Thu hút đầu tư sản xuất nông sản sạch
Phát triển thị trường nông sản sạch: Nhiều nút thắt cần tháo gỡ | |
Đưa hàng chất lượng cao vào chợ phiên |
Khó khăn chưa được tháo gỡ
Chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC), theo hướng an toàn đang được các bộ, ngành Trung ương khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, thực tế là ở các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.
Doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao |
Cùng với một số địa phương khác, Nghệ An cũng là tỉnh đang tập trung ứng dụng CNC vào sản xuất nông sản sạch. Thế nhưng, vấn đề này trong suốt những năm qua vẫn chưa thể tìm ra được giải pháp mang tính bền vững bởi điệp khúc “được mùa, rớt giá” liên tục lặp lại với người nông dân.
Mặt khác, việc lựa chọn ngành nghề, đầu ra cho sản phẩm vẫn đang bị tắc khi tiến hành sản xuất đại trà... Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc lựa chọn cây gì để trồng, con gì để nuôi đối với nông nghiệp ở Nghệ An vẫn còn mang tính tự phát, theo phong trào.
Thực tế, trong tổng số 9.502 ha đất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh thì đã có đến 6.768ha đất tập trung ở các hộ nông dân. Ông Nguyễn Văn Lập - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đang được các cấp, ngành ở Nghệ An quan tâm, khuyến khích đầu tư phát triển.
Đặc biệt, việc thu hút DN có tiềm lực về tài chính để đầu tư vào lĩnh vực này cũng đang được tập trung mời gọi. Làm được điều này chính là tạo ra các xâu chuỗi về sản xuất, tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Ngược lại, người dân cũng cần tuân thủ các định hướng về thị trường sản phẩm, quy trình sản xuất đảm bảo sạch, an toàn để giữ thương hiệu nông sản của địa phương.
Tỉnh Nghệ An cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất về thủ tục thuê đất, thuỷ lợi, thuế, bảo hộ thương hiệu sản phẩm… cho DN tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đang đề xuất với UBND tỉnh và HĐND tỉnh dành nguồn hỗ trợ địa điểm kinh doanh bán hàng theo chuỗi với mức 3 triệu đồng/địa điểm/tháng;
Về nhà lưới, không quá 300 triệu đồng/mô hình, tối thiểu 1.000m2... Định hướng là vậy, nhưng nhiều vướng mắc trong thực hiện các thủ tục để ưu tiên cho lĩnh vực này vẫn chưa được tháo gỡ trong thực tiễn. Đặc biệt, vai trò của nhà nước, nhà khoa học, nhà nông vẫn chưa được định hình rõ nét, hiệu quả.
Cần những “thủ lĩnh” tiên phong
Để hỗ trợ cho nông nghiệp ứng dụng CNC, Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định 14 về việc phê duyệt quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 5 đến 7% diện tích canh tác đất nông nghiệp ứng dụng CNC;
Quy hoạch 20 đến 25 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng diện tích 7.687 ha cho ra các sản phẩm chủ lực gồm: Rau, lúa, lạc, chè, mía, cây ăn quả, cây dược liệu, giống cây lâm nghiệp, bò sữa, bò thịt, lợn thịt, gia cầm và nuôi tôm thẻ chân trắng; Hình thành một khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tập trung tại huyện Nghĩa Đàn với quy mô 200 ha; Có từ 1-2 DN được công nhận DN nông nghiệp CNC.
Nghệ An cũng đưa ra nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trong thời gian tới như, kêu gọi, xúc tiến đầu tư, xây dựng chính sách thu hút DN có tiềm lực tham gia vào các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm; hỗ trợ các tổ chức, DN, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục, tiềm năng, thị trường, đối tác… Và, để thực hiện thành công quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp...
Theo đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An, trong các giải pháp triển khai cho nông nghiệp ứng dụng CNC thì địa phương đặc biệt coi trọng tiềm năng đầu tư từ DN. Về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước… tỉnh có thể khắc phục được. Nhưng, để thu hút được DN đầu tư vào lĩnh vực này thì còn không ít vướng mắc.
Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An cho rằng, cần lấy DN để làm trung tâm vệ tinh thu hút các mô hình hợp tác xã, nông dân… tham gia. Đơn cử, hợp tác xã A làm tốt khâu tuyển chọn giống, hợp tác xã B sẽ làm khâu gieo trồng, cơ giới hoá… rồi DN đứng ra làm “bà đỡ”.
Tương tự, người dân cũng sẽ xoay quanh vệ tinh của DN để thực hiện. Hợp tác xã kết nối với DN để chuyển giao công nghệ và lựa chọn một khâu nào đó để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Thực tế, để triển khai chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi quy trình rất chặt chẽ. Chính vì vậy, cần lựa chọn các DN trung tâm có đủ năng lực.