Tăng khả năng chống đỡ các cú sốc
Tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016-2020: Mạnh tay với sở hữu chéo | |
Sáp nhập Ngân hàng: Phương án tối ưu tái cơ cấu TCTD | |
Đẩy mạnh tái cơ cấu TCTD, phấn đấu đưa nợ xấu xuống dưới 3% |
Ông Võ Trí Thành |
Để hoàn thiện khung khổ pháp lý xử lý NH yếu kém, nợ xấu, NHNN đã trình Dự thảo Luật tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu.
Theo đánh giá của Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Võ Trí Thành, đây là thời điểm rất quan trọng để quyết liệt tái cấu trúc giúp hệ thống TCTD ngày càng lành mạnh hơn, tăng niềm tin thị trường đặc biệt là nhà đầu tư (NĐT) vào thị trường tài chính Việt Nam. Nền tảng đó không chỉ gắn với thời điểm, mang tính bước ngoặt của hệ thống NH mà cho cả nền kinh tế nhằm tăng khả năng chống đỡ các cú sốc bên trong cũng như bên ngoài tốt hơn.
Những nội dung NHNN đưa ra tại dự thảo có đủ thuyết phục để sớm được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới không, thưa ông?
Thực ra, phải khẳng định rằng, ý tưởng về một luật chuyên biệt xử lý các vấn đề tái cơ cấu, nợ xấu không phải là quá mới mà nó được đề xuất cách đây khoảng 4 năm. Theo tôi, những chính sách đưa ra tại dự thảo này khá chi tiết, rõ ràng, gắn với hai vấn đề trọng tâm, trọng điểm cải tổ hệ thống NH, bao quát khá toàn diện để đảm bảo xử lý triệt để mọi vấn đề liên quan.
Muốn triệt để xử lý nợ xấu đòi hỏi nguồn lực không nhỏ |
Dự thảo đưa ra nhiều phương án khác nhau, mỗi phương án cũng đều có những đánh giá, đề xuất cụ thể chi tiết gắn với phân tích chi phí lợi ích về cả mặt được, không được tác động đến cả kinh tế, xã hội. Quan trọng hơn cả là các chính sách nhằm vào những điểm có thể nói là cốt tử nhất trong xử lý NH yếu kém và xử lý nợ xấu là vấn đề minh bạch và đầy đủ thông tin; cách thức, nguồn lực để xử lý và quyền lực quyền hạn của các cơ quan cũng như của các bên có liên quan.
Ví như, về giải pháp xử lý nợ xấu, trong dự thảo NHNN đưa ra những quy định làm rõ hơn quyền của người cho vay cụ thể là các TCTD trong việc xử lý nợ xấu. Hay đối với tái cơ cấu NH, cách thức xử lý và những tác động chính sách mà cơ quan quản lý đưa ra tại Dự thảo Luật cũng khá phù hợp trong bối cảnh tất cả quy trình chưa thật suôn sẻ để hỗ trợ cho hoạt động này.
Cụ thể, như đối với TCTD yếu kém, hiện tại chưa có quy trình rõ ràng nên việc xử lý không thể kịp thời, hiệu quả không cao, làm tăng rủi ro tiềm ẩn cho sự an toàn của hệ thống các TCTD và quyền lợi người gửi tiền. Đấy là xét về mặt kinh tế. Còn tác động về xã hội, việc chưa có quy trình rõ ràng về xử lý TCTD yếu kém ảnh hưởng đến tâm lý của người gửi tiền, dẫn tới người gửi tiền có thể rút tiền hàng loạt tại một số TCTD khi có ngân hàng yếu kém nào đó đổ vỡ.
Hay như tính minh bạch trong xử lý hoạt động của các TCTD yếu kém chưa cao. Các cổ đông lớn của TCTD có vi phạm nhưng không nhận thấy rõ những hậu quả pháp lý cũng như hậu quả tài chính mà họ phải gánh chịu trong các trường hợp cụ thể...
