Tìm hướng phát triển thị trường VLXD
Doanh nghiệp vật liệu xây dựng sống khỏe | |
Cơ hội nào cho ngành VLXD? |
Việt Nam từ nước phải nhập khẩu gần như toàn bộ VLXD, trở thành quốc gia xuất khẩu một số sản phẩm VLXD có thế mạnh. Theo Tổng cục Hải quan, các sản phẩm VLXD của Việt Nam đã xuất khẩu đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị kim ngạch trên 1.670 triệu USD trong năm 2017.
Từ nay đến năm 2020 ước tính khoảng 1.120 tỷ đồng để đầu tư chiều sâu duy trì sản xuất và chuyển đổi công nghệ |
Trong những năm qua, chúng ta đã có nhiều chính sách phát triển VLXD mới và thân thiện môi trường như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó quy định sử dụng VLXD tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học trong các công trình xây dựng”. Hay như Nghị định 24a/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng, đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển vật liệu mới thân thiện môi trường; Quyết định số 567/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung...
Cùng với đó là sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho Chính phủ Việt Nam để thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện. Mục tiêu của Dự án là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam.
Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, ngành sản xuất VLXD nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung của thành phố trong những năm qua đã hướng tới đầu tư các công nghệ thiết bị hiện đại, tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo kết quả thực hiện Chương trình điều tra, khảo sát các cơ sở sản xuất VLXD trên địa bàn, trình độ công nghệ sản xuất của các cơ sở chưa cao, chưa có các giải pháp tổ chức quản lý sản xuất toàn diện.
Các cơ sở sản xuất VLXD đặt tại thành phố chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhiều cơ sở hoạt động không ổn định, cầm chừng theo các đơn đặt hàng. Các cơ sở sản xuất VLXD lớn hoạt động tại các khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 15%, còn phần lớn các cơ sở tồn tại và hoạt động bên ngoài, nằm xen kẽ trong các khu dân cư.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển thị trường VLXD thân thiện với môi trường, theo Sở Khoa học Công nghệ, cần tập trung vào giải quyết những khó khăn trong sản xuất và áp dụng kỹ thuật tiến bộ để kịp thời hòa nhập với trình độ khoa học kỹ thuật cao trên thế giới.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc vận động các DN nghiên cứu khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, tính năng sản phẩm, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu; nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh với các DN nước ngoài trong tiến trình hội nhập. Cần tạo điều kiện hỗ trợ DN đầu tư sản xuất VLXD công nghệ cao, đặc biệt là VLXD từ phế thải công nghiệp và sinh hoạt...
Bên cạnh đó, yếu tố nguồn lực để thực hiện cũng vô cùng quan trọng với nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển sản xuất VLXD trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước tính khoảng 1.120 tỷ đồng để đầu tư chiều sâu duy trì sản xuất và chuyển đổi công nghệ. Nguồn vốn cho phát triển ngành VLXD chủ yếu huy động từ DN.
Tuy nhiên, thành phố cần bố trí một phần nguồn vốn từ ngân sách cho phát triển sản xuất các chủng loại VLXD thân thiện môi trường; giúp DN di dời địa điểm, hỗ trợ thuế đất, ưu đãi các loại thuế khác...
Giải pháp quan trọng nhất là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, phát huy cao các nguồn nội lực, đồng thời tạo mọi điều kiện để tranh thủ khai thác các yếu tố, nguồn vốn cho phát triển sản xuất VLXD; Xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích, huy động nguồn vốn đầu tư theo hướng công nghệ tiên tiến hiện đại, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, đảm bảo môi trường;
Tập trung nguồn lực cho đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, sử dụng công nghệ xanh không gây ô nhiễm môi trường, mở rộng sản xuất tại các cơ sở hiện có; Ưu tiên vốn cho các lĩnh vực sản xuất VLXD có lợi thế, có thị trường tiêu thụ tốt như kính xây dựng, tấm lợp, tấm thạch cao, vật liệu ốp lát, vật liệu trang trí hoàn thiện...