Tìm lại giá trị cho “vàng trắng” Việt
Bộ Công Thương bác bỏ thông tin xin giấy phép xuất khẩu gạo tốn 20.000 USD | |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nói thẳng, nói thật về ngành gạo |
Được ví như “vàng trắng” không chỉ bởi gạo là loại lương thực chủ lực, mà còn là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của nước ta. Tuy nhiên, với hiện trạng xuất khẩu gạo có xu hướng giảm cả về khối lượng và giá trị trong vòng 5 năm qua và ở mức thấp nhất năm 2016, có thể thấy việc xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ngành lúa gạo cần xây dựng một chiến lược dài hạn |
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu gạo trong năm vừa qua, ông Trần Minh Thiện, Giám đốc DN tư nhân Cỏ May cho biết, năm qua hoạt động kinh doanh của công ty không mấy thuận lợi, thị trường tiêu thụ giảm tới 40%. Một trong những khó khăn xuất phát từ cơ chế, chính sách, tạo ra nhiều rào cản cản trở xuất khẩu gạo chưa được tháo bỏ hoàn toàn.
Hay đại diện một DN khác chia sẻ, hiện có nhiều loại gạo khách hàng cần mua nhưng DN không có hàng xuất khẩu. Đây là thực trạng của cả ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay. Do vậy phải quy hoạch lại ngành, sản xuất theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường, đồng thời nâng cao chất lượng của hạt gạo.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 10 năm trở lại đây (tính từ năm 2007), hiện trạng xuất khẩu gạo có nhiều biến động. Trong 5 năm đầu của giai đoạn, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng đều đặn, nhưng từ năm 2013, con số này lại có xu hướng giảm, đặc biệt xuất khẩu gạo năm 2016 thấp kỷ lục trong vòng 10 năm cả về khối lượng và giá trị.
Cụ thể khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam lũy kế từ ngày 1/1 đến ngày 31/12/2016 đạt 4,890 triệu tấn, với trị giá FOB 2,128 tỷ USD. So với năm 2015, xuất khẩu gạo năm 2016 giảm 25,5% về khối lượng và giảm 20,5% về giá trị.
Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu bình quân cũng có xu hướng giảm, cao nhất là năm 2008 ở mức 569 USD/tấn, thấp nhất là năm 2015 là 408 USD/tấn và giá xuất khẩu gạo bình quân năm 2016 là 435 USD/tấn. Điều này một phần là do xu hướng giảm chung giá gạo trên thị trường thế giới do sự mất cân đối giữa nhu cầu nhập khẩu gạo giảm trong khi lượng gạo tồn kho thì đang còn nhiều ở một số nước xuất khẩu gạo truyền thống như Thái Lan, nhưng giá gạo Việt Nam lại đang rơi xuống mức thấp nhất so với các loại gạo cùng loại trên thế giới.
Thị trường chủ đạo của gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn là các nước châu Á. Nhưng bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ luôn là những nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, hiện một số nước như Pakistan, Campuchia, Myanma cũng đang trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng chú ý trong thời gian gần đây. Việt Nam đã mất đi một vài hợp đồng nhập khẩu gạo từ những khách hàng quen thuộc ở châu Á vào tay các nước này, mặc dù họ xuất khẩu gạo với mức giá cao hơn Việt Nam.
Gạo Việt Nam xuất khẩu còn bị một số thị trường trả về trong nhiều năm liên tiếp do không đạt tiêu chuẩn. Mặt hàng này của Việt Nam tuy đã vươn xa đến những thị trường gạo tiềm năng như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, nhưng đây đều là những thị trường yêu cầu chất lượng cao với nhiều rào cản kỹ thuật, và đây luôn là bài toán khó với các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Dự kiến năm 2017, tình hình khối lượng xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2017 sẽ chỉ tăng nhẹ so với năm 2016, đạt mức khoảng hơn 5 triệu tấn. Kể cả nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc cũng khó mang lại cho Việt Nam sản lượng xuất khẩu như mong muốn.
Theo VFA, trong tháng đầu tiên năm 2017, Lào đã xuất khẩu gạo nhiều hơn sang Trung Quốc theo thỏa thuận đã có từ trước, và Trung Quốc đã chấp thuận tăng nhập khẩu từ 8.000 tấn lên 20.000 tấn. Những bạn hàng tại châu Á của Việt Nam cũng có những động thái có tác động tiêu cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam như Philippines sẽ kết thúc chương trình cấp phép tiếp cận thị trường lớn hơn (không hạn chế đối với gạo), thay vào đó sẽ áp dụng mức thuế cao do các nhà quản lý kinh tế quyết định và quay lại khối lượng trước đây là 350.000 tấn chứ không phải là khối lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) từ 350.000 tấn đến 805.000 tấn gạo.
Chính phủ Thái Lan công bố thông tin sẽ bán hết lượng gạo tồn khi trên 8 triệu tấn trong nửa đầu năm 2017, đúng vào thời điểm Việt Nam chuẩn bị vào vụ thu hoạch chính, khiến cho nhu cầu gạo trên thị trường không có tính cấp bách, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam theo dự báo có thể tiếp tục giảm. Chỉ khi nào tồn kho Thái Lan được giải quyết thì thị trường xuất khẩu gạo mới có khả năng phục hồi.
Đánh giá về thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường Đại học Thủy lợi cho biết, Trung Quốc là bạn hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng chính sách thả lỏng của nước này khiến số lượng lớn gạo xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch gây nhiều rủi ro cho các nhà xuất khẩu trong nước, rối loạn thị trường, làm giảm uy tín mặt hàng gạo Việt Nam. Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ yếu cũng tác động đến chính sách nhập khẩu gạo của Trung Quốc gây bất lợi cho các DN Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này.
Trong khi đó, theo bà Huyền, thách thức từ quy định về rào cản kỹ thuật đã và đang làm khó gạo Việt. Khi thâm nhập vào những thị trường cao cấp như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản thì những yêu cầu về kỹ thuật thương mại và vệ sinh dịch tễ là rất quan trọng. Bằng chứng là đã có nhiều lô gạo của Việt Nam xuất sang Mỹ và EU đã bị trả về.
Điều này cho thấy, “sự không hợp lý trong quy trình xây dựng chuỗi giá trị gạo khiến cho bao nhiêu năm Việt Nam coi gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng gạo Việt Nam không có tên trên thị trường thế giới và việc xây dựng thương hiệu cho gạo của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn”, bà Huyền nhận định.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để phát triển ngành lúa gạo cần xây dựng một chiến lược dài hạn. Cần phải coi sản xuất lúa gạo không chỉ là lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội mà còn nhằm ổn định kinh tế. Việc tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức sẽ giúp cho ngành gạo đạt được mục tiêu chất lượng và hiệu quả không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn vì mục tiêu xuất khẩu.