Thiếu lắm những bài hát cho thiếu nhi
Tìm đâu ca khúc thiếu nhi hay?
Thực tế ở nhiều trường học, trong các buổi giao lưu, văn nghệ thiếu nhi, dù công tác đội, đoàn hoạt động rất tốt, chương trình được tổ chức công phu, học sinh năng động, hát rất truyền cảm. Thế nhưng đa số các em phải hát đi hát lại những bài cũ, thậm chí không còn phù hợp với đời sống hiện tại. Trên truyền hình cũng ngày càng thưa vắng các chương trình giới thiệu ca khúc mới cho thiếu nhi.
Nghệ sĩ Đặng Châu Anh và các em thiếu nhi |
Ngoài những tác giả có đóng góp lớn cho âm nhạc thiếu nhi như Phạm Tuyên, Trương Quang Lục, Trần Ngọc, Hoàng Long, Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Phong Nhã, Trần Long Ẩn… các nhạc sĩ trẻ ngày nay dường như dửng dưng sáng tác cho con trẻ.
Một số tác giả đã có tuổi, dù tâm huyết nhưng tài và lực không đủ nên có xuất hiện một số ca khúc, nhưng lại không găm được vào tâm hồn con trẻ. Nhạc sĩ trẻ Huy Hùng chia sẻ rằng, mặc dù đội ngũ nhạc sĩ trẻ xuất hiện ngày một đông nhưng số người viết nhạc thiếu nhi lại quá ít ỏi.
Tâm sự với nhạc sĩ Khánh Vũ, người làm nhiều ca khúc theo đơn đặt hàng của các địa phương, anh thẳng thắn cho rằng, nhạc sĩ ngày nay cũng phải “chạy” theo cơ chế thị trường. Vậy là họ đổ xô sáng tác nhạc thị trường, đáp ứng thị hiếu đông đảo của giới trẻ, lại có tiền ngay. Thế là mảng ca khúc thiếu nhi bị lãng quên.
Ở một khía cạnh khác, các cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi ngày càng ít. Tại các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ thiếu nhi, những ca khúc cũ luôn được “nhai đi nhai lại” đến nhàm, không cuốn hút con trẻ. Trong khi đó ngoài thực tế, cuộc sống hiện đại hiện có nhiều loại hình giải trí mang tính công nghệ.
Đặc biệt, âm nhạc các nước du nhập ào ạt vào Việt Nam, có sức thu hút người trẻ mãnh liệt. Từ đó, cộng với việc thiếu trầm trọng những sáng tác mới, phù hợp đã kéo các em ngày một xa dần với văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Là người có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc, trong đó nhiều ca khúc thiếu nhi, nhạc sĩ Hoàng Lân chia sẻ: “Sáng tác cho thiếu nhi được rất ít ưu đãi vật chất. Tôi từng sáng tác nhiều bài hát thiếu nhi được đưa vào tuyển tập nhưng mỗi bài hát được in, tôi chỉ nhận 50 nghìn đồng nhuận bút. Như thế chả trách các nhạc sĩ trẻ không mặn mà với việc sáng tác ca khúc nhà trường”.
Hay như nhạc sĩ Trần Ngọc, người sáng tác bài “Em như chim câu trắng” – là một trong những ca khúc hay nhất cho thiếu nhi cũng thở dài vì quá thiếu ca khúc để làm đẹp tâm hồn các em nhỏ. Ông bảo rằng, chính sự sôi động của cuộc sống, các chương trình giải trí “ăn xổi” đã đẩy các nhạc sĩ phải chạy xô, và trên bước đường của họ, không còn chỗ dành cho các em nhỏ.
Cần quan tâm đến các em nhỏ
Chia sẻ những thiếu hụt về ca khúc dành cho thiếu nhi, đặc biệt là ca khúc hay, nhạc sĩ Trần Ngọc cùng nhiều nhạc sĩ khác cho rằng, thực tế cuộc sống của phần nhiều nhạc sĩ đã có tuổi khá kham khổ.
Trong khi đó, để viết ra một tác phẩm họ lại không được các đơn vị tài trợ hay đỡ đầu thu phát, quảng bá. Nhiều nhạc sĩ muốn gửi nhạc phẩm cộng tác thì phải bỏ số tiền khoảng 5 triệu đồng ra thuê thu và gửi đĩa đi cộng tác với các nhà đài. Số nhuận bút, nếu được phát cũng rất ít ỏi, điều đó khiến nhiều nhạc sĩ ngại.
