Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu: Cơ sở để xử lý toàn diện, triệt để
Tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016-2020: Mạnh tay với sở hữu chéo | |
Sáp nhập Ngân hàng: Phương án tối ưu tái cơ cấu TCTD | |
Tái cơ cấu TCTD đang đi đúng hướng |
NHNN đang lấy ý kiến về 2 dự thảo là Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu; và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, trước khi hoàn thiện dự án luật trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Nếu dự án luật được thông qua, NHNN kỳ vọng sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để giải quyết một cách hiệu quả nhất đối với TCTD yếu kém và tình trạng nợ xấu hiện nay.
An toàn hệ thống được kiểm soát, nhưng…
Để xử lý TCTD yếu kém, NHNN đã nỗ lực tập trung xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý TCTD yếu kém. Các văn bản quy phạm pháp luật này và các quy định pháp luật khác có liên quan đã tạo lập khuôn khổ khá đồng bộ về xử lý TCTD yếu kém.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, đến nay, về cơ bản đã đạt được một số kết quả nhất định. Các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát.
Ảnh minh họa |
Việc xử lý nợ xấu bước đầu cũng đã đạt được kết quả khả quan. Nhưng, giá trị nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ cho xử lý nợ xấu, pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động… Các bất cập đó, theo NHNN, đang ảnh hưởng đến hiệu quả tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu.
Cụ thể, khuôn khổ pháp lý liên quan đến quá trình kiểm soát đặc biệt TCTD còn nhiều nội dung chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ như: Quy định về thẩm quyền của NHNN khi xử lý TCTD yếu kém. Luật Các TCTD 2010 dù đã có quy định cụ thể về việc NHNN có quyền trực tiếp mua cổ phần bắt buộc và giao Thủ tướng Chính phủ quy định về việc mua cổ phần bắt buộc của NHNN.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện quy định này còn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận, dẫn đến khó khăn lớn cho NHNN triển khai thực hiện. Luật Các TCTD 2010 dù đã có quy định giao quyền cho NHNN thực hiện sáp nhập, hợp nhất bắt buộc đối với TCTD bị kiểm soát đặc biệt khi chủ sở hữu không tăng được vốn, tuy nhiên Luật chưa có các quy định cụ thể để NHNN thực hiện quyền này.
Trong khi đó, tiến trình phục hồi và cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn hết sức khó khăn do chưa có giải pháp và biện pháp hỗ trợ phù hợp với đặc thù của NHTM yếu kém. Những yếu kém căn bản chưa được giải quyết hiệu quả đối với các NHTM yếu kém đã được mua bắt buộc, như: quy mô nợ xấu và tài sản không sinh lời của các ngân hàng này hiện rất lớn; việc xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời rất khó khăn, chưa đạt được kết quả đáng kể.
Nguyên nhân là cơ sở pháp lý hiện hành về xử lý TCTD yếu kém chưa đồng bộ, chưa toàn diện, chưa có các quy định pháp luật cụ thể và toàn diện để thực hiện các biện pháp phục hồi, củng cố tổ chức và hoạt động phù hợp với đặc thù của ngân hàng yếu kém nói chung, ngân hàng mua bắt buộc nói riêng.
NHNN cho rằng, các TCTD yếu kém nói chung và các ngân hàng mua bắt buộc nói riêng không thể đáp ứng các quy định về an toàn hoạt động và không đủ điều kiện đáp ứng về giới hạn cấp tín dụng, điều kiện huy động vốn... để triển khai một số hoạt động kinh doanh như một TCTD bình thường do thực trạng tài chính yếu kém.
Tuy nhiên hiện nay, Luật Các TCTD 2010 chưa có các quy định cụ thể về điều chỉnh hoạt động kinh doanh của TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt, nên việc triển khai các biện pháp phục hồi gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, luật cũng chưa có quy định điều chỉnh quan hệ cho vay, gửi tiền, mua bán nợ... giữa TCTD bị kiểm soát đặc biệt với TCTD khác, do vậy việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ từ các TCTD khác cho TCTD bị kiểm soát đặc biệt còn hạn chế...
Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay là một trong những nội dung quan trọng đảm bảo khả năng phục hồi của các ngân hàng mua bắt buộc. Nhưng thực tế thời gian qua, việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của các ngân hàng mua bắt buộc rất khó khăn, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan có thẩm quyền...
Ban hành luật là cấp thiết
Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã xác định chủ trương lớn trong cơ cấu lại thị trường tài chính đã đặt ra định hướng cho vấn đề tồn tại nói trên.
Nghị quyết nêu rõ, “tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo trong các TCTD có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các NHTM.
Ban hành các quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD; giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế...”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 23/2016/QH14 ngày 7/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 cũng đã nêu rõ việc “tiếp tục cơ cấu lại các TCTD, phát triển thị trường mua bán nợ, kiểm soát chặt chẽ, xử lý hiệu qua nợ xấu và TCTD yếu kém” là giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung thực hiện trong năm 2017.
Đồng thời, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017 cũng đã xác định tập trung cơ cấu lại TCTD là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, giao NHNN xây dựng lộ trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu đi đôi với hoàn thiện hệ thống pháp luật về thị trường mua bán nợ, nghiên cứu xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu; kế hoạch nâng cao năng lực của VAMC.
Tại Công văn số 395/TB-VPCP ngày 9/12/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao NHNN và các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý với đề nghị của NHNN về việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu; đồng thời giao Bộ Tư pháp khẩn trương đăng ký nội dung luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Như vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và cần thực hiện ngay để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 theo định hướng của Chính phủ, Quốc hội cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Đây là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định để thực hiện hiệu quả và khả thi việc tái cơ cấu hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu, qua đó góp phần phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn mới và khắc phục những khó khăn, hạn chế của các TCTD trong giai đoạn trước, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, hiệu quả của hệ thống TCTD, phát triển kinh tế bền vững.
Để đảm bảo xử lý triệt để, toàn diện mọi vấn đề liên quan, kết cấu của Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu sẽ bao gồm 3 phần. Cụ thể: Phần 1 bao gồm các quy định về quy trình xử lý TCTD yếu kém, các biện pháp hỗ trợ phục hồi các TCTD yếu kém; Phần 2 bao gồm các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Phần 3 gồm các điều khoản sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2010 có liên quan đến việc khắc phục tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của TCTD. |