Tiến thêm một bước trong hành trình chống đô la hóa
Ưu thế nghiêng hẳn về VND
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 0-0,25% lên mức 0,25% đến 0,5%, NHNN khẳng định, cung - cầu ngoại tệ vẫn khá tốt và việc tỷ giá USD/VND những ngày vừa qua tại các NHTM tăng lên kịch trần chỉ là yếu tố tâm lý. Dường như để khẳng định cho nhận định trên, NHNN đã đưa ra động thái mới, khi ban hành Quyết định số 2589/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng Đôla Mỹ (USD) của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Việc giảm trần lãi suất tiền gửi USD, NHNN cùng một lúc đạt được hai mục tiêu trong điều hành tỷ giá |
Với quyết định này, từ ngày 18/12/2015, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ TCTD) là 0%/năm; mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0%/năm. Như vậy hiện tất cả vốn huy động USD của TCTD đều có lãi suất 0%. Bởi trước đó, ngày 25/9/2015, NHNN đã ban hành Quyết định số 1938/QĐ-NHNN giảm lãi suất tiền gửi USD của tổ chức (trừ TCTD) từ 0,25%/năm về còn 0%/năm; và giảm lãi suất tiền gửi USD của cá nhân từ 0,75%/năm về còn 0,25%/năm.
Lý giải cho động thái này, NHNN Việt Nam cho biết là để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ; chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ. Theo một chuyên gia kinh tế, việc giảm trần lãi suất tiền gửi USD, NHNN đã cùng một lúc đạt được hai mục tiêu trong điều hành tỷ giá những tháng cuối năm 2015.
Một mặt, NHNN đã làm giảm sự hấp dẫn của việc nắm giữ đồng USD của các nhà đầu tư, góp phần tăng USD vào lưu thông trên thị trường ngoại hối, giảm tình trạng găm giữ USD trên thị trường, giảm hoạt động đầu cơ. Áp lực phải dùng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng lên NHNN sẽ được giảm bớt.
Mặt khác, quyết định này còn tạo điều kiện cho các NHTM và NHNN tăng dự trữ ngoại tệ và ổn định thanh khoản đồng USD trên thị trường ngoại hối trong những tháng cuối năm 2015.
Quan sát tại một số cửa hàng mua – bán ngoại tệ tại phố Hà Trung, Hà Nội cho thấy, lượng người đến giao dịch đông hơn trước đây. Có thể nhiều người còn nắm giữ chút USD đem bán hoặc thấy gửi tại ngân hàng không được hưởng lãi suất nữa thì đem bán để chuyển sang gửi VND.
Trước băn khoăn về việc nên nắm giữ ngoại tệ hay tiền đồng, TS. Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, có thể thấy rõ rằng, nếu như dự đoán của tôi tỷ giá năm 2016 tăng không quá 5% thì so với lãi suất tiền gửi VND hiện là 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm thì gửi tiết kiệm VND vẫn có lợi.
Nguồn cung USD dồi dào
Tác động của việc giảm lãi suất USD sẽ tạo điều kiện cho các NHTM và NHNN tăng dự trữ nguồn USD. Các chuyên gia nhận định: Khó có khả năng người dân tiếp tục tích trữ USD, mà thay vào đó, các tổ chức, cá nhân sẽ bán đi một phần tiền gửi bằng USD đó để chuyển dịch sang VND.
Điều này khiến nguồn cung bằng đồng USD dồi dào hơn. Khi người dân có sự chuyển đổi này, tính chung trên thị trường, vốn ngoại tệ huy động thành vốn ngoại tệ thương mại, vẫn nằm trong cấu phần vốn của các ngân hàng, nên không quá lo ngại về ảnh hưởng đối với thanh khoản và tín dụng ngoại tệ thời gian tới.
Ở góc độ khác, trước tình hình thị trường tiền tệ chịu nhiều rủi ro từ biến động thị trường thế giới như hiện nay, có thể thấy trong những tháng cuối năm 2015, việc giảm lãi suất USD xuống còn 0% là tiền đề tốt để người nắm giữ USD thay đổi phương án đầu cơ vào USD và chuyển sang nắm giữ VND góp phần cho ổn định tỷ giá.
Phân tích sâu về động thái này của NHNN, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia ngân hàng cho rằng, đây là động thái kịp thời của NHNN với hai mục tiêu chính, thứ nhất khẳng định thêm giải pháp nằm trong lộ trình chống đô la hóa nền kinh tế trong 3-4 năm nay. Thứ hai là động thái điều chỉnh yếu tố tâm lý trên thị trường xuất hiện trong những ngày qua, giảm sự đầu cơ và găm giữ ngoại tệ và áp lực tỷ giá sẽ nhẹ đi rất nhiều.
Trước lo ngại người dân đang gửi USD tại ngân hàng rút tiền sau khi lãi suất bằng 0%, TS. Cấn Văn Lực đã cho rằng, qua quan sát cũng như thực tiễn thì người dân sẽ không rút tiền gửi USD. Vì trước đây lãi suất tiền gửi USD vốn dĩ đã thấp, từ 0,25%/năm vào tháng 9/2015 thì nay về 0%/năm thì cũng chênh lệch không lớn. Người dân đã quen với việc gửi USD vào ngân hàng không phải vấn đề vì lãi suất mà cơ bản là có chút dự trữ để phục vụ nhu cầu thanh toán khi cần thiết. Thứ nữa là quan hệ cung - cầu USD trên thị trường khá ổn định.
Liên quan tới nguồn cung ngoại tệ, hiện kim ngạch xuất khẩu, giải ngân FDI, ODA vẫn tăng trưởng tốt, mỗi năm 10%. Trước đó, nói về cung - cầu thị trường, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định: cung - cầu ngoại tệ thì hiện đang có diễn biến tích cực. Chúng ta xuất siêu khoảng 500 triệu USD trong tháng 10 và tiếp tục xuất siêu khoảng 260 triệu USD trong tháng 11, bên cạnh đó số liệu về giải ngân vốn FDI thực hiện thì tăng trên 17%... Chưa kể lượng kiều hối hàng năm được kiều bào chuyển về nước khá lớn và tăng đều qua các năm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù lãi suất huy động USD bằng 0%, nhưng việc giảm lãi suất cho vay khó xảy ra. Vì lãi suất cho vay USD hiện nay khá thấp, ngắn hạn phổ biến ở mức 3-5,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,5-6,7%/năm.
Với chủ trương giảm đô la hóa trong nền kinh tế NHNN sẽ không khuyến khích tăng tín dụng ngoại tê. Và một yếu tố quyết định nữa là người vay USD sẽ phải cân nhắc về độ rủi ro tỷ giá nhiều hơn, khi mà thị trường thế giới ngày càng biến động phức tạp.
Trái lại, với quyết định đưa lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm thì càng cho thấy người gửi VND có lợi thế, qua đó NH sẽ huy động vốn nhiều hơn, giữ được lãi suất cho vay VND ổn định.
Theo TS. Cấn Văn Lực, với quan hệ cung - cầu và giải pháp trấn an tâm lý thì NHNN có thể tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá những ngày cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải theo dõi sát để có những ứng biến kịp thời.
Ngoài việc duy trì ổn định tỷ giá, việc hạ lãi suất tiền gửi bằng USD sẽ giúp NHNN kiểm soát tốt hơn sự lưu chuyển của các dòng vốn, tăng lợi thế cho đồng VND do khoảng cách chênh lệch lợi suất giữa đồng USD và VND tăng. Đây cũng là một động thái nhằm lấy lại niềm tin của thị trường vào định hướng ổn định tỷ giá của NHNN. |