Do đó, nếu Dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể về quy trình xử lý TCTD yếu kém sẽ làm rõ được từng bước của quá trình xử lý. Dự thảo Luật cũng cần làm rõ và nâng cao vai trò của ban kiểm soát đặc biệt, cũng như quyền hạn của Chính phủ, NHNN trong quá trình xử lý TCTD yếu kém. Việc xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém cũng làm cho các trình tự pháp lý khác khi giải quyết các tranh chấp phát sinh cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên được rõ ràng và hiệu quả; tính toán về chi phí thời gian sẽ hợp lý để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, xây dựng hệ thống các TCTD thêm lành mạnh, hiệu quả.
Việc quy định cụ thể và rõ ràng các quy định, quy trình này nhằm nâng cao kỷ luật thị trường và quyền hạn của cơ quan quản lý đối với các TCTD yếu kém. Đồng thời tạo điều kiện công khai và minh bạch, bình đẳng về quyền nghĩa vụ của các bên có liên quan, đặc biệt sẽ làm rõ trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân TCTD dẫn đến tình trạng yếu kém. Từ việc nâng cao tính minh bạch sẽ làm cho hệ thống được công khai, rõ ràng hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo ông, Dự thảo Luật có sớm được Quốc hội thông qua?
Phải khẳng định rằng, quá trình xử lý NH yếu kém, nợ xấu rất khó khăn không chỉ vấn đề nội tại nền kinh tế mà cả về nguồn lực. Muốn xử lý nợ xấu bao giờ cũng phải có chi phí, đòi hỏi nguồn lực không nhỏ nhất là khi vấn đề này trở nên nghiêm trọng. Nhưng tôi nghĩ rằng khó khăn lớn nhất là nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Nhất là khi mà thời gian qua có những ý kiến xoay quanh vấn đề xử lý nợ xấu và trách nhiệm người gây ra nợ xấu phải khắc phục…
Những ý kiến này tuy không sai nhưng khá hạn hẹp do không có cái nhìn tổng thể về chi phí lợi ích của cả nền kinh tế. Nói điều này không có nghĩa là chúng ta không rạch ròi giữa đúng - sai. Những người gây ra vi phạm thì họ vẫn đang bị xử lý theo pháp luật. Lúc này tôi cho rằng giải quyết nhận thức còn lớn hơn câu chuyện nguồn lực.
Theo quan điểm cá nhân tôi, Dự thảo Luật đã đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu với các phương án khác nhau để xử lý nợ xấu và các NH yếu kém, cũng như đã tính toán chi phí lợi ích của từng phương án. Vậy làm sao để Dự thảo Luật này nhanh chóng được thông qua, tôi cho rằng, có thể dự thảo NHNN đưa ra vẫn cần làm rõ thêm một số vấn đề trong quá trình xem xét. Nhưng theo tôi nếu mức độ “cọ xát” giữa Dự thảo Luật này với cơ quan Quốc hội đủ rõ, đủ trách nhiệm giải trình thì nó sẽ được thông qua trong thời gian sớm nhất và đi vào cuộc sống một cách thực chất, hiệu quả.
Tôi muốn nhấn mạnh lại lần nữa, dù Dự thảo Luật trên có thể còn phải điều chỉnh nhưng nếu lần này chúng ta lại ngập ngừng, không thông qua được có lẽ đây là một kết cục đáng buồn. Tôi hy vọng với tinh thần cầu thị, quyết tâm, chậm nhất trong năm nay Luật tái cơ cấu, xử lý nợ xấu các TCTD phải được thông qua.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là một Luật đặc biệt và chỉ nên áp dụng trong một thời gian nhất định. Theo ông Luật này có hiệu lực bao lâu thì được?
Tôi nghĩ rằng, một khi sứ mệnh của nó được hoàn thành thì Luật này hoàn toàn có thể hết hiệu lực. Nói như vậy không có nghĩa là khi Luật này kết thúc, hệ thống NH không phát sinh thêm nợ xấu. Vì đã là kinh doanh, nhất là kinh doanh tiền bao giờ cũng có rủi ro. Nhưng theo tôi, sau khi trải qua giai đoạn cải tổ mạnh mẽ như vậy, hệ thống NH có kinh nghiệm rất hữu ích, vô cùng có ý nghĩa không chỉ xử lý vấn đề tương tự phát sinh trong tương lai mà còn tăng cường khả năng ngăn chặn những vấn đề này trước khi nó có thể xảy ra.
Xin cảm ơn ông!