Thông qua Nghị quyết đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Mục tiêu đặt ra là sẽ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Việc đầu tư xây dựng các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Khái toán cho toàn bộ Dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Dự án được áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả.
Diện tích đất của Dự án là 5.000 ha, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha.
Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3, hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo thực hiện Dự án gồm: Phê duyệt các quy hoạch và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến công tác xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác Cảng hàng không; Xây dựng phương án cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người dân có đất thu hồi; Quản lý và sử dụng hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng theo quy hoạch được duyệt của Dự án;
Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; tổ chức phát triển sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của Dự án; Đầu tư xây dựng hạ tầng và các hạng mục phụ trợ phục vụ thực hiện Dự án; Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bảo đảm an toàn, đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả đầu tư; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình đầu tư; Có đánh giá tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường; Huy động và cân đối các nguồn vốn đầu tư theo quy định của pháp luật; Không gây tác động xấu đến nợ công…
Đặc biệt, nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ hàng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án.
Trước đó, các ý kiến phát biểu tại Hội trường và gửi ý kiến tham gia bằng văn bản đều tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Một số ý kiến cho rằng do tính cấp thiết của Dự án, đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm đưa Dự án vào khai thác.
Có ý kiến cho rằng việc quy hoạch, quản lý quy hoạch, chủ trương đầu tư phải có tầm nhìn lâu dài; tăng cường công tác giám sát của các cấp, các ngành, đặc biệt vai trò giám sát của Quốc hội, kết quả giám sát cần phải công khai để người dân biết.
Nhiều ý kiến yêu cầu phải tăng tính công khai, minh bạch, tính chịu trách nhiệm, phải có những giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quá trình đầu tư, ngăn chặn không để nhóm lợi ích chi phối quá trình triển khai thực hiện Dự án; bảo đảm suất đầu tư, chất lượng, công nghệ tương đương với các cảng hàng không hiện đại khác trong khu vực; đảm bảo nguồn nhân lực vận hành, năng lực cạnh tranh và yêu cầu phải đạt hiệu quả kinh tế - xã hội.
Cùng ngày, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).