Đưa hàng chất lượng cao vào chợ phiên
Phát triển chuỗi tiêu thụ rau, thịt an toàn: Nhu cầu cấp thiết | |
Kết nối cung cầu nông sản sạch |
Ảnh minh họa |
Từ một địa điểm chợ phiên nông sản an toàn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh (Sở NN&PTNT) tổ chức năm 2016, sau 2 năm, đến nay thành phố đã mở rộng thêm 5 địa điểm, tại các quận 1, 6, 10, quận Tân Bình, Bì̀nh Tân.
Chợ phiên nông sản tổ chức vào buổi sáng thứ bảy mỗi tuần. Đây không chỉ là nơi để các hộ nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp đưa hàng đến bán cho người tiêu dùng, mà còn là điểm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của một số DN nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao. Theo đơn vị tổ chức là Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (thuộc Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh), qua các kỳ chợ phiên, DN kết nối đã tiêu thụ được lượng nông sản trị giá khoảng 8,6 tỷ đồng/tháng.
Do sản phẩm bày bán được Sở NN&PTNT phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố kiểm tra từ khâu sản xuất, vận chuyển, lưu thông, phân phối đến khu vực buôn bán tại chợ phiên, nên đảm bảo đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, sản phẩm tham gia bán tại chợ phiên được chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP và tham gia đề án chuỗi thực phẩm an toàn thành phố.
Theo ông Trang Quốc Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Nông Phát (trang trại tại ấp 7, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn), công ty đầu tư sản xuất dưa lưới theo quy trình VietGAP ứng dụng công nghệ cao, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. DN đã rất thành công với sản phẩm dưa lưới Taki ruột cam, Taka ruột xanh.
Mặc dù sản phẩm dưa lưới của Nông Phát hiện phần lớn được xuất khẩu tới hệ thống siêu thị thuộc Tập đoàn Temasek của Singapore, nhưng công ty vẫn chú trọng thị trường trong nước thông qua tham gia các phiên chợ nông sản. Kết quả khá bất ngờ là mặc dù giá bán sản phẩm dưa lưới của công ty khá cao (65.000 đồng/kg dưa ruột cam và 55.000 đồng dưa ruột xanh) so với hàng cùng loại trên thị trường, nhưng lần nào cũng không đủ hàng bán đến cuối phiên.
Tương tự, Công ty TNHH Nông nghiệp Vineco Sagri (nông trại tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) chuyên sản xuất rau ăn lá, rau ăn quả ứng dụng công nghệ cao cũng chọn kênh chợ phiên nông sản an toàn để đưa hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, mặc dù sản phẩm thương hiệu Sagri thường cung cấp ra thị trường qua kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi là chính.
Mỗi kỳ tổ chức chợ phiên có gần 20 DN lớn nhỏ đưa hàng tham gia bán trực tiếp, đưa doanh thu mỗi phiên chợ (một buổi sáng) lên đến 200 triệu đồng. Và sau hai năm tổ chức, TP. Hồ Chí Minh đã cấp 183 giấy chứng nhận cho 90 trang trại, cơ sở sản xuất, cơ sở sơ chế tham gia chuỗi an toàn thực phẩm của thành phố và các tỉnh, với tổng sản lượng đến 102.000 tấn/năm.
Chị Phan Thị Thanh Hòa, ngụ tại đường Cách mạng Tháng Tám, quận 3, TP. Hồ Chí Minh cho biết, điểm thu hút để chị đến chợ phiên là ngày càng có nhiều DN tham gia bán hàng. Không chỉ có rau, quả, mà có đủ loại thực phẩm chế biến, thủy hải sản đông lạnh, gia vị khô (hạt tiêu), cà phê...
Những nông trại rau sạch nổi tiếng gần đây mà nhiều người tiêu dùng không có điều kiện tiếp cận mua sản phẩm (vì có ít cửa hàng) cũng có mặt như nông trại Cánh Cam, Trang Nông, Nấm Việt... Như vậy, người tiêu dùng như chị Hòa đã có thể yên tâm về nguồn hàng hóa chất lượng cao ở đây.
Theo Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh, việc các DN sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả tốt phần lớn nhờ vào chính sách hỗ trợ của thành phố. Và mới nhất là chính sách hỗ trợ 100% lãi suất cho vay sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12/2/2018 quy định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của HĐND thành phố về Ban hành quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020).
DN nông nghiệp trên địa bàn đã tận dụng tốt lợi thế về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn, nhất là các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.