Thu hút khách bằng dịch vụ mới
“Đất lành” cho bất động sản du lịch | |
Du lịch hướng về thiên nhiên | |
Tháng 4 về, tín đồ du lịch rủ nhau tới Fansipan Legend |
Cơ hội “vàng”
Năm 2017, TP. Đà Nẵng sẽ liên tục tổ chức nhiều sự kiện lớn. Trong đó, có thể kể đến Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017-DIFF... Bởi vậy, theo nhiều người đây là cơ hội “vàng” để quảng bá, tiềm năng, là cú hích đối với ngành du lịch ở địa phương.
Theo kế hoạch, DIFF 2017 sẽ kéo dài trong hai tháng, bắt đầu từ 29/4/2017 đến hết 24/6/2017. Lễ hội pháo hoa năm nay tại Đà Nẵng mang chủ đề: “Tỏa sáng Ngũ Hành Sơn”, với sự tham gia của các quốc gia gồm, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Australia, Áo, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Italy và chủ nhà Việt Nam.
Bà Nà Hills thường rơi vào tình trạng quá tải trong dịp lễ tết |
Song hành, cùng với DIFF 2017 sẽ có nhiều hoạt động khác như: Lễ hội ẩm thực, lễ hội diều, lễ hội điêu khắc, lễ hội đường phố, triển lãm ảnh... cùng với nhiều chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia. Với việc kéo dài thời gian lễ hội trong hai tháng, giúp các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực du lịch có thể phục vụ được nhiều khách hơn nữa, khi đây cũng là thời điểm diễn ra lễ hội biển ở địa phương.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, đây là yếu tố thuận lợi, để các DN quảng bá hình ảnh Đà Nẵng như một điểm đến hấp dẫn cho du lịch hè. Tuy nhiên, khi kéo dài như vậy đòi hỏi DN phải chuẩn bị các chương trình dài hạn hơn, cùng những phương án hấp dẫn để đón, phục vụ tốt nhu cầu của du khách.
Đặc biệt, trong năm 2017 ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tham gia phục vụ sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức vào tháng 11. Tại sự kiện này, có sự tham dự của đại diện các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên. Bên cạnh, còn có khoảng 2.000 đại biểu chính thức, 3.000 phóng viên báo chí, 5.000 nhà DN và các đại biểu không chính thức. Đây sẽ là một cơ hội lớn để địa phương thể hiện tiềm năng của một thành phố cửa ngõ ở miền Trung, trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Chuẩn bị cho sự kiện này, ngành du lịch địa phương đã xây dựng các clip, video quảng bá về du lịch Đà Nẵng. Bên cạnh, phát động cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ năm APEC. Đối với các cơ sở lưu trú, tính đến nay trên địa bàn thành phố đang có khoảng hơn 570 khách sạn với 21.324 phòng.
Đáp ứng nhu cầu của du khách, trong năm 2017 một số cơ sở lưu trú mới sẽ được khai trương như, Khu phức hợp Diamond Tower Đà Nẵng; khách sạn JW Marriot; Tổ hợp căn hộ, thương mại dịch vụ và khách sạn Alphanam Luxury hay dự án Hoa Binh Green Dannang do CTCP Hòa Bình làm chủ đầu tư… Được biết, các cơ quan chức năng đã khảo sát để dành 13.000 phòng tại các khách sạn, resort ven biển có tiêu chuẩn từ 4-5 sao phục vụ cho APEC 2017.
Đại diện Furama Resort cho rằng, với APEC 2017, không chỉ đơn thuần chuẩn bị về cơ sở hạ tầng để đón lãnh đạo của các nền kinh tế tới Đà Nẵng mà còn phải chuẩn bị cả về con người, văn hóa… giới thiệu những gì tốt nhất tới du khách.
Hấp dẫn bằng sản phẩm mới
Đón bắt những cơ hội để phát triển ngành du lịch, thời gian qua chính quyền thành phố lẫn các DN, hãng lữ hành đã tích cực chuẩn bị đón đầu cho những sự kiện này. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới để hấp dẫn du khách.
Thực tế, tại TP. Đà Nẵng việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới luôn được đặt ra những yêu cầu cấp thiết. Bởi, có thời điểm khách du lịch đến địa phương, quanh đi quẩn lại cũng chỉ biết đi Bà Nà Hills, chùa Linh ứng và danh thắng Ngũ Hành Sơn, chiều về tắm biển. Bởi vậy, thời gian lưu trú tại địa phương của du khách thường rất ngắn, dễ tạo cảm giác nhàm chán cho du khách. Đặc biệt, do thiếu điểm đến, thiếu các sản phẩm du lịch nên những điểm tham quan nổi tiếng như Bà Nà Hills thường rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt trong các dịp lễ tết...
Biết được những điểm yếu của mình, thời gian gần đây TP. Đà Nẵng đã và đang tích cực xây dựng thêm các sản phẩm du lịch để hấp dẫn du khách. Ngành du lịch địa phương đã xây dựng thêm một số sản phẩm du lịch mới như, ngắm hoàng hôn từ độ cao trên 500m trên bán đảo Sơn Trà, tour khám phá Sơn Trà bằng xe Jeep, tour ngắm voọc trên đỉnh Sơn Trà do Công ty Green Việt khai thác...
Dù có nhiều nỗ lực, song theo nhiều du khách Đà Nẵng vẫn thiếu những dịch vụ du lịch độc đáo, khác lạ so với địa phương khác. Trong khi, nhu cầu hiện nay của khách đi du lịch không chỉ là đến các khu điểm du lịch, tham quan và nghỉ ngơi mà họ còn mong muốn được tận hưởng, trải nghiệm những dịch vụ mới và độc đáo.
Đặc biệt, để phục vụ du khách tham gia những sự kiện lớn như APEC 2017, chất lượng dịch vụ, cũng như những sản phẩm độc đáo càng phải được ngành du lịch địa phương coi trọng. Chẳng hạn như khách có yêu cầu về các hoạt động ngoài trời thì địa phương gần như không có. Trước đây còn có lặn ngắm san hô hay chèo thuyền kayak, nhưng gần đây đã vắng bóng sau sự cố chìm tàu du lịch trên sông Hàn.
Ngoài những tiềm năng về du lịch biển, tiềm năng về du lịch đường sông ở Đà Nẵng cũng tương đối phong phú với hệ thống sông Cổ Cò, sông Cu Đê, đặc biệt là Sông Hàn. Bởi vậy, để tiếp tục tạo ra những sản phẩm du lịch mới, theo nhiều người địa phương cũng cần quan tâm xây dựng, phát triển các tuyến du lịch đường sông trên sông Hàn, Cổ Cò, sông Cu Đê…
Ngoài ra, phát triển hơn nữa các môn thể thao trên biển để du khách có thể tham gia như, lặn biển, kayak, lướt ván… Đối với các cơ sở lưu trú, để hấp dẫn du khách các chủ đầu tư cũng cần tạo ra những sự khác biệt về chất lượng cũng như dịch vụ trong từng sản phẩm du lịch. Trong đó, có việc đầu tư trang bị thêm cơ sở vật chất hiện đại, có bể bơi, phòng tập thể thao, khiêu vũ, spa… Bởi, nhu cầu của khách ngày càng tăng cao thì việc mang lại những tiện ích cho khách rất cần thiết, đặc biệt là các dịch vụ giải trí.