Tiếp tục siết sở hữu chéo
Không có chuyện “giãn thời hạn xử lý sở hữu chéo” | |
Hạn chế rủi ro từ sở hữu chéo | |
Khi ngân hàng thoái vốn |
Trong một cuộc chia sẻ về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm, mới đây, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng nói rằng, về sở hữu chéo, thời gian qua NHNN đã chỉ đạo, giám sát các TCTD đẩy nhanh xử lý sở hữu chéo qua việc chuyển nhượng, thoái vốn, mua bán, sáp nhập… đến nay sở hữu cổ phần và sở hữu chéo đã giải quyết cơ bản, tình trạng ngân hàng đã minh bạch hơn.
Siết sở hữu chéo sẽ giúp các TCTD phát triển lành mạnh, bền vững |
Tình trạng sở hữu chéo, các nhóm chi phối đã nhận diện được và xử lý, kiểm soát đáng kể, nhóm chi phối ngân hàng đã giảm mạnh. Cụ thể, đến cuối năm 2017, không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn trong hệ thống ngân hàng. Số tổ chức tín dụng sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống còn 2 cặp. Sở hữu ngân hàng với doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp. Số tổ chức tín dụng sở hữu hơn 15% cổ phần nay chỉ còn 3 - 4 trường hợp, so với 19 trường hợp vào năm 2012.
Mặc dù sở hữu chéo đã giảm đáng kể, tuy vậy Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng chia sẻ, xử lý sở hữu chéo gặp khó vì có trường hợp cố tình nhờ đứng tên hộ. Việc này rất tinh vi và sai phạm nên thanh tra phải kỹ lưỡng mới phát hiện ra.
Thống kê có thể thấy trong mọi nguyên nhân thì nhân sự điều hành là yếu tố chủ chốt cần giải quyết nhất trong vấn đề sở hữu. Thế nên, những quy định bổ sung về việc siết nhân sự điều hành trong Thông tư 06/2016/TT-NHNN, Luật Các TCTD sửa đổi 2017 tiếp tục là công cụ bổ trợ để sớm chặt “vòi bạch tuộc”, xóa tình trạng sở hữu chéo tiếp tục được chú trọng trong tương lai.
Cụ thể, tại Luật Các TCTD sửa đổi đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về chức danh chủ tịch HĐQT, Hội đồng thành viên và Ban điều hành; các quy định về giới hạn sở hữu để đại chúng hóa hoạt động của ngân hàng; các quy định về góp vốn cũng rõ ràng hơn... tiêu chuẩn lãnh đạo tại ngân hàng cũng được siết lại theo hướng chặt chẽ hơn. Người có tiền, sở hữu hoặc thâu tóm lượng lớn cổ phần không có nghĩa là dễ dàng ngồi vào cơ cấu HĐQT ngân hàng mà còn phải đảm bảo quy định về năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực liên quan.
Với các quy định cụ thể hơn, nhiều “sếp” ngân hàng đang kiêm nhiệm tại nhiều vị trí khác trong các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực ngân hàng buộc phải lựa chọn “ghế nóng”. Đơn cử như bà Thái Hương - Tổng giám đốc BacABank buộc phải rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk sau 10 năm gắn bó. Hay như ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng từ chức khỏi vị trí Chủ tịch của Công ty Him Lam để tập trung vào Sacombank. Ông Minh cho biết, để được ứng cử vào HĐQT Sacombank, NHNN đã có xem xét rất kỹ lưỡng trước khi phê duyệt.
Một chuyên gia kinh tế nói, sau nhiều năm đẩy mạnh xử lý tình trạng sở hữu chéo thì nay, những quy định mới sẽ góp phần đẩy nhanh hơn tiến trình này, đặc biệt là tình trạng thao túng của nhóm cổ đông lớn.
Ông Bùi Quang Tín - Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân BizLight nói, sự đảm nhiệm đồng thời các chức danh tương đương làm cho tình hình sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng khó kiểm soát. Do vậy, khi có những quy định chặt chẽ vấn đề này thì việc cho vay vốn ở sân sau sẽ giảm hẳn. Đồng thời, việc minh bạch về cổ phần sở hữu của những nhân sự đứng đầu trong các TCTD sẽ giúp cho thị trường tài chính phát triển lành mạnh hơn, giảm được sự liên kết bè phái, lợi ích nhóm. Tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, bền vững trong tương lai…
Điều 55 Luật Các TCTD 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2017 quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần như sau: Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD; Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD; Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác. |