Phát triển thị trường nông sản sạch: Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Đưa hàng chất lượng cao vào chợ phiên | |
Chuyển vốn vào sản xuất nông sản sạch |
Nhu cầu rất lớn
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, đến nay, 33 tỉnh, thành đã có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 70 nghìn ha. Công ty Nielsen ước tính, giá trị tổng thị trường hữu cơ tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là khoảng 400 tỷ đồng/năm. Giới chuyên gia cho rằng, đối với người nông dân, đây có thể là con số lớn nhưng thực ra vẫn còn khá nhỏ so với sức mua của người tiêu dùng hiện nay.
Các sản phẩm được canh tác theo phương pháp hữu cơ hút khách |
Ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nhận định, so với cách đây 10 năm, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng từ hơn 10 nghìn ha lên hơn 76 nghìn ha (2018), tương đương sản lượng cũng tăng lên 4 lần. Tuy nhiên, hiện cũng mới đáp ứng được vài phần trăm nhu cầu.
Theo TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - đại diện Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), hiện một số trang trại, DN lựa chọn con đường canh tác theo phương pháp hữu cơ, hoặc canh tác sử dụng hóa chất theo tiêu chuẩn. Ở phía tiêu thụ, nhiều DN bán lẻ, nhà hàng, nhà xuất khẩu… rất quan tâm đến việc tìm nguồn nông sản sạch an toàn cho con người và môi trường để đưa ra thị trường. Cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sự ra đời của Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ.
Nhìn vào những chuyển động ở cả 3 bên: Sản xuất, tiêu thụ và cơ quan quản lý có thể thấy những tín hiệu tích cực và đáng mừng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao sản xuất nông sản sạch “chậm lớn”, và vì sao bên tiêu thụ vẫn chật vật tìm nguồn sạch và đa số người tiêu dùng khó tiếp cận nông sản sạch?- bà Nguyễn Thị Hồng Minh băn khoăn.
Liên quan đến vấn đề này, bà Từ Thị Tuyết Nhung - Trưởng Điều phối Hệ thống giám sát và đảm bảo chất lượng được vận dụng trong dự án Phát triển khung sản xuất và thị trường cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, sản xuất chưa có định hình rõ nét, thị trường vẫn còn đang nghi ngại bởi quy trình đánh giá, quá trình tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn. Đây là những vấn đề cốt lõi trong việc phát triển thị trường cho nông sản sạch nói chung và nông sản hữu cơ nói riêng. Nếu không khắc phục căn bản vấn đề này, nông sản sạch khó tiến xa được.
Thực tế, hiện nay giá thành sản phẩm hữu cơ cao hơn so với sản phẩm thông thường từ 3-4 lần. Tuy giá đắt đỏ, nhưng người tiêu dùng nhiều khi lại tỏ ra nghi ngờ “liệu chăng có đúng là sản phẩm hữu cơ hay không”?
Ông Hà Phúc Mịch cho hay, mức giá bán này là không có cơ sở, nếu làm đúng quy trình và minh bạch thì giá không cao như vậy. Thông thường ở các nước phát triển, giá thành sản phẩm hữu cơ cũng chỉ cao hơn 15-30% sản phẩm thông thường và giá bán cao hơn 1,5 lần là đã chấp nhận được. Cũng theo ông Hà Phúc Mịch, thời gian trước đây, do chưa có chính sách rõ ràng nên đã có nhiều DN tự xưng danh “hữu cơ”, và điều này làm cho người tiêu dùng nghi ngại.
Gợi mở những hướng đi
Hiện có khoảng 100 DN trong lĩnh vực nông sản hữu cơ, nhưng hầu hết sản phẩm để xuất khẩu và nhiều người Việt chưa được thụ hưởng. Trong khi đó, nhu cầu trong nước rất lớn, nhưng đang bị bỏ ngỏ. Ông Hà Phúc Mịch cũng cho biết, hiện có rất nhiều DN ngoại đưa thực phẩm hữu cơ vào tiêu thụ tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là liệu người Việt có khả năng tạo ra sản phẩm hữu cơ tự cung cấp trong nước không, hay sẽ nhường sân chơi này cho DN nước ngoài?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là chuộng các loại nông sản hữu cơ, đây là cơ hội cho những DN bán lẻ nhân rộng mạng lưới phân phối để đưa sản phẩm sạch ra thị trường.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, có đến 85% nông sản tiêu thụ qua các kênh truyền thống là ngoài chợ, shop nhỏ lẻ hay là gánh hàng ven đường và chỉ có 15% còn lại là qua kênh hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Hệ thống bán lẻ nông sản sạch, nông sản hữu cơ vẫn chưa nhiều, nếu có chỉ tập trung ở các khu vực trung tâm thành phố nên nhiều người tiêu dùng vẫn chưa tiếp cận sản phẩm này dù nhu cầu cao.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan nhận định, sản phẩm nông sản hữu cơ có thể xuất khẩu chứng tỏ chất lượng tốt. Thị trường trong nước cũng đang có nhu cầu rất lớn, vì vậy đầu ra đã có, chỉ cần DN biết cách đầu tư sản xuất, phát triển hệ thống bán lẻ để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Còn theo ông Hà Phúc Mịch, việc Chính phủ ban hành Nghị định 109/2018/NĐ - CP ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ và có hiệu lực từ 15/10/2018 sẽ là tiền đề, là cú hích lớn cho nông nghiệp hữu cơ phát triển.
Để phát triển thị trường cho nông sản sạch nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng, nhiều ý kiến cho rằng, UBND các tỉnh, thành phố cả nước cần sớm triển khai đưa Nghị định 109/2018/NĐ-CP vào thực tiễn địa phương. Cùng với đó, có thể bổ sung thêm các chính sách ưu tiên của tỉnh cho phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Một trong số những thách thức đối với phát triển nông nghiệp hữu cơ là cần sự đầu tư xứng tầm và tiếp cận thị trường đúng hướng để đưa sản phẩm đến được với người tiêu dùng. Do đó, cũng cần phải có thêm các quy định về sản xuất, hỗ trợ DN sản xuất - chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; có chủ trương quy hoạch và tập trung đầu tư sản xuất một số loại nông sản hữu cơ mà Việt Nam có thế mạnh.