Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nói thẳng, nói thật về ngành gạo
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sẽ tập trung vào chính ngạch | |
Thúc đẩy dòng vốn tín dụng hợp phần lúa gạo cho các tỉnh ĐBSCL | |
Bộ Công Thương xác minh thông tin "tốn" 20.000 USD để xin giấy phép XK gạo |
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành và doanh nghiệp phải nói thẳng, nói thật những cái vướng mà ngành lúa gạo đang gặp phải. Từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể giải quyết những vướng mắc liên quan đến hoạt động xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia, phát triển ngành lúa gạo hữu cơ bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng gạo tại Hội nghị - ảnh Quang Minh |
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành làm rõ và nhanh chóng tháo gỡ những cơ chế, quy định đã gây ách tắc cho sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo. Ông cũng trực tiếp yêu cầu các bộ, ngành địa phương làm rõ xem Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có gây cản trở gì cho xuất khẩu gạo hay không? Có bao cấp hạn ngạch hay không và yêu cầu phải chấm dứt những tình trạng này trong thời gian tới.
“Nhân đây, có Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (Bộ trưởng Bộ Công Thương - PV), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - PV), tôi tuyên bố hủy bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo” - Thủ tướng Phúc nhấn mạnh.
Trao đổi bên lê Hội nghị, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA cho rằng gợi ý chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Nghị định 109 và vai trò của VFA là rất xác đáng. Bởi thời gian gần đây dư luận rất quan tâm đến việc xóa bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Bộ Công Thương cũng đã quyết liệt thực hiện điều chỉnh cơ chế pháp lý này. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần phải được tiến hành trên cơ sở tạo đà cho ngành lúa gạo phát triển bền vững. Ở đây nếu có bất cập thì không chỉ liên quan đến VFA mà cả các chính sách, chiến lược khác liên quan đến sản xuất, xuất khẩu lúa gạo đều phải minh định để tháo gỡ các ách tắc.
Theo các báo cáo tại Hội nghị, năm 2016, các DN ngành gạo xuất khẩu được hơn 4,8 triệu tấn gạo, trị giá 2,1 tỷ USD. Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Ước tính, 2 tháng đầu năm 2017, các DN xuất khẩu gạo đã xuất khẩu được khoảng trên 787.200 tấn gạo, trị giá hơn 328 triệu USD, giảm 18,5% về lượng, 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.