Thoát nghèo từ trồng cây sâm quý
Tín dụng chính sách: Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương | |
Tín dụng chính sách ngày càng sát sườn | |
Đa dạng các mô hình sản xuất từ vốn ưu đãi |
Vốn ưu đãi tiếp sức
Nói đến vùng trồng sâm Ngọc Linh nổi tiếng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) nhiều người nghĩ rằng chỉ những doanh nghiệp mới tham gia trồng loại cây quý hiếm này. Tuy nhiên, khi “mục sở thị” tại đây mới thấy, không chỉ có các doanh nghiệp mà nhiều hộ dân - người đồng bào dân tộc thiểu số cũng trồng cây dược liệu, cây sâm để thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu.
Ông A Điện Trung (bên phải) giới thiệu về cây sâm Ngọc Linh có giá gần 200 triệu đồng với lãnh đạo NHCSXH tỉnh Kon Tum |
Trên địa bàn huyện có 6 xã có thể trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng và đã có hơn 500 hộ dân ở 3 xã Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây trồng sâm Ngọc Linh. Năm 2018, tổng diện tích trồng mới sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông gần 3 ha, nâng diện tích cây sâm Ngọc Linh trong dân trên toàn huyện lên hơn 17 ha… Ngoài ra, có hơn 300 ha diện tích sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp trồng trên địa bàn và có hàng trăm hộ dân tham gia mô hình liên kết trồng sâm với Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Bên cạnh sâm quý Ngọc Linh, người dân trong huyện còn trồng sâm dây (đẳng sâm) khoảng 40 ha và nhiều cây dược liệu khác như kỷ tử, đương quy, sơn tra…
Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tu Mơ Rông - ông Võ Trung Mạnh cho biết, trong những năm gần đây rất nhiều hộ dân đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để trồng sâm và nhiều cây dược liệu để thoát nghèo và vươn lên thành hộ khá trong huyện. Đến nay, dư nợ cho vay của NHCSXH đạt 178 tỷ đồng. Toàn huyện có khoảng 6.000 hộ dân thì đã có 18.000 lượt hộ vay vốn. “Nếu đầu tư vốn đúng cách, với 1 sào sâm dây, sau 18 tháng có thể mang về thu nhập 50 triệu đồng”, ông Mạnh chia sẻ.
Ngọc Lây - một trong số xã trồng sâm nhiều nhất của huyện, ở đó ông A Điện Trung - Bí thư Đảng ủy xã là người “tiên phong” cho mô hình trồng sâm hiệu quả. Đích thân A Điện Trung dẫn cánh nhà báo chúng tôi leo lên núi Ngọc Linh. Nhìn bước chân thoăn thoắt trong cánh rừng, khiến chúng tôi theo bở hơi tai mà không kịp cũng có thể đoán A Điện Trung là người cùng ăn, cùng ngủ với cây sâm.
“Mỗi ngày tôi phải đi lại quãng đường rừng này 3km khoảng 3 lần. Đêm phải thay nhau trông sâm vì sợ chuột vào cắn đứt cây. Đặc điểm của cây sâm là sống và cho năng suất trong rừng có độ tán che phủ chỉ 10-15% ánh sáng lọt vào nên vùng đất này rất hợp” - A Điện Trung vừa bước, vừa chia sẻ.
Nói về sự bén duyên với cây sâm quý, A Điện Trung kể: Cách đây khoảng 5 năm, ông bắt đầu trồng sâm, khi lần đầu vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng và dồn tất cả vào cây sâm giống. Sau này thấy hiệu quả, ông bàn với gia đình tập trung vốn, mở rộng diện tích. “Hai năm nay, cả gia đình phải gom từ nhiều nguồn khác để đầu tư vào vườn sâm như chăn nuôi, bán bò, thu cây dược liệu nhưng tôi thực sự biết ơn những đồng vốn ưu đãi NHCSXH cho vay mượn đầu tiên”, ông Trung nói.
Hiện nay, vườn sâm của ông A Điện Trung cho thu nhập cao, có cây đã được trả giá tới gần 200 triệu đồng mà chưa bán vì càng để lâu năm càng có giá và hàng năm cây sâm này cho ra hạt giống có thể bán được 30 triệu đồng mỗi năm. Vườn sâm của A Điện Trung tạo việc làm cho hơn chục lao động là người thân trong gia đình.