Bởi thế, chính các đơn vị chức năng, các tổ chức giáo dục, cần đầu tư và có những chiến lược tổ chức thi viết, sáng tác nhạc phẩm cho thiếu nhi, khơi dậy tinh thần vì trẻ thơ của các nhạc sĩ từng tâm huyết với đề tài này.
Một hệ quả của sự thiếu hụt dẫn đến là, ở trong chính các chương trình truyền hình, một số ngôi sao âm nhạc nhỏ tuổi phải hát ca khúc người lớn, thậm chí là nhạc sến. Như vậy các em đang bị hướng đến sự “già hóa” trong ca khúc và phong cách trình diễn.
Nhạc sĩ Trần Ngọc tâm sự: “Như vậy thì không ổn chút nào. Nói gì thì nói, ca khúc hay có tác động rất lớn đến tâm hồn các em. Nhiều tác phẩm có sức khơi gợi, góp phần giáo dục, làm trong trẻo tinh thần các em, giúp các em hăng say học tập, sống đoàn kết, thương người hơn”.
Nghĩ thế, nên hiện nay, dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn nay đây mai đó, hào phóng sáng tác ca khúc miễn phí cho nhiều đền, chùa và thánh ca cho nhà thờ. Ông làm chương trình ca nhạc lấy tiền ủng hộ trẻ em tàn tật. Những ngày tháng này, ông còn dạy và sáng tác miễn phí cho các trường có trẻ em khiếm thị, khiếm thính, các trung tâm trẻ em mồ côi. Có lần Trần Ngọc bảo, chỉ lo ngồi yên một ngày mình biến thành… vô dụng.
Hiện nay, có một nhạc sĩ trẻ là Hoàng Thu Trang, sinh năm 1983, Giám đốc Marketing tại Polaris Art & Music School - hệ thống giáo dục nghệ thuật, đang rất nỗ lực sáng tác cho thiếu nhi. Trong gần chục năm qua, chị đã thực hiện nhiều dự án, tổ chức sáng tác và sản xuất nhiều đĩa nhạc cho các em nhỏ. Thu Trang thừa nhận việc sáng tác xong và tìm cách để ca khúc đến được với khán thính giả nhỏ tuổi là điều không đơn giản. Tuy thế chị vẫn chọn con đường này bởi vì chị có lợi thế đã và đang làm việc với thiếu nhi trong khoảng thời gian khá dài nên không gặp quá nhiều khó khăn trong sáng tác.
Sau cùng nhiều nhạc sĩ chung quan điểm rằng, cần phải đẩy mạnh việc sáng tác cho các em nhỏ để cùng nhà trường góp phần vào bồi dưỡng nhân cách cho các em. Đồng hành cùng công việc này, Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án đẩy mạnh phong trào sáng tác âm nhạc thiếu nhi, tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác cho hội viên, đặt hàng những nhạc sĩ tên tuổi chuyên viết cho thiếu nhi và những nhạc sĩ trẻ gắn bó với phong trào thiếu nhi để có những sáng tác mới dành cho các em.
Thiết nghĩ thời gian tới Hội Nhạc sĩ Việt Nam cần phối hợp cùng các hội chuyên ngành, trường học tổ chức giao lưu, phối hợp và xây dựng lộ trình hoạt động sáng tác, khích lệ thêm nhiều nhạc sĩ trẻ là đội ngũ kế cận tham gia. Có như vậy việc sáng tác nhạc phẩm cho các em mới liên tục, mau chóng và tận dụng được sức sáng tạo của tuổi trẻ.
Một trong những mối lo ngại trong việc giáo dục nhân cách trẻ em chính là những bất cập trong lĩnh vực âm nhạc. Trong những năm qua, các chương trình giải trí dành cho trẻ em lên ngôi, nở rộ, song lại thiếu hụt những ca khúc dành cho trẻ em có sự sáng tạo, xúc động và gây được tiếng vang. Trẻ em ngày ngày nay vẫn hát những ca khúc từ hàng chục năm trước. |