tăng 19,62% so với 2017. Doanh số cho vay các QTDND đạt 14.194 tỷ đồng, gấp hơn 2,43 lần so với dư nợ (riêng doanh số cho vay hỗ trợ thành viên là 365 tỷ đồng) cho thấy nỗ lực và sự đáp ứng kịp thời của NHHT đối với hoạt động kinh doanh của QTDND nói chung và thanh khoản nói riêng.
Vai trò đầu mối cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các QTDND có thể nhìn thấy rõ qua việc NHHT tập trung nguồn lực triển khai Dự án Ngân hàng điện tử CF-eBank. Sau 5 năm triển khai đã mở rộng mạng lưới thanh toán của NHHT tới 534 điểm, trong đó có 438 QTDND.
NHHT cũng thường xuyên dành một lượng nguồn vốn lớn từ 400-500 tỷ đồng tiền gửi trên tài khoản thanh toán tại NHNN và NHTM tham gia thanh toán đa phương để phục vụ kịp thời nhanh chóng nhu cầu của các QTDND. Năm 2017, NHHT thực hiện cấp hạn mức thấu chi tài khoản thanh toán cho 287 QTDND, trong đó có 251 QTDND sử dụng hạn mức thấu chi với doanh số cho vay thấu chi 1.767 tỷ đồng.
Một vai khác không kém phần quan trọng của NHHT đối với hệ thống QTDND đó chính là hỗ trợ các QTDND phát triển bền vững từ công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lực cho hệ thống QTDND đến công tác giám sát an toàn trong hoạt động của các QTDND. Đến thời điểm 31/12/2017, NHHT đã giám sát từ xa với 1.146/1.182 QTDND. NHHT cũng đã thực hiện công tác xếp hạng tín dụng nội bộ hàng quý đối với các QTDND thực hiện tốt công tác quản trị rủi ro, mở rộng cho vay.
Đặc biệt với việc NHHT quản lý và điều phối Quỹ Bảo toàn hệ thống, sau 4 năm vận hành, tổng số phí của Quỹ Bảo toàn đã đạt 189,5 tỷ đồng, trong đó riêng phần nộp của NHHT là 30 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, 19 QTDND đã được cho vay hỗ trợ với tổng số tiền 70,2 tỷ đồng, hiện dư nợ cho vay hỗ trợ là 56,1 tỷ đồng.
“Mặc dù trong thời gian qua một số QTDND yếu kém đã để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ngành và hệ thống QTDND, nhưng vẫn phải khẳng định rằng, những kết quả mà NHHT và các QTDND đạt được đã góp phần quan trọng vào kết quả tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của Ngành, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn”, Phó thống đốc Đào Minh Tú ghi nhận và thêm một lần khẳng định đây là mô hình đúng đắn phù hợp đặc thù, đặc điểm của nền kinh tế nước ta.
NHHT ra mắt HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2018-2021. Ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Phó tổng giám đốc NHHT được bầu làm Chủ tịch HĐQT |
Gia cố mô hình tín dụng hợp tác
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội Phó thống đốc cho biết, NHNN đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là phát triển hệ thống QTDND theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình TCTD là hợp tác xã; Phát triển NHHT có đủ năng lực thực hiện tốt vai trò là NH của tất cả các QTDND; Thực hiện tốt tính liên kết hệ thống, góp phần thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế tập thể là hợp tác xã khác trên phạm vi toàn quốc. NHNN cũng đã phê duyệt mục tiêu, định hướng, giải pháp và lộ trình thực hiện Phương án cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của NHHT và hầu hết các QTDND.
