Tìm cơ chế đột phá xử lý nợ xấu
Động lực xử lý nợ xấu | |
Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu: Cơ sở để xử lý toàn diện, triệt để | |
Tăng khả năng chống đỡ các cú sốc |
Đã đến lúc cần có giải pháp đột phá, quyết liệt, đồng bộ để xử lý dứt điểm hơn về nợ xấu là đề xuất của các diễn giả tại Hội thảo về hoàn thiện mô hình và cơ chế xử lý nợ xấu (XLNX) cho VAMC vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua. Đâu là những điểm nghẽn quan trọng cần được tháo gỡ. Phóng viên Thời báo Ngân hàng trích dẫn một số ý kiến của những người trong cuộc về vấn đề này.
TS. Nguyễn Tiến Đông Chủ tịch HĐTV VAMC
Không giải quyết nợ xấu, chi phí nền kinh tế sẽ tiếp tục cao
Theo số liệu công bố gần đây nhất, nợ xấu toàn hệ thống NH Việt Nam hiện khoảng 2,8%. Cộng phần bán cho VAMC khoảng 3% thì nợ xấu của hệ thống cũng xấp xỉ 6%. Điều này cho thấy, số nợ xấu hệ thống NH phải xử lý trong thời gian tới là tương đối lớn. Trước thực tế này, VAMC xác định trong giai đoạn 2016 – 2021 sẽ tập trung phân loại, xử lý nợ theo hướng gom nợ xấu lại rồi phân loại thế nào, xác định thực trạng, có hướng phù hợp với từng khoản nợ, từng khách hàng…
Cùng với đó, VAMC đang rà soát, xây dựng từ mô hình tổ chức đến cơ chế hoạt động để làm sao VAMC thực sự là cơ quan XLNX cho ngành NH và rộng ra là nền kinh tế. Mục tiêu chính trong XLNX là tái tạo nguồn lực cũng như giảm chi phí vốn cho nền kinh tế. Nếu như nợ xấu không được khơi thông mà vẫn bị chôn ở đây, thì lãi suất cho vay không thể hạ được, chi phí vốn sẽ đắt đỏ hơn kỳ vọng.
Ảnh minh họa |
Đến thời điểm này, phải khẳng định nguồn hỗ trợ ngân sách chắc chắn không có, muốn VAMC phát huy được vai trò thì phải có thực lực theo đúng nghĩa, có cơ chế xử lý, tạo hướng đi cụ thể cho VAMC. Vì vậy, tôi kiến nghị, trước hết, về mặt hành lang pháp lý, thực thi luật pháp của cơ quan hành pháp phải rõ ràng, minh bạch giữa quyền lợi nghĩa vụ của các bên như TCTD với khách hàng.
Cơ chế này phải đảm bảo công bằng cho các chủ nợ. Ngay cả người xử lý nợ như VAMC, DATC… cũng phải được bảo vệ. Nếu không có cơ chế thông thoáng thì rất khó tạo động lực cho những tổ chức thúc đẩy XLNX.
Mục tiêu định hướng lâu dài của VAMC trong thời gian tới là chúng tôi sẽ không chỉ quản lý nợ nội bảng mà cả ngoại bảng, dù TCTD có trích lập dự phòng bù đắp nhưng vẫn cần theo dõi xử lý để đảm bảo nợ xấu xử lý thực chất.
TS. Cấn Văn Lực Giám đốc Trường đào tạo nguồn nhân lực BIDV
Tăng quyền năng cho VAMC
Theo tổng hợp hoạt động gần 40 công ty XLNX tập trung của các nước tôi thấy họ có điểm chung là đều có đặc quyền riêng. Chỉ riêng có trường hợp công ty Kamco của Hàn Quốc không cần đặc quyền riêng mà vì pháp luật của nước này công bằng, tương đối hoàn hảo.
Nếu đối chiếu với VAMC thì công ty này gần như không có đặc quyền gì trong cơ chế như mua bán nợ, thu giữ tài sản, phát mại tài sản... Mà đặc quyền trong thu giữ, bán tài sản đảm bảo là phương thức xử lý quan trọng đẩy nhanh tiến độ XLNX. Không có đặc quyền, nguồn nhân lực, vốn rất hạn hẹp… cho thấy hoạt động của VAMC đang bị bó hẹp.
Dù VAMC chỉ là một trong 6 phương thức XLNX nhưng đây là phương thức quan trọng. Chính vì vậy, tại Dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và XLNX mà NHNN trình Chính phủ đã đưa ra rất nhiều bất cập vướng mắc về pháp lý cần tháo gỡ cho VAMC để công ty này phát huy được vai trò của mình, đóng góp tích cực hơn đối với tiến trình XLNX của hệ thống NH.
