Tiết kiệm vẫn giữ được ưu thế
Tư vấn gửi tiết kiệm tại ngân hàng | |
Nhiều lựa chọn với lãi suất sau Tết | |
Gửi tiết kiệm nhận vàng tại SHB |
Đứng trước sự cạnh tranh của các kênh đầu tư khác, ngay từ đầu năm 2018 các NHTM đã tung ra nhiều sản phẩm để thu hút người gửi tiền tiết kiệm. Mặc dù, có quan điểm cho rằng năm nay chứng khoán và bất động sản là hai kênh đầu tư có sức hấp dẫn vượt trội.
Ảnh minh họa |
Điểm nổi bật là mỗi NHTM có cách thu hút người gửi tiền khác nhau, thể hiện sự cạnh tranh rõ rệt giữa các kênh đầu tư. Có ngân hàng chọn cách tập trung tăng lãi suất, theo hướng gửi kỳ hạn dài như VietCapitalBank đã tăng lãi suất cao nhất 8,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, VietABank cũng đã tăng lên mức này với kỳ hạn 24 tháng.
Không chỉ các ngân hàng nhỏ mà tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank… cạnh tranh trong huy động tiết kiệm cũng đã xuất hiện với mức lãi suất bình quân là 5,5% - 6%/năm cho kỳ hạn 1 - 6 tháng và 7% - 7,5%/năm cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
Ở một khía cạnh khác, một số NHTM không quảng bá rầm rộ việc tăng lãi suất huy động nhưng cũng không làm người gửi tiền thất vọng khi công bố giá trị quà tặng có giá trị cao trực tiếp vào tài khoản cũng như có thỏa thuận lãi suất tùy theo số tiền gửi của từng khách hàng. Chẳng hạn, OCB cho biết tuỳ từng chương trình mà ngoài lãi suất ưu đãi, người gửi tiết kiệm tại OCB từ 1 triệu đồng có thể tham gia tích điểm và nhận quà. Tổng giá trị quà tặng cho mỗi chương trình lên tới vài tỷ đồng.
Nổi bật hơn, một số NHTM lại chọn cách tăng lãi suất qua kênh phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) để thu hút người gửi tiền. Chẳng hạn VIB, từ cuối năm 2017 đã chính thức triển khai phát hành CCTG bằng VND với mức lãi suất 8,7%/năm cho các khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ trên toàn hệ thống. Cụ thể, khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 10 triệu đồng với kỳ hạn 61 tháng và 84 tháng, tương ứng mức lãi suất là 8,5%/năm và 8,7%/năm. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức lãi suất CCTG cao nhất vì NCB phát hành CCTG bằng VND với lãi suất lên tới 8,8%/năm. VPBank có thời điểm phát hành CCTG lãi suất kỷ lục 9,2%/năm…
Xét ở thời điểm hiện tại, nhiều NHTM đang theo đuổi mục tiêu kinh doanh bán lẻ, đặc biệt tập trung cho vay tiêu dùng. Theo đó, nhu cầu nguồn vốn trung và dài hạn của các ngân hàng cũng tăng cao để đáp ứng quy định cũng như để cho vay.
Thực tế, trong cạnh tranh, mỗi ngân hàng vẫn phải chọn giải pháp tăng lãi suất để thu hút khách hàng mới. Hay đối với việc kinh doanh thì tăng lãi suất để tăng cường huy động vốn cũng là hình thức đảm bảo cho kế hoạch đẩy mạnh phát triển kinh doanh trong thời gian tới.
Hiện nay chủ trương của Chính phủ và NHNN hướng đến là giảm lãi suất cho vay đối với DN, nên NHTM chỉ có thể điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dài ở mức vừa phải. Nhưng để thu hút được khách hàng cũng như cạnh tranh được với các kênh đầu tư khác, nhiều NHTM đã đúng khi chọn cách tăng lãi suất trong việc phát hành CCTG.
Đồng thời, giải pháp này cũng giúp các ngân hàng bổ sung nguồn vốn cấp 2 nhằm hướng đến mục tiêu tuân thủ Basel II, nâng hệ số CAR lên mức cao hơn. Ngoài ra, phát hành CCTG cũng giúp ngân hàng hút được nguồn vốn tốt để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng nguồn vốn trung dài hạn, nâng cao các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động và cơ cấu nguồn vốn huy động của ngân hàng theo hướng ổn định.
Tính đến thời điểm này, thanh khoản của các ngân hàng đang được đánh giá là dồi dào và đang từng bước chuẩn bị nguồn để đáp ứng cầu vốn trong năm 2018. Theo đó, người gửi tiền có thể yên tâm lựa chọn những ngân hàng uy tín, có nền tảng kinh doanh tốt để gửi tiền hưởng lợi ích so với các kênh đầu tư khác.