Từ mô hình của A Điện Trung, đến nay nhiều người trong xã Ngọc Lây đã ưu tiên trồng sâm. Chị Y B Lúc, thôn Măng Rương 1 cho hay, tháng 4/2017, gia đình được vay 40 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH để trồng 2 sào sâm dây. Đến nay đã thu hoạch một lần thu được 15 triệu đồng để trả NHCSXH. Dự kiến vài tháng nữa thu hoạch tiếp có thể thu về 20 triệu đồng. “Với sâm dây thì trồng khoảng 2 năm là có thể thu hoạch được nếu trồng từ hạt, hoặc 14-16 tháng nếu trồng từ củ nên quay vòng vốn rất nhanh”, chị Y B Lúc tâm sự. Hiện gia đình chị Y B Lúc đang chuẩn bị trồng thêm khoảng 1 ha sâm dây và rất cần vay thêm nguồn vốn khoảng 50 triệu đồng để đầu tư máy bơm nước tưới sâm. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ trồng mì sang trồng sâm dây cùng với sự hỗ trợ vốn của NHCSXH, đến cuối năm 2018, gia đình chị Y B Lúc đã thoát nghèo.
Chị Y B Lúc chia sẻ kinh nghiệm trồng sâm dây với cán bộ NHCSXH huyện Tu Mơ Rông |
Nỗ lực xây dựng thương hiệu sâm quý
Trồng sâm để vươn lên thoát nghèo ở Ngọc Lây đã được chứng minh, nên ông A Điện Trung, cho biết, địa phương đang chỉ đạo và rà soát để có thể tăng diện tích trồng sâm. Cùng với đó Đảng ủy, chính quyền xã cũng kiến nghị NHCSXH huyện tăng vốn ưu đãi thêm 3-5 tỷ đồng để phát triển sâm Ngọc Linh và sâm dây, bởi theo ông từ trước đến nay, vay vốn trồng cây dược liệu trên địa bàn chưa gặp rủi ro gì.
Trước đây, nhiều hộ mới trồng sâm nên còn manh mún, nay kết hợp tuyên truyền, vận động nên bà con trồng tập trung hơn, cho năng suất và chất lượng. Tin tưởng rằng, có thêm vốn ưu đãi thì nhiều mô hình trồng sâm của Ngọc Lây sẽ hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bà con.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Minh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết, mong muốn của bà con dân tộc thiểu số là không chỉ cần thêm vốn mà còn kiến nghị kéo dài thời gian cho vay. Hiện nay bà con đang phải “lấy ngắn nuôi dài,” tức là trồng những cây ngắn ngày như sâm dây, đương quy, kỷ tử… để “nuôi” cây sâm Ngọc Linh, nếu ngân hàng kéo dài được thời gian trả nợ thì bà con đỡ vất vả hơn trong xoay nguồn vốn.
Cùng chúng tôi thăm mô hình trồng sâm, Phó giám đốc NHCSXH chi nhánh Kon Tum Nguyễn Văn Tuấn cho biết, tới đây NHCSXH Kon Tum rà soát xem những hộ nào trồng sâm hiệu quả sẽ cho vay vốn. “Ví dụ như ông A Điện Trung không thuộc diện hộ nghèo nhưng lại là hộ cá thể tạo việc làm cho lao động là bà con dân tộc, sắp tới có thể sẽ được tăng mức vay theo kinh doanh sản xuất”, ông Tuấn nói.
Toàn huyện Tu Mơ Rông có diện tích tự nhiên 857,18 km2, dân số toàn huyện gần 26 nghìn người, với 6.158 hộ, trong đó dân tộc thiểu số 5.964 hộ, chiếm 96,8%, với 7 dân tộc anh em đang sinh sống. Đến cuối năm 2018, toàn huyện có 3.219 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 52,27%, giảm 6,39% so với năm 2017. Ngoài phát triển các mô hình chăn nuôi thì trồng sâm là một chiến lược quan trọng giúp người dân thoát nghèo.
Về chiến lược dài hạn cho cây sâm của huyện Tu Mơ Rông, Phó Bí thư thường trực huyện Võ Trung Mạnh cho biết, với khí hậu ở độ cao nhất là đỉnh núi Ngọc Linh 2.600m, bà con nơi đây chủ yếu tập trung vào phát triển trồng cây dược liệu trong đó có cây sâm. Thu nhập bình quân đầu người hiện vào khoảng 20 triệu đồng/hộ/năm. Huyện cũng đã huy động các nguồn lực về vốn như lồng ghép vốn Chương trình 134, Chương trình 135 cùng vốn ngân hàng để phát triển mạnh dược liệu. Tuy nhiên, do rào cản phong tục, tập quán lạc hậu, địa hình phức tạp nên có khó khăn là bà con chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây. “Nếu trồng 1 sào sâm dây, chỉ sau 1,5 năm là cho thu hoạch thu về khoảng 50 triệu đồng, nhưng do vấn đề nhận thức nên không phải ai cũng làm”, Phó Bí thư Mạnh nói và cho rằng, huyện ủy, chính quyền địa phương đã và tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bà con, để không chỉ giữ được thương hiệu sâm quý mà còn giúp người dân có thu nhập, thoát nghèo bền vững.