Vấn đề theo tôi phải hết sức lưu ý đó là tăng quyền năng của VAMC, tập trung ở một số điểm sau: Đó là quyền đấu giá, định đoạt TSBĐ vô cùng quan trọng, cho phép bán dưới giá mua vào nếu bắt buộc phải bán. Ở Trung Quốc, có những khoản nợ chỉ bán được 5% so với giá trị của nó nhưng họ vẫn bán vì DN đó quá yếu kém, coi như là hàng “đồng nát”, nếu để lại còn thiệt hơn là bán.
Theo tôi, Việt Nam cũng cần chấp nhận bán giá thấp, theo giá thị trường đối với một số khoản nợ xấu để tạo xúc tác và quay vòng vốn. Đặc biệt phải có cơ chế chia sẻ lãi - lỗ. Vì sao nó quan trọng? Bởi trách nhiệm hình sự hóa các hợp đồng kinh tế của Việt Nam rất nặng nề. Nếu không có cơ chế rõ ràng, người xử lý nợ không dám làm ngay cả khi bán nợ theo giá thị trường.
Tôi cũng mạnh dạn đề xuất cho phép VAMC sử dụng một phần nguồn lực nhà nước để bổ sung vốn cho VAMC. Tôi được biết, Chính phủ có vẻ nghiêng về đồng ý sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DNNN.
Ngoài ra VAMC nghiên cứu phát hành một loại trái phiếu có tính thị trường, thanh khoản cao hơn trái phiếu đặc biệt để tăng nguồn lực cho cơ quan này. Có ý kiến phát hành trái phiếu này như TPCP liên quan đến áp lực nợ công. Nhưng theo tôi, những lúc cần XLNX cấp bách, nợ công bị dình lên một chút cũng không phải vấn đề lớn vì chúng ta phải tính tổng hòa lợi ích của nền kinh tế.
Chúng ta có thể nghiên cứu cơ chế cho phép VAMC nhận ủy thác quản lý, XLNX. Hiện nhiều NĐT nước ngoài quan tâm nhưng họ không được phép nhận tài sản. Cách này ở Hàn Quốc họ cho phép một công ty đứng ra nhận ủy thác và thực hiện khá thành công…
Bà Lê Thị Hồng Vân Giám đốc Trung tâm xử lý nợ Eximbank
Bớt nhiêu khê thủ tục khởi kiện
Thực tế, tuy bán nợ cho VAMC, việc xử lý nợ phần lớn do các NH cũng là chủ nợ cũ đảm nhiệm. Vậy NH đang cần cái gì? Với góc độ là người trực tiếp xử lý nợ, tôi cho rằng, hỗ trợ đầu tiên và quan trọng nhất là hỗ trợ về mặt chính sách. Một vướng mắc được đề cập đến rất nhiều nhưng vẫn chưa được tháo gỡ đó là biện pháp xử lý tài sản.
Đối với khách hàng hợp tác nói chung mọi thứ rất đơn giản từ thương lượng bán tài sản, cơ cấu khoản nợ… Nhưng với khách hàng không hợp tác thì NH bó tay chỉ có mỗi cách duy nhất nhờ cơ quan luật xử lý mà con đường này rất nhiêu khê.
Tôi có thể lấy ví dụ thực tiễn đã trải qua đối với trường hợp khách hàng đã được NH xác định đang ở nơi cư trú đó nhưng hộ khẩu chỗ khác. Khi NH khởi kiện lên tòa, tòa bắt phải có xác nhận nơi cư trú. Xuống làm việc với công an khu vực họ không xác nhận với lý do người đó không có hộ khẩu ở đây…
Không giải quyết được những vướng mắc trên thì hồ sơ khởi kiện của NH cứ ngâm tại tòa. Rồi có trường hợp ra thi hành án rồi, nhưng có thể do quá tải nên cơ quan này cũng xử lý theo ưu tiên tập trung giải quyết vụ án dễ và thuộc thành phần “ưu tiên”. Mà như chúng ta biết, hồ sơ NH khởi kiện phần lớn phải dùng biện pháp mạnh mới giải quyết được, chắc chắn nhiều cơ quan ngại đụng chạm.
Qua nhiều lần đề xuất và được hứa hẹn chúng tôi vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ Thông tư liên tịch số 11 quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự để giải quyết vướng mắc kiện tụng trên. Thời gian tới, chúng tôi tha thiết đề nghị cần nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể để các NH có thể thu hồi, xử lý thêm những khoản nợ xấu đang bị ách tắc tại VAMC cũng như TCTD.