Để thực hiện những mục tiêu này, Phó thống đốc yêu cầu Hội đồng thành viên, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành nhiệm kỳ 2 (2018-2021) cùng toàn thể cán bộ, nhân viên NHHT cần triển khai các giải pháp tăng cường quy mô, năng lực tài chính thông qua việc cấp bổ sung vốn điều lệ, tích lũy nội bộ, tìm kiếm nguồn vốn góp từ các TCTD và tổ chức kinh tế khác, kết nạp thêm thành viên từ các loại hình hợp tác xã khác…
Ông cũng cho biết NHNN đã trình Chính phủ tăng vốn điều lệ cho NHHT từ 80 tỷ vốn vay Chính phủ còn lại ở NH. Cùng với việc tham gia xử lý QTDND yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn hoạt động, có nguy cơ đổ vỡ, NHHT cần nỗ lực hơn nữa để trở thành một công cụ hỗ trợ giám sát của NHNN cảnh báo và báo cáo NHNN những vấn đề rủi ro của hệ thống...
Đánh giá cao vai trò Hiệp hội trong thời gian qua, Phó thống đốc phân tích thêm trước thực tế có một số Quỹ muốn rút ra khỏi Hiệp hội. “Đúng là tham gia Hiệp hội vừa có tính tự nguyện, nhưng với một ngành kinh doanh có điều kiện như QTDND thì còn có yếu tố điều kiện buộc phải tham gia. Có thể bây giờ khi kinh doanh thuận lợi QTDND thấy quyền lợi có từ Hiệp hội không nhiều, nhưng khi khó khăn mới thấy những hỗ trợ thiết thực”, Phó thống đốc nói.
Đối với các QTDND, Phó thống đốc đề nghị các QTDND tập trung thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Ông chỉ ra nguy cơ lớn gây bất ổn hệ thống thời gian qua cần điều chỉnh ngay, đó là các QTDND chạy theo lợi nhuận nên không còn vì thành viên.
“Chúng ta không phải là NHTM và nói là chúng ta phải cạnh tranh với NHTM cũng không đúng, bởi NHTM có tiềm lực tài chính lớn, sản phẩm đa dạng, lãi suất thấp, năng lực và trình độ quản lý cao hơn. Song cái mà chúng ta có được đó là tính liên kết cộng đồng, hỗ trợ thành viên nếu chúng ta làm được điều đó, các thành viên sẽ theo chúng ta. Còn nếu thành viên thấy chúng ta không làm được điều đó, không bằng các NHTM, thì xa rời chúng ta”, Phó thống đốc phân tích.
Trước thực trạng rủi ro đa phần là do đạo đức, đầu tư nhiều vào bất động sản, thậm chí cả BOT, Phó thống đốc cũng chỉ ra góc khuất mà các QTDND cần lưu ý là tình trạng cán bộ quỹ là bố mẹ, con cháu họ hàng, như một gia đình chủ nghĩa, vì vậy không còn cơ chế giám sát. Những vấn đề này sẽ được NHNN điều chỉnh trong thời gian tới việc hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó chú trọng tới tiêu chuẩn, điều kiện của người quản lý, điều hành, kinh nghiệm thực tiễn.
Đặc biệt không cho phép người quản lý điều hành quỹ đồng thời là người điều hành doanh nghiệp. Cùng với đó là việc thành lập đơn vị chuyên trách tại Cơ quan Thanh tra, giám sát để tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo đối với hoạt động của NHHT và các QTDND.
Phó thống đốc cũng lưu ý NHNN chi nhánh trong việc phát triển mạng lưới QTDND cũng như phê duyệt đề án tái cơ cấu của các quỹ phải đặt mục tiêu trước tiên là an toàn lành mạnh, không đặt ra yêu cầu tăng trưởng chạy theo số lượng, mục tiêu lợi nhuận và phải thanh tra, kiểm tra sát sao bản chất bên trong hoạt động của các QTDND có đúng tôn chỉ mục đích không…
Với những kết quả tích cực mà NHHT và hệ thống QTDND đã đạt được trong thời gian qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, NHNN và chính quyền địa phương, trong thời gian tới, Phó thống đốc tin tưởng NHHT và hệ thống QTDND sẽ nỗ lực khắc phục được những tồn tại, hạn chế và đạt được những kết quả tích cực hơn trong thời gian tới.