Tiếp cận tín dụng cải thiện tích cực
Điều kiện cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn | |
Trông chờ sự hợp tác từ nhiều phía | |
Vì sao nền kinh tế bứt tốc trong quý đầu năm? |
TS. Võ Trí Thành |
Đó là nhận định của Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Võ Trí Thành.
Ông đánh giá thế nào các chính sách tín dụng của NH đối với DNNVV?
Thời gian qua, các NHTM đã triển khai nhiều chính sách tín dụng đối với DNNVV. Sự quan tâm đó không chỉ vì hình ảnh mà thực sự DNNVV là đối tác quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh doanh của bản thân trên cơ sở “hai bên cùng thắng”.
Tỷ trọng các khoản cho DNNVV vay đã tăng lên đáng kể tại nhiều NHTM. Điều tra DNNVV gần đây cũng cho kết quả tương tự. Theo NHNN, dư nợ tín dụng DNNVV năm sau cao hơn năm trước. Tính đến 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt trên 1,292 triệu tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Nỗ lực đó của hệ thống NH mang lại những tin tức tốt lành đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, DNNVV nói riêng.
Những tin tốt lành như thế nào, thưa ông?
Theo Báo cáo của WB năm 2018, chỉ số Tiếp cận tín dụng năm 2018 của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. Xét cả về điểm số và thứ hạng, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của khu vực OECD và Đông Á - Thái Bình Dương. So với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm, cải thiện 3 bậc và là chỉ số cao thứ 2 trong 10 chỉ số của Việt Nam trong báo cáo. Cùng với 5 chỉ số tăng bậc khác, chỉ số Tiếp cận tín dụng đã giúp cho xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2017, đứng vị trí 68/190.
Đáng lưu ý nữa, Việt Nam đã đạt mục tiêu đề ra về chỉ số Tiếp cận tín dụng trong Kế hoạch hành động của ngành NH góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Nó cũng phản ánh nỗ lực không dừng của Việt Nam và ngành NH qua nhiều năm. WB ghi nhận những thay đổi tích cực trong khung khổ pháp lý của Việt Nam liên quan đến việc mở rộng diện tài sản thế chấp và hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng kể từ năm 2008 đến 2017.
Kết quả về chỉ số Tiếp cận tín dụng và cả xếp hạng môi trường kinh doanh nói chung của Việt Nam là tích cực, đáng mừng. Song nhìn rộng và sâu hơn, vẫn còn đó không ít nỗi trăn trở, lo âu và đằng sau là những vấn đề chính sách, thực thi.
Cụ thể là những vấn đề gì?
Điểm số Tiếp cận tín dụng 75 của Việt Nam là khá tốt song vẫn còn xa so với chuẩn 100 và thua nhiều thông lệ, chuẩn mực khác. Chỉ số Tiếp cận tín dụng nêu trên rất nền tảng song có thể chưa đầy đủ khi nhìn vào rào cản cố hữu trong tiếp cận tín dụng ở Việt Nam.
Trong nghiên cứu của CIEM và Vietcombank từ năm 2006 cũng đã chỉ ra những trở ngại này đối với DNNVV trong tiếp cận tín dụng NH bao gồm: không có tài sản thế chấp; chuẩn mực kế toán thấp; chi phí thu thập thông tin và hành chính cao; dự án đầu tư kinh doanh không khả thi. Ngoài ra, định mức tín nhiệm và các khung khổ bảo lãnh cũng rất có ý nghĩa đối với việc tiếp cận tín dụng của khu vực DNNVV.
Giảm thiểu, xóa bỏ rào cản là cần thiết song theo tôi là chưa đủ mà đòi hỏi cả thích ứng và bắt nhịp với xu thế mới, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cách nhìn về tiếp cận tài chính hay tiếp cận tín dụng cũng vậy. Việt Nam đang rất cần tăng trưởng và phát triển dựa trên tăng năng suất. Hiện thực hóa thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực cho công cuộc đó.
Những vấn đề nêu trên hàm ý rằng cần có cách tiếp cận rộng hơn nhiều chứ không đơn thuần chỉ căn cứ trên chỉ số Tiếp cận tín dụng. Chúng cũng gợi mở không ít chính sách có thể nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và cả sức bật của DNNVV cùng các DN khởi nghiệp cho một Việt Nam ngày càng sáng tạo. Để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc của cả Chính phủ, DN, NHTM cùng các định chế tài chính khác và các hiệp hội ngành nghề…
Xin cảm ơn ông!